Bán kết AFF Cup Indonesia vs Việt Nam: Bạo lực là biểu hiện của kẻ yếu

Indonesia, đối thủ mà Việt Nam chưa từng thắng trong 26 năm qua thuộc khuôn khổ AFF Cup, vẻ như rất đáng gờm. Lịch sử là lời giải thích cho hiện tại và tương lai. Nhưng có một chi tiết đáng tham khảo, đấy là tại Vòng loại FIFA World Cup 2022, chúng ta đã thắng tuyệt đối họ ở cả 2 lượt trận đi và về, với ngót chục bàn thắng mà không để lọt lưới.

Tuy nhiên, trước trận bán kết AFF Cup 2022 với Indonesia, HLV Park Hang Seo đã yêu cầu VFF và AFF phải có tiếng nói để có thể bảo vệ các cầu thủ và CĐV Việt Nam tại Bung Karno. Lý do là bởi lịch sử đối đầu giữa 2 đội bóng đã xảy ra tình huống xấu và gần nhất, các CĐV Indonesia đã đe doạ Thái Lan bằng vật thể lạ trong một trận đấu ở vòng bảng A, AFF Cup năm nay. Ông Park là người chỉn chu mà.

Cùng với đó, một số cho rằng, cần phải chơi rắn như Văn Hậu, Thành Chung..., để dằn mặt cầu thủ Indonesia. Chúng ta không thể thoả hiệp với bạo lực, bằng cách để cho đối thủ muốn làm gì thì làm.

Bóng đá Indonesia mấy năm qua nhuốm màu bạo lực và từng không ít lần nhận lệnh cấm của FIFA cũng như AFC. Họ luôn có vấn đề nội tại, cần giải quyết, bao gồm cả hệ thống giải đấu li khai. Người Indonesia về cơ bản khá lành tính, nhưng khi bước vào sân bóng, họ trở thành những con người hoàn toàn khác, thậm chí cuồng nộ. Sân Bung Karno rung chuyển hơn cả pháo đài trong những trận đấu của ĐTQG. Riêng điều này, người viết đã chứng kiến nhiều lần.

Trên thực tế, lối chơi rắn, rát hơn mức cần thiết, nếu không muốn nói là nhuốm màu bạo lực, từng được xem là một thể loại chiến thuật phủ đầu trong bóng đá. Nó khiến cho đối chủ chùn chân và không dám thi triển lối đá kỹ thuật sở trường.

Chiến thuật này đã và chưa bao giờ được khuyến khích, song thi thoảng, một số đội bóng vẫn dùng ngay cả với bóng đá hiện đại. Indonesia, Malaysia và thậm chí cả Thái Lan, vẫn thích dùng bạo lực trong các trận đấu vùng trũng.

Người quan sát: Bạo lực là biểu hiện của kẻ yếu - Ảnh 1.

Với những kỹ thuật gia siêu hạng như Hoàng Đức, ĐT Việt Nam không nhất thiết phải sa đà vào lối chơi cứng rắn nhiều khi tới mức bạo lực của ĐT Indonesia. Ảnh: Hoàng Linh

Nói về ngón đòn, bóng đá Việt Nam thật không thiếu sở trường nào. Nhưng, về cảm tính, người hâm mộ hoàn toàn không mong đợi bạo lực. Chúng ta vẫn muốn một lối chơi đẹp. Vừa chơi đẹp vừa có điều mình cần, tức là chiến thắng, nếu là 5 năm về trước, điều đó thật xa xỉ. Nhưng dưới triều đại HLV Park Hang Seo, và trong khu vực Đông Nam Á, nó nằm trong tầm tay.

Đối đầu với Indonesia ở Bung Karno, đương nhiên chúng ta đã biết trước họ sẽ làm gì và muốn gì. Nhưng nếu chỉ dùng sở đoản mà đối đầu với sở trường của họ, để họ đưa mình vào bẫy đã giăng sẵn, chắc chắn chúng ta sẽ thua. Lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, đấy mới là cao tay. Các ĐTQG dưới thời ông Park, với hệ thống giải đấu khu vực, chúng ta đã ở tầm cao khác xưa rất nhiều. 

Đội tuyển Việt Nam chẳng dại gì mà lao vào một cuộc đấu sức, đấu tiểu xảo và đấu bạo lực với đối thủ chủ nhà cả. Bởi, chúng ta mạnh hơn họ, chúng ta có thể chơi thứ bóng đá mà mình muốn và thứ bóng đá là sở trường của mình. 

Ung dung tự tại, nên nhớ, chúng ta vẫn còn trận lượt về trên sân nhà. Sẽ không bao giờ lặp lại kịch bản của năm 2016, khi thời điểm đó, những đứa trẻ vẫn chưa lớn. Giờ họ trưởng thành rồi.

Bạo lực muôn đời là biểu hiện của kẻ yếu. Đối thủ mạnh nhất của Việt Nam ở giải năm nay, như nhận định của Thể thao & Văn hoá, vẫn chưa xuất hiện. Nó chắc chắn sẽ là đội bóng cuối cùng chúng ta gặp ở chung kết. Chắc chắn là Thái Lan chứ không phải Indonesia rồi.

Thắng không kiêu, bại chưa thấy. Tiến lên nào các chàng trai của ông Park! 


CCKM

Link gốc: TTVH