Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: 'Tôi đã chạm đến những điều không thể lường trước'
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa giới thiệu với công chúng 2 cuốn sách ảnh cùng lúc: Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại (tập 1) và Biệt đội giữ bình yên "đất lửa". Quá trình thực hiện 2 tác phẩm này đã khiến anh phải sống cân bằng giữa sự bay bổng của một nghệ sĩ và tính kỷ luật của một người lính thực thụ. Điều đó rất thú vị.
Hơn 100 bức ảnh được trích ra từ 2 tập sách này đang được triển lãm tại Nhà văn hoá Thanh Niên từ ngày 27/7 đến ngày 30/7. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với anh.
* Anh vẫn luôn có lý do để thực hiện các cuốn sách của mình. Vậy lý do của 2 cuốn sách lần này là gì?
- Dịp ra mắt vào đúng ngày 27/7, ai cũng nghĩ tôi chuẩn bị cuốn Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở về để cho dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nhưng đó không phải là tính toán của tôi, mọi thứ trong đầu tôi khi thực hiện cuốn sách này giản dị hơn nhiều.
Thứ nhất, tôi ngưỡng mộ tinh thần của những người tù chính trị bị địch lưu đày nơi Côn Đảo nhưng nhìn lại, tôi thấy chưa ai nói đủ về họ như tôi hình dung. Thứ hai, tôi nghĩ các cô chú cũng xấp xỉ 80 tuổi hết rồi nên làm cuốn sách này như một cách tri ân những người đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho lý tưởng cao đẹp.
Còn cuốn Biệt đội giữ bình yên "đất lửa" là chụp những thành viên thuộc dự án NPA/RENEW (Chương trình Khảo sát và Rà phá bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy hợp tác với dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị). Với tôi, những bạn trẻ làm việc trong dự án như là lực lượng kế thừa tinh thần tốt đẹp và mạnh mẽ của những cô chú cựu tù năm xưa. Dù là làm việc trong thời bình nhưng công việc của họ là đầy nguy hiểm cho bản thân với mục đích giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Họ cũng là những người can đảm.
* Thành quả của anh đã được bạn đọc nhìn thấy qua 2 cuốn sách nhưng có lẽ những khó khăn khi thực hiện, ta cũng nên nhắc đến một chút chứ, thưa anh?
- Tôi đã xuất bản gần 20 cuốn sách ảnh nên bên cạnh kinh nghiệm thì áp lực về việc phải làm sao để khác đi, không gây nhàm chán cho bạn đọc cũng không nhỏ, phải suy nghĩ nhiều về cách chụp và các góc máy.
Còn khó khăn cụ thể khi làm cuốn về cựu tù Côn Đảo là làm sao cùng các cô chú thực hiện được chuyến đi về thăm lại lao tù xưa. Tôi đến xin ban liên lạc để tiếp cận những cô chú cựu tù. Sau đó, chúng tôi nộp công văn Thành ủy, trình bày dự án này và không chỉ được ủng hộ tinh thần mà còn được hỗ trợ hơn 300 triệu cho chuyến đi. Tôi không đụng tới số tiền này mà để các cô chú tự giữ và chi tiêu. Riêng tôi thì tự bỏ ra hơn 200 triệu cho công việc của mình.
Sau khi giải quyết xong bài toán kinh phí, điều lo lắng tiếp theo của tôi là tình hình sức khoẻ của các cô chú. Tôi chỉ cầu mong chuyến đi suôn sẻ, đừng ai đau bệnh gì. Nói thật, nếu không có số tiền tài trợ và sự ủng hộ của thành phố, sự nhiệt tình của các cô chú cựu tù thì tôi không thể làm được dự án này - không cách nào có 39 người đồng hành cùng tôi.
Với tôi, cuốn sách này vẫn chưa nói đầy đủ về họ nhưng tôi đã làm hết sức mình và sẽ làm những cuốn tiếp theo về đề tài này.
Với cuốn Biệt đội giữ bình yên "đất lửa", khó khăn chỉ là làm sao để giữ an toàn và thực hiện nghiêm ngặt quy định của tổ chức. May mắn là trong 9 tháng, tôi có 3 lần ra Quảng Trị chụp ảnh và tiếp cận được với các nhân vật cần thiết.
* Các nhân vật của hai cuốn sách là hai thế hệ khác nhau, khi đồng hành cùng, anh thấy gì ở tuổi già và tuổi trẻ của họ?
- Trước hết, nói về các cô chú cựu tù Côn Đảo. Trong chuyến đi, nhiều người nói với tôi rằng đây có thể là chuyến đi cuối cùng của họ. Không biết có phải vì vậy hay không, hay vì họ có sẵn tinh thần mạnh mẽ như trong quá khứ đã từng, mà tôi thấy họ tươi trẻ, dù ai cũng phải đem theo thuốc bên mình. Đó là những con người có một tuổi trẻ ý nghĩa và một tuổi già đầy sức sống.
Còn các bạn trẻ của đội dò mìn, họ đang sống những ngày đẹp nhất và kỷ luật nhất - như những người lính thực thụ.
* Có phải những điều anh vừa nói cũng là cảm hứng để anh "theo đuổi" các nhân vật của mình với tinh thần vui vẻ?
