Nhớ NSƯT Hồng Nhung (1953 - 2023): Tiếng sáo bay vào miền yêu thăm thẳm
Nghệ sĩ flute (sáo Tây) số 1 Việt Nam - Hồng Nhung (Nguyễn Thị Nhung) sinh năm 1953 đã ra đi tối thứ Ba, 18h53 ngày 12/9/2023. Những con số 3 nghiệt ngã với người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa đến phút cuối cùng, khi chỉ còn 3 mẹ con, mà con trai thì không thể từ Canada về tiễn biệt mẹ.
1. Ngày cuối tháng 7 nguyệt lịch mưa từ sũng trời Hà Nội như tiếc xót cho những người thành danh ở đất này sớm ra đi. Hơn 3 năm nay, do sức khỏe yếu, NSƯT Hồng Nhung đã không ra được Hà Nội. Mấy tháng cuối đời, bà hôn mê, thở máy. Tiên lượng xấu, các con bà cũng biết khó hy vọng phép màu…
Người con gái xinh đẹp của quận Lê Chân, cũng là nghệ sĩ duy nhất của đất Cảng Hải Phòng và Hà Nội được đào tạo flute bài bản ở Đông Âu, vừa an nghỉ tại đất TP.HCM, nơi bà gắn bó gần 40 năm. Nơi mà tài năng của bà đạt đỉnh cao, độ chín và hiển lộ rạng rỡ nhất trong cuộc hôn nhân với người chồng duy nhất - nhạc sĩ Phú Quang (1949 - 2021).
Năm 1978, bà đoạt giải Nhất tại Festival nhạc trẻ các đoàn và trường chuyên nghiệp toàn quốc. Thời gian này, bà trở thành nghệ sĩ độc tấu danh tiếng, biểu diễn thường xuyên với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO), Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam… Bà còn tham gia biểu diễn nhiều cho các tác phẩm điện ảnh và kịch như Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Cánh diều tuổi thơ và đoạt HCV với vở kịch Chiến thắng Điện Biên Phủ (đạo diễn Nguyễn Đình Quang và Doãn Hoàng Giang).
Hồng Nhung nhiều dấu ấn với mùa Hè. Hè 1986, bà chuyển cư vào Nam, dạy tại Nhạc viện TP.HCM và là 1 trong 12 thành viên sáng lập Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO), theo QĐ thành lập ngày 2/6/1993. Suốt 15 năm công tác tại HBSO, Hồng Nhung luôn là bè trưởng flute (flute 1), solist của dàn nhạc. Bà đã tham gia biểu diễn các tác phẩm múa đoạt giải thưởng cao như Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Mâm vàng Cửu long, Sự ân hận muộn màng của NSND Vũ Việt Cường và NSND Kim Quy; thu âm cho nhiều phim nổi tiếng như Vị đắng tình yêu (tập 1, đạo diễn Lê Xuân Hoàn), Hải Nguyệt, Những cô gái Đồng Lộc (đạo diễn Mỹ Hà)…
2. Bà đào tạo nhiều học trò trong và ngoài nước, trong đó có học trò xuất sắc là nghệ sĩ flute Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, thành viên của HBSO.
Nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch xúc động kể: "Điều tôi coi trọng nhất ở chị là đề cao chuyên môn, lao động tận tâm, nghiêm túc. Chị luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, hết sức hết lòng khi tập và biểu diễn. Trong nhà hát, chị Nhung luôn quan tâm chăm sóc lớp trẻ, góp ý hướng dẫn chuyên môn".
Trần Vương Thạch còn quý người chị ở tinh thần yêu nghề, dù đau ốm vẫn khắc khoải với âm nhạc: "Nhớ những chuyến đi diễn khắp miền Nam và mấy lần sang Nhật. Chị vẫn là solist của HBSO khi diễn tại Tokyo tháng 10/2008, rồi mới nghỉ hưu. Tôi ấn tượng với tiếng sáo điêu luyện kỹ thuật và căng tràn cảm xúc của Hồng Nhung. Công chúng và giới nghề biết đến tiếng flute tuyệt vời của chị qua các tác phẩm của Phú Quang, nhưng chị còn được yêu mến và luôn được khán giả đòi "bis" khi thể hiện chùm 6 concerto Brandenburg của J.S.Bach (1685 - 1750)".
