Hệ giá trị Việt Nam: Đi tìm bộ 'gen' của hệ giá trị Việt Nam
Có một bộ "gen" về giá trị và văn hóa Việt Nam hình thành cùng với bản chất sinh học và xã hội học của con người Việt Nam. Bộ "gen" này giúp cho con người Việt Nam tồn tại trong mọi tình huống khó khăn và phức tạp nhất của thiên nhiên và xã hội, tồn tại cùng với những thách thức từ kẻ thù hung bạo từ mọi hướng bên ngoài.
Ở Việt Nam, trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc, lãnh thổ quốc gia có thể không còn nhưng ý thức của dân tộc Việt thì vẫn được nuôi dưỡng, bảo tồn và là sức mạnh tinh thần tiềm ẩn trong hàng loạt những cuộc nổi dậy, đấu tranh, hy sinh kế tiếp nhau vì công cuộc giải phóng dân tộc.
Có một số nhà sử học hay gọi thời kỳ Bắc thuộc là thời kỳ "Trung Hoa hóa", rồi lại gọi thời kỳ độc lập sau đó là thời kỳ "giải Trung hoa hóa", nhưng rõ ràng cho dù thời kỳ nào cũng vậy, cái bộ "gen" giá trị sinh tồn của người Việt đó vẫn là nguyên vẹn.
Trên thực tế, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Trung Hoa nhưng theo chúng tôi, chẳng có thời kỳ nào chúng ta bị "Trung Hoa hóa" cả. Chính vì vậy mà giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã cho rằng, văn hóa Nho giáo Trung Hoa vào Việt Nam chỉ thấm được tới lớp vỏ bên ngoài… Lớp vỏ ấy, mỗi thời kỳ lại có độ nông sâu khác nhau, nhưng cái lõi Việt thì cứ tồn tại mãi. Cái lõi ấy như một thứ kim cương rắn chắc, sáng lấp lánh, khiến cho mọi kẻ thù từ bên ngoài không những không thể thâm nhập vào được, mà còn phải kiêng nể và thậm chí cảm phục.
Trong điều kiện hiện nay, cái bộ "gen" của văn hóa và con người Việt Nam, hơn lúc nào hết càng cần phải được giải mã, cần được lập trình trên con đường xây dựng và phát triển con người Việt Nam hướng tới xã hội tương lai.
Tình cảm quê hương, đất nước, cộng đồng là nấc thang cao nhất trong hệ thống giá trị Việt Nam truyền thống
Giáo sư Trần Văn Giàu, trong công trình nghiên cứu nhan đề Văn hóa Thăng Long Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng đã cho rằng tình yêu quê hương đất nước có thể được coi là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất trong hệ giá trị Việt Nam. Ông cho rằng mặc dù dân tộc nào cũng đều có tinh thần yêu quê hương, giống nòi, nhưng với dân tộc Việt thì tình yêu đó lại là đặc biệt, là nấc thang cao nhất trong hệ thống các thang bảng giá trị.
Trần Văn Giàu viết: "Tộc Lạc Việt của đất Văn Lang bị ngoại bang đô hộ ngàn năm mà vẫn giữ được lãnh thổ của tổ tiên, vẫn giữ được bản sắc dân tộc, ấy là nhờ có tấm lòng yêu nước. Yêu nước là tâm hồn vốn có, là tư tưởng chủ yếu của người Việt. Tình cảm tư tưởng yêu nước trong dân tộc Việt vừa là động cơ, vừa là kết quả của một quá trình đấu tranh cực kỳ gian khổ, cự kỳ lâu dài".
Có lẽ không cần phải nói nhiều tới một trong những đặc trưng nổi bật được nhiều người nhắc tới của văn minh Việt Nam nói chung là sự duy trì được một cách hài hoà mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, giữa con người với con người và giữa cộng đồng với cá nhân trong xã hội, coi đó như là những giá trị cốt lõi nhất trong hệ giá trị Việt Nam.
