Trao giải cuộc thi sáng tác tranh cổ động: Vẽ ra 'chất' Điện Biên Phủ
"Các tác phẩm dự thi đạt giải năm nay đã đáp ứng tốt về mỹ thuật, thể hiện được nội dung tuyên truyền, yêu cầu của cuộc thi, các tranh dự thi có chất lượng nghệ thuật cao". Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) tại Lễ tổng kết và Trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).
Cuộc thi đã được phát động từ ngày 24/10/2023 đến hết ngày 10/12/2023 và nhận được sự hưởng ứng của hơn 1.000 tác phẩm.
Đa dạng hình thức thể hiện
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Phó trưởng ban tổ chức - cho biết, thông qua ngôn ngữ và hình ảnh, các tác phẩm tham dự đã truyền tải ý nghĩa tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ và thành quả xương máu của quân và dân ta xây dựng nên con đường huyết mạch nối liền Nam Bắc - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; qua đó, thể hiện lòng biết ơn đến công lao to lớn của các cha anh sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở hai cuộc kháng chiến, đồng thời phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong thời kỳ mới.
Đối với chủ đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đánh giá, Hội đồng Nghệ thuật đã trao 16 giải, gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 01 giải Phong trào.
Trong đó có những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ, và Điện Biên Phủ - Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam của tác giả Đỗ Như Điềm (tỉnh Thái Bình), tác phẩm Điện Biên Phủ vang mãi bản hùng ca của tác giả Nguyễn Đình Hưng (tỉnh Nghệ An)...
Cũng theo ông Huy, năm nay, nhờ công tác tuyên truyền định hướng tốt nên cuộc thi có sự tham gia đa dạng của các đối tượng họa sĩ, từ những vị "lão thành" cho đến lớp trẻ.
"Nhờ đó, hình thức thể hiện các tác phẩm dự thi cũng rất phong phú. Nếu như các họa sĩ lâu năm chọn sáng tác vẽ tay với những mảng màu truyền thống thì lớp trẻ với cơ hội tiếp cận được công nghệ thông tin mới, khi vẽ qua máy tính đã cho ra nhiều hình ảnh mới cả về đường nét và màu sắc cho tranh cổ động, thể hiện được sự cô động cả về nội dung tuyên truyền lẫn hình thức thể hiện với loại hình nghệ thuật này" - ông Huy nói thêm.
Vẽ bằng tâm huyết
Tại Lễ trao giải, họa sĩ Đỗ Như Điềm đã "đại thắng" với giải Nhất (tác phẩm Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ), giải Nhì (tác phẩm Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam) tại Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; và giải Ba (tác phẩm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn) tại Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Chia sẻ niềm vui, sự vinh dự khi nhận giải thưởng, họa sĩ Đỗ Như Điềm cho biết khi tham gia cuộc thi này, ông đã dành nhiều thời gian để hướng tâm mình về sự kiện lịch sử của dân tộc cũng như rất nhiều tâm huyết khi sáng tác các bức tranh theo chủ đề đặc biệt này. Và để có một bức tranh cổ động đẹp cần phải phải kết hợp được cả yếu tố đồ họa cũng như hội họa.
"Mỗi tác phẩm tôi rất đầu tư nên phải mất cả tháng để hoàn thành. Mang 3 tác phẩm về chủ đề Chiến thắng Điện Biên Phủ đi dự thi, đoạt 2 giải là một niềm vui lớn với tôi" - ông Điềm bày tỏ - "Vẽ tác phẩm Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi muốn thể hiện tinh thần quân với dân cùng một lòng, một ý chí ra mặt trận. Tôi cũng đã chọn nhiều yếu tố làm nên chất Điện Biên Phủ ở tác phẩm này mà bất cứ ai nhìn vào cũng có thể nhận ra ngay như đoàn quân đi chiến dịch, vác trên vai là túi vải, bao gạo đằng sau, đầu đội mũ vải, có lưới, có ngụy trang. Tiếp đến là hình ảnh xe thồ, ngựa…" - tác giả cho biết.
Trước cuộc thi này, họa sĩ Đỗ Như Điềm (Thái Bình) từng nhận giải tại cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ông cũng là họa sĩ vẽ tranh cổ động thuộc "số hiếm" khi từng in và bán được tranh cổ động của mình với mỗi đợt bán ra được 1.000 cuốn (năm 2008, 2013).
"Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm"
Cùng với cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) diễn ra cùng thời điểm cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp họa sĩ. Đã có 17 giải thưởng được trao với 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 01 giải Phong trào.
Tại cuộc thi này, cùng với những lớp họa sĩ kì cựu như họa sĩ Phạm Bình Định (giải Nhất), Đỗ Như Điềm (giải Ba), đáng chú ý còn có những người trẻ như họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung (sinh năm 1985, giải Ba).
Mỹ Dung cho biết, mình đã từng tham gia nhiều cuộc thi vẽ tranh cổ động khi công tác tại phòng tuyên truyền cổ động, trung tâm văn hóa tỉnh Hà Nam cách đây 10 năm. Nhưng chị lựa chọn cho mình cách phản ánh vừa hiện đại, vừa truyền thống khi tiếp cận đề tài về 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh.
"Tôi nghĩ đây là cơ hội để những người trẻ như mình được đóng góp tiếng nói, góc nhìn của thế hệ đi sau trước những sự kiện lớn lao của dân tộc. Bên cạnh đó, là được thể hiện cảm nhận rất gần của thế hệ mình về những chiến thắng vĩ đại của đất nước" - nữ họa sĩ cho hay - "Vì thế, để sáng tác về đề tài này ở hình thức tranh cổ động, tôi đã đọc rất nhiều tư liệu rồi mới xây dựng ý tưởng. Với tác phẩm Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm, tôi sử dụng hình ảnh người phụ nữ vác bom, đạn rất nặng và những người đàn ông thì đẩy xe đạp thồ, chở nhu yếu phẩm, đạn dược. Cùng với đó, tôi sử dụng lối bố cục, đặt màu, ánh sáng, đồ họa, nhằm nhấn mạnh ý tưởng chủ đạo của mình".