Thơ tình liệu còn có tình yêu từ bạn đọc?
Năm nhà thơ từng có thơ được chép kín những trang sổ tay học trò vào những thập niên 1980-1990 đã bất ngờ ra mắt chung tuyển tập Tình thơ một thuở. Hồ Thi Ca, Lương Minh Cừ, Trương Nam Hương, Lê Thị Kim và Lê Minh Quốc không ngại làm "phép thử" xem sau hơn 30 - 40 năm từ sổ tay học trò, thơ tình có còn được say mê?
Tuyển tập Tình thơ một thuở vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành.
Tiếng lòng một thuở
Tuyển tập này gồm 55 bài thơ tình, không chỉ là vần điệu một thời của 5 nhà thơ, mà còn là tiếng nói của một thời thanh xuân của bất kỳ ai. Đã có một thời, sổ tay của các cô cậu học sinh mộng mơ chép kín "Đừng nhìn em như thế/ Cháy lòng em còn gì" (Lê Thị Kim), "Mùa Hạ chờ em đấy biết không? Tiếng ve khản cổ hát lời mong/ Đang trưa mây nõn trôi qua phố/ Giấu một cơn mưa tận đáy lòng" (Trương Nam Hương)...
Đã có một thời, những cuốn thơ tình bé xíu bằng bàn tay được chuyền tay nhau đọc đến nhàu nhĩ. Đi sinh nhật bạn bè, đọc thơ tình tặng, đám cưới, đám tiệc cũng đọc thơ tình tặng nhau.
Giải thích cho một thời thơ tình được yêu chuộng nhiều đến thế, những tác giả nổi danh với thơ tình một thuở cho rằng, đó là khi chúng ta chưa có khái niệm 4.0, chưa có Internet, điện thoại thông minh... sách vở vẫn còn chiếm ưu thế. Thơ tình là tiếng lòng của mỗi nhà thơ, nhưng cất lên nói hộ cho nhiều người và có sức sống trong nhiều người.
Tình thơ trong tuyển tập này như từng sợi tơ lòng đan xen vào nhau, hòa quyện tạo ra những cung bậc cảm xúc về một thời lãng đãng. Người yêu thơ sẽ gặp lại những vần điệu trẻ trung, lãng mạn của những bài thơ tình nổi tiếng từ hơn 30 năm trước như: Đừng nhìn em như thế (Lê Thị Kim), Có một người sau lưng, Mắt Hạ (Hồ Thi Ca), Tình mù, Hoan hô xe đạp (Lê Minh Quốc), Xa lắc mùa Thu, Sau lưng mùa Hạ cũ (Trương Nam Hương), Bất chợt mùa Xuân (Lương Minh Cừ)…
Bạn sẽ đồng cảm, đồng điệu, "đồng thanh tương ứng" cùng nhịp thở của ngày tháng "không có những liếc nhìn tình tứ/ nhưng đam mê vẫn sâu thẳm đất trời..." (Lương Minh Cừ); ở đó, có những tiếc nuối: "Này em, nếu tiếc thời thơ dại/ Ghé quán, cùng anh uống rét mùa" (Trương Nam Hương); có những bâng khuâng: "Bàn tay em mười nốt đen nốt trắng/ Thức trong anh bản giao hưởng không đề" (Hồ Thi Ca); có chan chứa nỗi thất tình vời vợi: "Tội nghiệp trái tim yêu em không mỏi mệt/ Nhưng đêm nay em giấu nơi nào?" (Lê Minh Quốc)…
"Tình thơ trong tập thơ này như từng sợi tơ lòng bện lại, đan xen vào nhau để tạo ra tâm thế của những ai đã và đang sống trong thanh xuân hoa trái" - nhà thơ Lê Minh Quốc, tác giả của những câu thơ tình cháy bỏng được phổ nhạc Viết tên em lên đâu, chia sẻ - "Đây là vần điệu không chỉ một thời của 5 nhà thơ trong tuyển chọn này, mà còn là tiếng nói của hiện tại, của bất kỳ ai, nói như thi sĩ Gửi hương cho gió: "Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì". Có dại khờ đến thế, thơ mới cất tiếng trong đời. Và, khi bạn đến với Tình thơ một thuở, "chính là lúc bạn đang lắng nghe từng cung bậc thanh âm đã réo rắt, đang thì thầm trong lòng bạn".
"Có người hỏi tôi thơ tình liệu còn có tình yêu từ bạn đọc? Tôi xin khẳng định: Khi con người còn yêu thì thơ tình còn có chỗ đứng trong lòng độc giả" - nhà thơ Lê Minh Quốc.
Nhiều điều bên ngoài tác phẩm
Ngoài những bài thơ tình đã đi vào lòng nhiều thế hệ thanh niên và những bài thơ mới, tập thơ này còn ghi nhận những chia sẻ của 5 tác giả về thơ ca, về nghiệp văn chương. Đây là cách để độc giả thấu hiểu hơn về tác giả, tác phẩm.
Với Trương Nam Hương, người được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đọc thuộc lòng thơ (Trương Nam Hương có nhiều tác phẩm được giảng dạy trong sách giáo khoa), văn chương là một nghề đầy nhọc nhằn và bất trắc. Nó chẳng hứa hẹn một điều gì với người cầm bút. Anh đến với thơ là để tìm mình về với chính mình. "Câu thơ tôi sinh thành từ nỗi cô đơn để an ủi những điều bất hạnh".