Hiện nay, trong khi phương Tây có lẽ tranh luận gay gắt về sự "quá đà" trong việc thực thi những khẩu hiệu về tự do cá nhân, sự tự do mà trên thực tế đã diễn ra nhiều khi lại đồng hành với cả bạo lực, tội ác, ma túy, sự tan vỡ của gia đình, sự lộng quyền của những cá nhân và nhóm người thiểu số với đa số, thì những giá trị của xã hội cộng đồng vốn có từ lâu đời trong giá trị Việt Nam lại trở thành một nguồn sinh lực cho một tương lai mới.
Người Việt Nam sinh ra, lớn lên rồi mất đi trong môi trường cộng đồng, trong một cuộc sống gắn liền với những vui buồn hạnh phúc, đắng cay của cộng đồng theo cách là "bán anh em xa mua láng giềng gần", "hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau". Và việc duy trì mối liên kết cộng đồng cũng chính là sự duy trì cuộc sống của bản thân mình:
Lũ lụt thì lút cả làng
Đắp đê phòng lụt thiếp chàng cùng lo
Kế tiếp lẫn nhau trong bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, tinh thần quên thân vì nghĩa cả tức là hy sinh thân mình vì tập thể cộng đồng, được duy trì và nuôi dưỡng, thấm vào máu của những người trẻ tuổi, tạo ra những giá trị không thay đổi về đạo đức và điều chỉnh các hành vi xã hội. Nhờ quan điểm sống ấy, tình cảm với quê hương, đất nước, đồng bào sâu sắc ấy mà dân tộc Việt Nam đã duy trì được một sự hài hòa trong các quan hệ xã hội, làm hạn chế phần nào những sự phát triển của tính vị kỷ, tạo ra được một sức mạnh chung để sinh tồn và chiến thắng ngoại xâm.
Đối với người Việt, cuộc sống cộng đồng là hết sức quan trọng, cộng đồng chính là nơi để họ biểu hiện những phẩm chất của cá nhân mình.
Tư tưởng cộng đồng, mặc dù trong suốt chiều dài lịch sử có thể tạo ra rất nhiều hạn chế như tư tưởng bình quân, sự kém năng động trong tư duy kinh tế, tâm lý sản xuất tự cấp tự túc, thái độ coi thường công nghệ... nhưng lại chính là cơ sở quan trọng để duy trì sự thống nhất chung, là linh hồn cho sự đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Gạt bỏ những hạn chế và tiêu cực sinh ra từ xã hội cộng đồng, chúng ta có thể thấy được sức mạnh cũng như nhân tố phát triển hàm chứa trong đó, những nhân tố đoàn kết, thống nhất mà không phải là dân tộc nào cũng có được.
Có thể còn cần phải có nhiều thời gian hơn nữa để phân tích tìm hiểu nguồn gốc sâu xa sức mạnh cộng đồng trong hệ thống giá trị của người Việt, cái mà đối với nhiều học giả phương Tây đôi khi còn được coi là thần bí. Chẳng hạn như, những gì là động lực thúc đẩy người Việt liên kết lại với nhau thành một khối vững chắc sẵn sàng đối diện với mọi thứ thách thức; cái gì đã làm cho mỗi người Việt từ khi sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay không được phép quên đi những trách nhiệm chung đối với cộng đồng; cái gì đã đưa những chuẩn mực về một xã hội đoàn kết và tương thân tương ái lên hàng cao nhất trong hệ giá trị truyền thống.
Việc tôn trọng các giá trị cộng đồng phải chăng đã trở thành thứ tín ngưỡng, điều mà tất cả các loại kẻ thù từ bên ngoài đều buộc phải đối đầu trước hết trong những tham vọng khuất phục người Việt Nam?!
Quan điểm chung của các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung đều để cao tính đoàn kết dân tộc, tôn trọng các mối quan hệ cộng đồng, làng xã, lấy tinh thần đoàn kết làm chỗ dựa cho sự hưng vong của tổ quốc. Trần Hưng Đạo đề cao tư tưởng "khoan sức cho dân", để lấy sức dân làm thế mạnh của nước. Nguyễn Trãi kêu gọi phải lấy dân làm gốc, nêu cao tư tưởng "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo".
