Cuộc gặp gỡ giữa ả đào, đàn bầu và nhạc điện tử

Cuối tuần qua, dự án giới thiệu những sáng tác mới cho nhạc cụ truyền thống châu Á và nhạc điện tử mang tên TRAIECT IV VIETNAM đã diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội, trong sự đón nhận đặc biệt của khán giả.

Điều thú vị trong dự án này nằm ở 7 tác phẩm mới, được các nghệ sĩ Ngô Trà My, Lương Huệ Trinh, Hà Thúy Hằng, Vũ Thùy Linh biểu diễn. 7 tác phẩm này được các nhà soạn nhạc đến từ Colombia, Anh quốc, Italy, Đức, Iran và Việt Nam sáng tác riêng dựa trên nền kết hợp giữa nhạc điện tử, đàn bầu và hát ả đào.

Khán giả ở lại đến phút cuối

Trước đó, khi diễn ra lần đầu vào tháng 4/2023 tại Hannover (Đức), chương trình đã chinh phục không chỉ những khán giả quốc tế mà ngay cả những khán giả Việt Nam tại đây, đặc biệt là các khán giả trẻ.

Cuộc gặp gỡ giữa ả đào, đàn bầu và nhạc điện tử - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ trình diễn dự án TRAIECT tại 22 Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh: Lương Hữu Hải

"Tôi đến với chương trình vì sự tò mò và hiếu kỳ. Để rồi, sau khi được nghe trực tiếp, tôi rất ấn tượng với trải nghiệm đáng nhớ này. Tôi thấy ở đó sự kết nối đặc biệt giữa các nghệ sĩ và tạo ra sự đồng cảm lớn với người xem" - khán giả Tống Khánh Hà tại Đức chia sẻ sau khi xem chương trình tại Đức - "Và cũng nhờ dự án, tôi mới được tiếp xúc gần hơn với hát ả đào và đàn bầu".

Tại Việt Nam, đêm diễn tại TP.HCM cũng như Hà Nội (vào các ngày 18 và 20/1) cũng đón nhận hàng trăm khán giả đến với chương trình. Tại TP.HCM, khán giả đông tới mức phải ngồi bệt xuống lối đi giữa các hàng ghế - trong khi tại Hà Nội, rất nhiều người cũng hứng thú đứng nghe suốt đêm diễn.

Cuộc gặp gỡ giữa ả đào, đàn bầu và nhạc điện tử - Ảnh 2.

Ảnh: Lương Hữu Hải

Theo góc nhìncủa nghệ sĩ Lương Huệ Trinh - nghệ sĩ vừa tham gia sáng tác, vừa biểu diễn và tổ chức chương trình -sự quan tâm của khán giả dành cho nhạc điện tử ở Việt Nam đã và đang tăng lên đáng kể.

"Khi nghe âm nhạc điện tử được kết hợp với âm nhạc truyền thống, dường như độ tuổi của khán giả cũng tỏa rộng hơn trước. Trong 2 buổi hòa nhạc lần này, tôi đã nhìn thấy nhiều khán giả ở tuổi thiếu nhi ngồi cạnh những khán giả 60 - 70 tuổi. Điều quan trọng nhất, họ nghe rất chăm chú và ở lại tới phút cuối" - nữ nghệ sĩ cho hay - "Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi thực tế khán giả ở 2 độ tuổi này không dễ bị thuyết phục. Và việc được "níu chân" ở lại hết chương trình nghĩa là họ bắt đầu cảm được điều gì đó trong âm nhạc đương đại thể nghiệm".

Cuộc gặp gỡ giữa ả đào, đàn bầu và nhạc điện tử - Ảnh 3.

Ảnh: Lương Hữu Hải

Cảm hứng từ âm nhạc truyền thống

Tham gia chương trình, nhà soạn nhạc người Anh James Anderson cho rằng, âm nhạc truyền thống của mỗi đất nước có những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều gợi mở cảm hứng cho những nhà soạn nhạc đương đại như anh. Và điều James Anderson thấy thú vị nhất ở âm nhạc truyền thống Việt Nam chính là lối truyền khẩu của các bậc thầy từ xa xưa, cũng như sự đa dạng trong phong cách âm nhạc dân gian của các dân tộc.

Vì thế, khi viết nhạc cho một nhạc cụ châu Á, đặc biệt là trong dự án này, James Anderson đã kết nối rất chặt chẽ với nghệ sĩ trình diễn cũng như chọn ra một góc nhìn khác.

