Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà

Hà Nội có một địa danh nổi tiếng một thời, nhưng từ lúc xuất hiện rồi dần biến mất, cộng lại chỉ chừng nửa thế kỷ. Nó từng nổi tiếng như một vùng đất mới của Hà Nội, gắn với tên tuổi của những danh gia vọng tộc, mà cũng từng nổi danh vì có xóm cô đầu. Đó là Ấp Thái Hà.

1. Vùng đất này được nhiều người biết tới với dinh thự và sinh từ của một dòng họ có cha con nối nhau làm tổng đốc, cũng một thời là xóm ả đào và cô đầu khét tiếng chốn cố đô thời cận đại.

Ấp Thái Hà, tên được ghép bởi hai chữ của 2 địa danh: Đông Thái (Hà Tĩnh) là quê hương và Hà Đông (sau là Hà Nội) là nơi trị nhậm của hai đời cha con tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 - 1933) và Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946).

Người cha là một tên tuổi quyền lực trong quan trường triều Nguyễn thời nước đã mất. Tổng đốc là chức quan cuối cùng, được phong khi đã về hưu, một đặc ân được Pháp trao cho đứng đầu một tỉnh mới lập là Hà Đông (1904). Còn chức quan cao nhất từng làm là Khâm sai Kinh lược sứ Bắc kỳ (1890 - 1897), sau đó về kinh làm Thượng thư Bộ Binh, được đặc ân phong tước Quận công ngay lúc còn sống.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 1.

Hoàng Cao Khải (ngồi) và vợ chồng Hoàng Trọng Phu trong Ấp Thái Hà

Nhiều người tưởng rằng Ấp Thái Hà là đất triều đình phong cấp cho người có công khi hưu trí, nhưng đến cuối thế kỷ XIX, quyền lực của triều đình chẳng còn là bao, kể từ lúc vua Đồng Khánh trao Hà Nội làm đất "nhượng địa" để Pháp xây thành phố (1888).

Khi đương chức, Hoàng Cao Khải xây đình chùa ở quê hương Đông Thái. Nhưng đến lúc hưu trí, có lẽ kinh nghiệm những năm làm kinh lược sát với chính quyền thuộc địa, ông có được tầm nhìn và biết cách vận dụng chính sách để xin được cấp đất.

Sử gia người Pháp là Philippe Papin, tác giả sách Lịch sử Hà Nội, đã đánh giá Hoàng Cao Khải là người có "cao kiến, biết nhìn xa trông rộng" trong việc chuẩn bị cho cuộc sống khi hưu quan, để trở thành là một chủ đất quyền lực ngay trên mảnh đất sau đó trở thành thủ phủ của toàn cõi Đông Dương.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 2.

Cổng vào khu dinh thự và sinh từ Hoàng Cao Khải. Bưu ảnh

2. Khi hưu quan, Hoàng Cao Khải không về kinh, cũng chẳng về quê, ông ra Hà Nội tìm ra một mảnh đất "đầy tiềm năng" và vận dụng cực khôn khéo chính sách đất đai của chính  quyền thuộc địa.

Trên mảnh đất chừng 150ha của các làng Nam Đồng, Thịnh Hào, Yên Lãng, Thịnh Quang và Khương Thượng (lúc đó còn nằm ngoài Hà Nội, sau này mới thuộc Hà Đông) là vùng đất trũng, không canh tác được, do con ngòi tưới tiêu bị bồi cạn, khiến nhiều cánh đồng đã bỏ hoang từ trên 20 năm, thuộc đối tượng nhà nước khuyến khích người đầu tư khôi phục.

Hơn thế, vị cựu kinh lược còn thuộc phép quản lý của người Pháp, nên cho người đo vẽ bản đồ và lập cái mà ngày nay ta gọi là "luận chứng kinh tế", để đưa ra phương án sẽ khơi lại con ngòi này, tính toán lợi tức các loại ruộng nếu được phục hồi sản xuất…  Điều đó không những được chính quyền cấp phép, mà còn được hỗ trợ 2.000 đồng Đông Dương để thực hiện…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 3.

