Tìm 'lối ra' cho nhà ở truyền thống tại vùng cao (kỳ 2 & hết): 'Hiện đại - bản địa' dạng kiến trúc đầy triển vọng
Mô-típ nhà ở truyền thống, đan xen vào đó là kiến trúc hiện đại, liệu có tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo của vùng miền, hay làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của chính địa phương đó?
Với mong muốn tạo sự cân bằng và hài hòa cho cả truyền thống lẫn hiện đại, tại phiên thứ hai của tọa đàm Văn hóa tộc người, từ góc nhìn về nhà ở, các chuyên gia cùng nhau đi tìm lời giải cho câu hỏi trên.
Hội tụ cả truyền thống lẫn hiện đại trong kiến trúc
Hiểu được tri thức dân gian trong "xây nhà, dựng cửa" của các tộc người như cách đón gió, ánh sáng tự nhiên vào không gian nhà, cách trang trí nhà ở, ta có thể ứng dụng trong kiến trúc hiện đại. GS-TS Doãn Minh Khôi, Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã nhấn mạnh đến dạng kiến trúc hiện đại-bản địa, xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây. Theo ông, hình thái kiến trúc này kết hợp giữa yếu tố bản địa truyền thống với hơi thở thời đại, phần nào giúp giải quyết bài toán vừa bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo cho đồng bào một không gian sinh hoạt tiện nghi.
PGS-TS Vương Xuân Tình cho rằng, biến đổi là xu thế tất yếu, không có bất kì nền văn hóa nào nằm ngoài xu thế ấy. Ngay cả nhà của người Việt mà ngày nay chúng ta quen gọi là nhà truyền thống cũng đãtrải qua rất nhiều lần "thay hình, đổi dạng", từ chòi, lều, sang nhà tranh vách đất, rồi sang nhà gạch mái ngói. Vì vậy, kiến trúc biến đổi từ nền tảng truyền thống như đề xuất của KTS Khôi trình bày sẽ không "đe dọa" đến tính đa dạng văn hóa và cốt lõi bản sắc của văn hóa tộc người, thậm chí còn khoác lên kiến trúc truyền thống một tấm áo mới.
Tuy đã xuất hiện trong những năm gần đây, song dạng kiến trúc này chưa thực sự phổ biến. Lí do là bởi tính khả thi không cao nếu áp dụng cho việc xây dựng nhà ở đại trà. Với nhà ở truyền thống, bà con có thể tự dựng nhà dựa vào những kiến thức cha ông truyền lại. Hay với nhà tầng, có thể dễ dàng học hỏi từ người Kinh chuyển cư lên vùng dân tộc thiểu số sinh sống. Hoặc nhiều người lên thành thị làm công nhân xây dựng, tự tích lũy kinh nghiệm, về để xây nhà cho đồng bào mình. Nhưng những ngôi nhà mang phong cách hiện đại -bản địa như ông Khôi đề cập, bà con cần phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho bản thiết kế, kèm theo đó, đòi hỏi người thợ xây phải có tay nghề cao.
Dạng thức kiến trúc này cho đến thời điểm hiện tại, nếu được ứng dụng trong xây dựng những không gian văn hóa công cộng sẽ phù hợp hơn là nhà ở dân dụng. Nổi bật giữa thôn Nậm Đăm (huyện Quản Bạ, Hà Giang) là công trình nhà sinh hoạt công cộng do KTS Nguyễn Duy Thanh, Hoàng Thúc Hào chủ trì thiết kế. Với lớp tường dày có công năng làm mát vào mùa Hè và giữ ấm vào mùa Đông, công trình này cũng được sử dụng làm homestay.
Sản phẩm du lịch độc đáo
Từ tiềm năng văn hóa bản địa đa dạng, cơ quan quản lí văn hóa ở các tỉnh thành nên có chính sách hỗ trợ xây dựng thành những khu du lịch, nghỉ dưỡng, hứa hẹn sẽ thu hút du khách thập phương. Bởi mô hình khu du lịch này đã thành công ở một số nước ngay trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia,…
Trở lại Việt Nam, ông Khôi nhận thấy, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, thay vì đưa dấu ấn bản sắc địa phương vào công trình kiến trúc, nhiều khu du lịch trên cả nước "a dua" theo các phong cách ngoại lai như Pháp, Italy, vùng Địa Trung Hải, Nhật Bản,… Từ góc độ một kiến trúc sư, theo ông, những mô hình kiến trúc như vậy cũng mang những nét đẹp riêng. Nhưng đây là nét đẹp ngoại lai, không thuộc về văn hóa Việt Nam.
Trong một khoảng thời gian nào đó, nó vẫn thu hút được một lượng khách du lịch nhất định bằng cách gây sự tò mò cho những người chưa có điều kiện tham quan các công trình kiến trúc ở nước ngoài. Nhưng khi quá quen với những công trình ngoại lai, họ sẽ dần cảm thấy nhàm chán, và muốn quay về với những giá trị truyền thống. Bởi vậy, để tạo sự hấp dẫn có tính bền vững, người thiết kế cần phải khai thác những vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Việt Nam, để đưa vào trong các thiết kế của mình.
Và hiện nay, nhiều địa phương ở nước ta đang hướng tới việc hiện đại hóa những bản sắc địa phương trong kiến trúc. Khu nghỉ dưỡng H'Mông Village ở huyện Quản Bạ, Hà Giang, với kiến trúc nhà lấy cảm hứng từ nhà trình tường hay quẩy tấu - một loại giỏ của người Mông, là một ví dụ tiêu biểu khi tạo được sức hút với du khách cả trong và ngoài nước. Hay làng văn hóa H'Mông Pả Vi tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang, với những ngôi nhà phảng phất bóng dáng nhà truyền thống của người Mông. Thêm vào đó, khi đến đây, du khách được tham quan và trải nghiệm các hoạt động như dệt thổ cẩm, đan quẩy tấu, chơi các trò chơi dân gian,…
Song, không thể vì thế mà ồ ạt xây dựng các khu du lịch theo dạng thức kiến trúc nêu trên, mà cần có kế hoạch cụ thể, phân ra khu nào nên giữlại nguyên vẹn kiến trúc truyền thống, cho mục đích bảo tồn, trưng bày như đã nói trước đó, khu nào có thể đưa phong cách hiện đại vào kiến trúc bản địa, cho mục đích vui chơi, nghỉ dưỡng, phục vụ từng đối tượng khách du lịch khác nhau.
Từ những ý kiến trên, ông Tình đưa ra nhận định, việc phát triển du lịch có tổ chức như vậy không làm mất đi bản sắc văn hóa, mà đây còn là yếu tố để giữ gìn và quảng bá văn hóa truyền thống tới đông đảo bạn bè gần xa.