Chính tiếng sáo ấy góp phần cho quyết định đổi nhạc cụ của NSƯT Nguyễn Diệu Hồng (sinh 1962 tại Hà Nội, là thành viên VNSO từ 1985 - 2019), khi còn là một thiếu niên. Người bé nhỏ lại thích nhạc cụ bộ hơi, Diệu Hồng học sơ cấp kèn oboe. Chuyên môn vững, nhưng sức khỏe không theo được, vì kèn này mất sức khiến cô bé thường đổ máu cam. Xong sơ cấp, trước nguy cơ phải nghỉ học hoặc chọn nhạc cụ khác, Diệu Hồng bị mê đắm một hình ảnh cô giáo trẻ, trắng, xinh đẹp, du học Sofia (Bulgaria) về dạy tại Nhạc viện Hà Nội: "Năm 1976, cô Nhung về trường là nổi luôn, vừa tài vừa đẹp. Tôi bị hút vào hình ảnh cô yêu kiều ngồi thổi sáo ở bệ cửa sổ tầng 2 nhà đỏ (tòa nhà dạy văn hóa, quét vôi hồng), nhất là những hôm trăng sáng. Được chọn và nhất quyết theo bộ hơi, tôi chuyển sang học flute và là học trò hệ trung cấp của cô Nhung từ 1976 đến 1979".
"Xong đại học, tôi về công tác tại VNSO và dần thành solist. Người trong nghề coi tôi và cô giáo là 2 bông hồng của flute ở 2 miền. Tôi kính trọng và không so mình với cô" - Diệu Hồng thẳng thắn - "Tôi cũng không ngại khi thể hiện tác phẩm của Phú Quang mà cô đã diễn thành công. Nhạc sĩ viết cho tình yêu của 2 người, cảm hứng từ người yêu, người vợ. Nhưng mỗi người có tình yêu, thể hiện khao khát khác nhau và cách xử lý khác nhau, nên tôi tự tin diễn Tình yêu của biển trong chương trình Điều còn mãi hồi 2/9/2016, chỉ huy là nhạc trưởng Lê Phi Phi".
Diệu Hồng kể tiếp: "Tôi là bè trưởng flute, chồng tôi - NSƯT Nguyễn Thiện Thắng (1959 - 2019) chơi kèn clarinet trong VNSO, mỗi năm vào TP.HCM đều đến thăm cô giáo cũ, đến tất cả các nhà của cô và thăm cả trong bệnh viện. Con gái tôi được tôi dạy flute từ 8 tuổi, học sơ cấp tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, rồi định thi Đại học Y Hà Nội. Bất ngờ tôi cho con cơ hội diễn bè 3 (bè khó) vở Kẹp hạt dẻ khi VNSO thiếu flute, con được nhạc trưởng khen. Vậy là Hồng Ánh cũng bất ngờ chọn thi hệ đại học, học flute, khi chỉ có hơn 3 tháng ôn nhiều môn. Nay con gái tôi giữ vị trí flute 1. Năm 2006, tôi là solist diễn ở TP.HCM, cô Nhung đi xem, tự hào về tôi".
3. Nhạc sĩ Phú Quang bị tiểu đường gần 30 năm cuối đời, người bạn đời của ông cũng bị hơn 20 năm chặng cuối.
Hồng Nhung bị tiểu đường tuýp 2, mấy năm nay chạy thận lọc máu tuần 3 lần. Cuối tháng 5 vừa qua, bà cấp cứu suy tim, đột quỵ, 1 tuần sau về lại đi lọc máu, rồi cấp cứu lần 2. Lần này bà trở nặng, phổi trắng, mất đề kháng, phải mở nội khí quản và hôn mê sâu cho đến lúc lìa trần.