Cuộc gặp gỡ giữa ả đào, đàn bầu và nhạc điện tử - Ảnh 4.

Không gian biểu diễn tại 22 Hàng Buồm. Ảnh: Lương Hữu Hải

"Tôi khai thác sự tự do về thời gian và những đoạn ngẫu hứng xoay quanh một bộ quy tắc được định sẵn. Điều này nhằm tôn vinh truyền thống âm nhạc Việt Nam" - anh chia sẻ - "Khi viết tác phẩm Begegnung/Encounter cho đàn bầu và nhạc điện tử trực tiếp, tôi ấn tượng với khả năng tạo ra những âm thanh rất độc đáo, biểu cảm và thú vị bằng cách kết hợp giữa kỹ thuật chơi và thao tác tín hiệu ở 2 loại nhạc này".

Trong khi đó, Emanuele Grossi (người Italy) đã dành nguyên 1 tháng ở Việt Nam để "đắm đuối" với hát ca trù (ả đào) và cho ra đời bản Tà thanh thiên. Anh đã viết tác phẩm từ ý tưởng cách điệu giọng nói của nghệ sĩ trình diễn khi kết hợp với âm nhạc điện tử. Từ đó, tác phẩmthể hiện cuộc đối thoại giữa một thể loại âm nhạc truyền thống "vượt thời gian" với ngôn ngữ của những con người thời đại.

Sự say mê của Emanuele Grossi với các nhạc cụ truyền thống Việt Nam dành cho đàn đáy, đàn bầu nhiều tới mức anh khẳng định: "Nếu được hỏi muốn viết gì ngay bây giờ, tôi sẽ chọn viết cho đàn đáy hay các loại nhạc cụ dây truyền thống của Việt Nam".

Còn với một nghệ sĩ Việt Nam như Lương Huệ Trinh, quá trình làm việc với sự kết nối giữa truyền thống và đương đại này mang nhiều thách thức nhưng cũng  đầy háo hức. "Thật sự không dễ để tạo ra một sự giao thoa uyển chuyển giữa truyền thống và đương đại. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi thật sự rất hứng thú với công việc của mình lần này" - Trinh nhận định.

Trong chương trình, tác phẩm Đốm của Trinh được viết cho đàn bầu, hát ả đào, nhạc điện tử và video. Cô xây dựng một không gian mang tính tâm linh kết hợp cùng các yếu tố trình diễn với 2 nghệ sĩ hỗ trợ chơi nhạc đứng ở 2 bên sân khấu trong tư thế của những người hầu trong tín ngưỡng dân gian. Trên nền này, âm nhạc truyền thống - cụ thể là hát ả đào, phách và đàn bầu - không chỉ được diễn tấu theo cách thông thường mà còn kết hợp với một số vật dụng để tạo ra âm thanh mới. Trinh cũng đồng thời kết hợp giọng của 2 nghệ sĩ hát nhạc truyền thống và nhạc thể nghiệm, đồng thời sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt theo cách lược bỏ một phần âm tiết, làm mờ ngữ nghĩa để tập trung mạnh vào phần thể hiện cảm xúc.

Vài nét về TRAIECT IV VIETNAM

Dự án TRAIECT IV VIETNAM được thực hiện dựa trên các tác phẩm mới, viết cho đàn bầu, hát ả đào và điện tử, được đặt hàng từ các nhạc sĩ Anh, Đức, Italy, Iran, Colombia và Việt Nam. Sự khác biệt trong cách "đặt hàng" này chính là việc các tác phẩm ra đời dựa trên mối tương quan chặt chẽ giữa nhà soạn nhạc và người biểu diễn.

Cụ thể, sau cuộc hội thảo 3 ngày với các nghệ sĩ biểu diễn để được giới thiệu về lịch sử cũng như phương thức biểu diễn của đàn bầu và ả đào, các nhà soạn nhạc có 8 tháng tiếp theo để tự nghiên cứu, thử nghiệm, đồng thời làm việc online với các nghệ sĩ để triển khai đề tài.

Đây là dự án thuộc chuỗi sự kiện quốc tế mang tên "TRAIECT", do một số tổ chức âm nhạc và văn hóa tại Đức triển khai. Tại Việt Nam, dự án được thực hiện dưới sự tài trợ của Viện Goethe Hà Nội.

Lam Anh

Link gốc: TTVH