Một học giả phương Tây đầu thế kỷ, khi nghiên cứu về tính cộng đồng của người Việt đã nhận xét: "Khi những con đê bị dòng nước hung hãn phá vỡ thì người ta gọi dân đinh không chỉ những làng có đê đến mà nhiều tổng xã từ xa cũng được triệu tập đến và người dân có thói quen hành động chung, tôn trọng một số luật lệ sử dụng nước ... do đó vấn đề thuỷ lợi được thực hiện một cách tự nhiên đến mức đơn giản" (Trần Hiệp - Đỗ Long. Tâm lý cộng đồng làng và di sản. Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1993).
Chúng ta đều biết rằng tục lệ ở nhiều phường xóm, làng xã tại Việt Nam đã buộc các hộ gia đình khi gặp chuyện vui vẻ, trai gái khi cưới xin phải có nghĩa vụ góp gạch xây thêm các công trình công cộng, đường làng, ngõ phố, coi đó không chỉ là ý nghĩa về mặt vật chất mà còn là một sự nhắc nhở về ý thức cộng đồng.
Từ tính cộng đồng đến truyền thống nhân đạo thương người như thể thương thân.
Trong xã hội truyền thống, khi một con người tự giác, tận tâm làm tròn bổn phận của mình trước cộng đồng thì ngược lại cộng đồng cũng có trách nhiệm lo lắng, quan tâm tới họ, không bỏ rơi họ trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Bởi vậy, quan niệm của người Việt nói chung trong các mối quan hệ xã hội là: ''lá lành đùm lá rách'', là ''Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ''. Tình yêu đối với quê hương đất nước biểu hiện qua tình yêu với đồng bào, dân tộc:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
hoặc
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Nếu người Việt Nam sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong sự nuôi dưỡng thường xuyên về ý thức đóng góp cho cộng đồng thì trong suốt cuộc đời mình họ cũng được sống trong sự lo lắng quan tâm của những người khác. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, họ đã sống trong không khí thăm hỏi, quan tâm chăm sóc vật chất và tinh thần không chỉ của ông bà, cha mẹ, gia đình riêng mà còn của cả dòng họ, láng giềng, làng xóm.
Khi đói đứa trẻ có thể đi bú nhờ ở những bà mẹ quanh xóm, khi rét có thể mặc chung áo với trẻ đồng trang lứa trong làng. Trong tuổi trưởng thành, mỗi bước phát triển của cá nhân đều có sự động viên theo dõi của cộng đồng, thành đạt thì khao vọng cả làng, đỗ đạt cao thì cả làng, cả tổng đón rước, vui mừng, tự hào. Khi về già thì không chỉ con cháu có nghĩa vụ chăm sóc mà còn được cả cộng đồng quan tâm, quà cáp cho người lớn tuổi, yến lão cho người thượng thọ, ma chay cho người quá cố.
Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới lại có được một mạng lưới tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau rộng rãi và bền chặt như dân tộc Việt Nam trước đây. Sự quan tâm đến nhau được quy định cụ thể trong hệ thống luật pháp của Nhà nước cũng như trong hương ước và lệ làng. Nó cũng được duy trì một cách tự giác ở chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, trong nội tại các gia đình, và rộng hơn nữa trong phạm vi cả một đất nước.
***
Xung quanh bộ "gen" cơ bản về giá trị Việt Nam, lấy tình thương yêu quê hương đất nước, cộng đồng và yêu thương con người làm trung tâm, trong xã hội truyền thống, dân tộc Việt Nam còn xây dưng và duy trì được một hệ thống các giá trị có liên quan đến những phẩm chất tốt đẹp của con người như tình yêu đối với lao động sáng tạo, tính kiên trì và nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sông, đấu tranh vì hạnh phúc, tính ham học hỏi, trọng tri thức và học vấn, sự tôn trọng các giá trị về gia đình cùng với tất cả các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, giao tiếp, tạo nên tính cách đặc biệt của xã hội và con người Việt Nam.
"Việc tôn trọng các giá trị cộng đồng phải chăng đã trở thành thứ tín ngưỡng, điều mà tất cả các loại kẻ thù từ bên ngoài đều buộc phải đối đầu trước hết trong những tham vọng khuất phục người Việt Nam?!" - GS Đặng Cảnh Khanh.