Bà Nhung quy y năm 2004, khi vợ chồng bà có rạn nứt. Với pháp danh Tâm Hương, bà sống tích cực, nuôi nhiệt huyết với âm nhạc. Rồi Phú Quang ly thân, ra Hà Nội sống, rồi họ ly hôn sau gần 30 năm gắn bó.
Phú Vương, con trai út và duy nhất của họ, từ Toronto bay về TP.HCM được hơn 1 tháng bên mẹ rồi quay lại Canada. Vợ Vương là An Bình, cao 1,7m, sinh tại Moskva, gốc Hà Nội, xinh và trí thức, lấy nhau đợt đại dịch Covid-19, bố Quang ốm nặng nên không tổ chức được đám cưới. Hiện họ sống tại Vancouver, nơi Bình học thạc sĩ. Mẹ mất 3 tiếng Vương mới biết tin. Vancouver đi sau Việt Nam tới 14 tiếng. Vương vẫn là cậu bé Tin nhớ tất cả những sự kiện, tháng ngày hạnh phúc của bố mẹ…
Diễn tấu thành công nhất tác phẩm khí nhạc của Phú Quang
Phú Quang là bạn đời của Hồng Nhung, dù hơn 15 năm cuối, họ không là vợ chồng, nhưng bà vẫn theo dõi, ủng hộ, chia sẻ với ông về tác phẩm, đêm diễn. Chung cuộc, bà chính là người diễn tấu đầu tiên và thành công nhất tác phẩm khí nhạc của Phú Quang. Bà là nhân chứng, là bạn đồng hành gắn bó nhất với Phú Quang kể từ tác phẩm Tình yêu của biển (1978) ông viết cho bà, khi họ yêu nhau.
Yêu người con gái quê biển đẹp cả nhan sắc và tâm hồn, Phú Quang ưu ái viết nhiều cho flute và dàn nhạc giao hưởng, lấy cảm hứng từ Hồng Nhung. Có thể nói, Hồng Nhung đã dâng hiến cuộc đời cho tình yêu, tình yêu cá nhân trong tình yêu âm nhạc, làm nên dấu ấn đỉnh cao trong sự nghiệp của Phú Quang và của chính bà.
Bằng đỏ tốt nghiệp bằng tiếng Bulgaria khóa 1972 - 1976 của Nguyễn Thị Nhung chứng nhận bà là sinh viên ưu tú của National Academy of Music (tên cũ là Bulgarian State Conservatoire), tức Nhạc viện quốc gia tại Sofia, Bulgaria.
"Flute sử dụng cả hai bàn tay, 10 ngón tay vừa giữ thăng bằng, vừa bấm phím (điều khiển thang âm). Flute 16 đến 17 lỗ, nhưng không phải bấm được hết các lỗ mà cần sử dụng cả những thế phụ, khó tả kĩ, nếu không hiểu chuyên sâu" - NSƯT Diệu Hồng chia sẻ.
Tôi nghe lại những bản nhạc tuyệt đẹp được sinh ra vì tình yêu, cho tình yêu, ngắm hình ảnh cô Nhung say sưa thổi flute và chú Phú Quang nhiệt huyết chỉ huy, rồi liên tưởng đến những mối tình lớn trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Dành cho piano, flute những giai điệu bất hủ, Phú Quang đã được sáng danh và sống bền bởi tài năng thăng hoa trong tình yêu.
Trên tất cả, ngay khi yếu ớt, bà vẫn khát khao được cầm sáo, dạy hoặc diễn, nâng bằng 10 ngón gầy còn lưu luyến những mê say, trong đó có cả giai đoạn nén đam mê biểu diễn để làm hậu phương cho chồng. Bà chính là người góp ý trong sáng tác và chia sẻ với Phú Quang từ thuở lập danh đến khi thành công đỉnh cao sự nghiệp.