- Đầu tiên, họ khiến tôi xúc động. Cuộc gặp lại của những con người đã sống bên kia sườn dốc cuộc đời với những cử chỉ chăm sóc nhau rất nhỏ như nhắc uống thuốc, quàng lại cái khăn, chải mái tóc… và những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm được kể lại, tôi nghĩ rằng ai chứng kiến cũng phải rơi nước mắt.
Những người trẻ trong đội dò mìn cũng làm tôi rưng rưng khi nói rằng họ đã chứng kiến những người thân, hàng xóm, bạn bè phải bỏ mạng hay bị thương tật vì bom mìn, vì lẽ đó họ chọn công việc bước vào vùng nguy hiểm. Dĩ nhiên, công việc này đem lại cho họ thu nhập tốt nhưng nếu không can đảm thì vẫn có thể kiếm sống từ công việc khác.
Thứ hai, họ đem lại cho tôi nguồn năng lượng tốt lành. Họ gián tiếp nhắc tôi sống kỷ luật với tác phong của người lính. Cả người già và người trẻ đều cho tôi thấy sống cống hiến có ý nghĩa thế nào cho sự có mặt của mình trong cuộc đời này.
* Cụ thể, bức ảnh nào khiến anh rơi nước mắt?
- Đó là bức ảnh tôi dùng làm bìa cho cuốn Tử tù, cựu tù Côn Đảo – Ngày trở lại. Đó là khi một đoàn du khách biết nhóm tôi có các cô chú cựu tù nên cô hướng dẫn viên dẫn đến nhờ kể chuyện. Tình cờ mà họ gặp được những "thuyết minh viên thứ thiệt", khi các cô chú kể chuyện mình bị bắt và tra tấn như thế nào trong những ngày ròng rã lao tù thì không ai cầm được nước mắt, tôi cũng khóc. Đó là những khoảnh khắc mà tôi không thể dàn dựng được - những cú chạm đến cảm xúc mà tôi không lường trước được.
Hoặc tình cảm của chú Lê Hồng Tư - tử tù Côn Đảo xưa - dành cho công việc của tôi cũng khiến tôi xúc động. Gần đến ngày cả đoàn xuất phát, bà xã chú bị bệnh nên chú không đi cùng được. Nhưng sau khi cô hồi phục, chú sắp xếp đi riêng cùng tôi một chuyến về Côn Đảo, nhờ vậy cuốn sách mới tốt hơn vì chú là một nhân vật không thể thiếu.
* Còn về góc độ nghệ thuật, anh đã xử lý từng cuốn như thế nào?
- Tôi rất thích thú khi hình dung đến tông màu trong quá trình chụp 2 cuốn này. Cuốn về các cựu tù, tôi sử dụng nhiều màu nóng nhưng cũng mang hơi hướng cổ điển, thể hiện sức sống của các nhân vật và tấm lòng tri ân lúc nào cũng ấm nóng của người sau dành cho thế hệ trước.
Cuốn còn lại thì tông màu lạnh, mát mẻ, dễ chịu, bạn có thể từng giọt nước trên lá cây. Sự đối lập của một công việc gai góc và kết quả của việc ấy là đem lại những tiếng thở phào nhẹ nhõm cho từng người. Tôi chỉ đi theo chứ không thể sắp xếp. Họ đi trước dò mìn an toàn rồi tôi mới được đi.
Biên tập luôn là điều khó nhất. Riêng cuốn về các cựu tù, tôi đã phải rất cẩn thận về hình ảnh và ngôn từ. Chụp cho người già cũng không phải dễ, chụp như không chụp. Tôi phải canh và thay đổi rất nhiều góc máy.
Tôi vui vì các cô chú cựu tù ai cũng thích cuốn này. Họ nói: "Nếu Á không làm thì có lẽ không ai làm điều này cho cô chú" và đây sẽ là những bức ảnh nhiều kỷ niệm với họ, khi mà con cháu họ sẽ xem và lưu lại.
* Vì sao anh chỉ chọn in hơn 100 ảnh cho lần triển lãm này?
- Vì tôi muốn nhân vật cũng như độc giả dành nhiều thời gian hơn cho những bức ảnh trong cuốn sách, trong đó có rất nhiều điều muốn nói qua ảnh mà trong khuôn khổ cuộc triển lãm đôi khi họ vội quá nên sẽ lướt qua.
* Anh có hy vọng 2 cuốn sách ảnh này sẽ nhận được các giải thưởng như những cuốn trước không?
- Nếu có giải thưởng thì tôi vui vì công sức mình được ghi nhận và có thêm một khoản tiền để làm các dự án tiếp theo nên cũng hy vọng. Tuy nhiên, tôi thường được các cơ quan, đơn vị đặt hàng chụp ảnh, làm sách cho họ nên vẫn làm được việc mình thích và vẫn còn rất thích công việc mình làm. Đó cũng là niềm vui của một nghệ sĩ vì trái tim chưa bị chai sạn.
Chụp ảnh là công việc của một tam giác: tôi - ống kính - nhân vật và cả ba phải kết hợp nhịp nhàng. Khi trái tim tôi hồn nhiên thì mọi việc tự nhiên ổn thoả.
"Cả người già và người trẻ đều cho tôi thấy sống cống hiến có ý nghĩa thế nào cho sự có mặt của mình trong cuộc đời này" - nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.