Quang cảnh khi đang xây dựng

Sau khi phục hóa được mảnh đất này, như một nhà kinh doanh bất động sản, Hoàng Cao Khải giữ một góc (1/4 khu đất) đẹp nhất, còn lại ông cũng dựa vào các đường kênh, hào dẫn nước để chia lô hình chữ nhật và kêu gọi các nhân vật danh giá nhiều quyền và tiền về xây phủ trại. Ông khôi phục lại chùa cổ, thu hút dân chúng tới sinh sống, sửa sang ngôi miếu "Trung Liệt" của vị tổng đốc tiền nhiệm Nguyễn Hữu Độ, thờ những danh thần, trong đó có cả hai vị tổng đốc Hà Nội đã tử tiết khi giữ thành…

Nhờ thế vùng đất trở nên trù mật và sớm được chính quyền hợp thức hoá cái tên "Ấp Thái Hà" bằng nghị định ngày 27/11/1893. Khu ấp này càng trở nên hấp dẫn hơn vì sự có mặt của các ca nương hát ả đào biến tướng dần thành nơi ăn chơi của dân thành thị. Dù thành phần dân nghèo đến kiếm chỗ nương thân ngày càng đông nhưng cấu trúc của khu ấp này giống như phố phường hơn là nông thôn cổ điển. Năm 1926, đường tàu điện đặt bến đỗ ở Ấp Thái Hà…

Nhưng cũng cần nói rằng Ấp Thái Hà còn nổi tiếng hơn vì Hoàng Cao Khải còn dành một phần trong khu đất của mình để làm "sinh từ" (phần mộ cho chính mình và sau này cho cả người con kế vị khi còn đang sống… Bố mất năm 1933 và con mất năm 1946, nhưng sinh phần của cả hai được đầu tư xây dựng rất công phu, đến mức sau này (năm 1962) đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích, xét ở nghệ thuật kiến trúc đá.

Thế nhưng, một phần vì việc quản lý đô thị và di tích quá lỏng lẻo, cộng với nhu cầu tự phát xây nhà ở của dân, cũng như vin vào việc cả hai đều là "quan lại theo Tây", mà cả khu Ấp Thái Hà này đã bị "xoá sổ" một cách rất lặng lẽ, chỉ có ồn ào đôi chút trong dư luận về sự xúc phạm di tích và mồ mả của người quá cố.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 5.

Cột vinh quang là kiến trúc biểu trưng

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 6.

Ngôi đền trên gò cao

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 7.

Cổng vào khu sinh từ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 8.

Toàn cảnh nhìn từ trên cao

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 9.

Lăng mộ Hoàng Cao Khải bên hồ nước

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 10.

Nhà bia

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 11.

Mộ của những người trong gia đình

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 12.

Tượng hình nhân và linh vật

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 13.

Gian thờ Hoàng Cao Khải đã lập khi chủ nhân còn sống. Ảnh màu do Leon Busy chụp năm 1916

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 14.

Gian thờ Hoàng Cao Khải

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 15.

Đường xe điện từ trung tâm thành phố đến Ấp Thái Hà, năm 1926

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 16.

Đền Trung Liệt lúc đang xây

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 17.

Đền Trung Liệt sôi động tổ chức kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa trong Xuân Độc lập năm 1946

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 18.

Ấp Thái Hà trở thành nơi tổ chức lễ hội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 19.

Những năm 1950, chiến tranh khiến Ấp Thái Hà trở nên hoang tàn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 91): Nửa thế kỷ Ấp Thái Hà - Ảnh 20.

Hiện trạng khu lăng mộ Hoàng Cao Khải nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, năm 2022. Ảnh: Kinh tế đô thị

QXN

Link gốc: TTVH