Từng sống chết ở chiến trường, hòa bình lập lại, vừa là nhà thơ còn là nhà giáo dục, nhà khoa học, tiếng lòng của PGS-TS Lương Minh Cừ (Hiệu trưởng Đại học Cửu Long) được cất lên từ tâm thế: "Tôi cho rằng văn học có giá trị như cơm ăn nước uống, không khí để hít thở và như ánh sáng mặt trời của sự sống nhân loại như vậy. Nhà văn đồng thời vừa là nhà giáo dục, nhà khoa học và là nghệ sĩ của các thời đại khác nhau. Giá trị cốt lõi của người cầm bút chính là nhân cách làm người. Bởi như người xưa dạy: Văn học là nhân học".
Hồ Thi Ca có bài thơ đi vào lòng người, đó là Dấu chân phía trước, được Phạm Minh Tuấn phổ nhạc, thành 1 trong những ca khúc hay nhất về Bác Hồ. Ông cho rằng, mỗi nhà thơ là một vũ trụ tự vận động cùng những đứa con tinh thần của mình. Ông bà ta nói "văn ôn võ luyện". Theo nghiệp viết mà không mài bút hàng ngày thì sẽ nhanh chóng bị khô mực mà thôi".
Ngoài làm thơ, nhà thơ Hồ Thi Ca còn nổi tiếng với vai trò là người phụ trách những chương trình văn chương đi vào lòng người một thời trên sóng phát thanh FM: Tiếng thơ, Văn học tuổi xanh...
Ôn lại kỷ niệm với Tiếng thơ, nơi ông đã gắn bó hàng chục năm, phát hiện ra nhiều nhà thơ, nghệ sĩ ngâm thơ ở khu vực phía Nam, ông xúc động khi thơ ca được không ít người - trong đó có nhiều lao động nghèo - chờ đón nghe. Họ thuộc lòng lịch phát sóng, chờ đợi Tiếng thơ như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Đó cũng chính là động lực để những tác giả viết thơ tình nhiều hơn, hay hơn khi tác phẩm được đón đợi.
Động lực của một thời "độc giả thuộc thơ tình có khi hơn tác giả" cũng được Lê Thị Kim chia sẻ. Rất nhiều lần, khi đi đọc thơ, chị phải... chờ độc giả nhắc mới nhớ ra, để đọc tiếp được thơ mình. "Tôi viết mà không mộng tưởng điều gì. Bởi chính lúc làm thơ, tôi cảm thấy như đang lạc vào nơi chốn nào đó, một cõi riêng mình, nghe lại chính giọng nói của mình và đôi khi còn như một kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió thổi. Tuy nhiên, khi có những bài thơ hay được độc giả nhớ vẫn là niềm động lực khuyến khích tôi hãy đi, đi nữa, cố gắng lên tới đỉnh tuyết kia" - Lê Thị Kim chia sẻ.
Với Lê Thị Kim, thơ ca là niềm khát khao được bộc bạch từ trái tim về những ẩn giấu tận đáy tâm hồn, trong sáng, lắng sâu, chìm ẩn trong cõi vô thức của mỗi con người, lúc cần thiết sẽ tuôn trào như mưa, như suối, như một dòng nước mát bất chợt giữa oi nồng…
Với Lê Minh Quốc, thi sĩ là kẻ có sứ mệnh tìm kiếm, khai thác những giấc mơ đã đến trong cuộc đời chính mình.
"Giấc mơ ấy chính là tâm trạng, tâm thế, tâm linh đang phiêu bồng, trôi dạt đâu đó trong cõi chân mây cuối trời, trong thời đại hắn đang sống. Sau đó hắn thể hiện bằng những con chữ được sắp xếp vừa ngẫu hứng vừa ý thức. Trong hành trình đơn độc này không ai thành công và cũng chẳng ai thất bại" - Lê Minh Quốc nói.
Chọn cách chia sẻ những tâm sự, quan điểm sau hàng chục năm, kể từ khi viết những bài thơ tình đầu tiên, những tác giả của tuyển thơ này đã thành công khi kết nối được độc giả ngày nay - thế hệ độc giả không chỉ đọc thơ, cảm thơ, mà còn có nhu cầu tìm hiểu thông tin. Lê Minh Quốc nói: "Có người hỏi tôi thơ tình liệu còn có tình yêu từ bạn đọc? Tôi xin khẳng định: Khi con người còn yêu thì thơ tình còn có chỗ đứng trong lòng độc giả".
Chính vì vậy, tuyển tập Tình thơ một thuở ra mắt như là một "phép thử" để xem ở thời đại ngày nay có mấy ai còn yêu, còn nhớ đến những vần thơ, còn sống trong tâm thế khờ khạo, vô tư và chậm rãi? Cái tâm thế không chỉ có từ vài chục năm trước, mà cả gần trăm năm trước, thời Thơ Mới và còn lâu hơn thế nữa, từ khi nhân loại có thi ca. Và tâm thế ấy, dù có thể không còn nhiều khờ khạo, trong sáng, nhiệt tình như xưa, thì vẫn còn mãi khi con người còn tình yêu, còn cảm xúc.
Đọc những bài thơ trong tuyển tập Tình thơ một thuở, bạn đọc ít nhiều sẽ tìm được những rung cảm từ tâm hồn đồng điệu, để thấy yêu hơn cuộc sống này.
Mấy điểm chung
"Chúng tôi là những người cùng thế hệ, cùng thời đại, có quãng thời gian đi học chung, đôi khi cùng đi thực tế sáng tác, cùng có thơ đăng trên các báo. Ý tưởng vễ việc in tuyển tập này có từ đầu năm 2020, nhưng do Covid-19 chi phối, không thể làm được, giờ được ngồi chung một sân khấu nói về thơ tình, ra mắt sách, cũng là hạnh phúc của người cầm bút vậy" - nhà thơ Lương Minh Cừ chia sẻ.