Cuộc sống sau ống kính: 6 tuần sống với chim cú muỗi giữa thiên nhiên
Đây là hình ảnh của loài chim Cú muỗi Á châu có tên tiếng Anh là: Indian Nightjar trong thời kỳ sinh sản và nuôi con được chụp tại Đà Nẵng. Chúng là một trong những loài chim lười làm tổ nhất thế giới vì chỉ đẻ trứng trên mặt đất và không hề có che chắn gì. Vậy chúng đã làm gì để bảo vệ con non trước kẻ thù? Sau đây tôi sẽ kể cho các bạn nghe về quá trình loài chim này sinh sản và nuôi con.
1. Cú muỗi Á châu là loài thuộc họ cú muỗi, chúng thường sống ở những nơi bằng phẳng, trống trải và khô hạn. Có cây bụi, nơi canh tác gần con người. Chúng sống riêng lẻ và kiếm ăn vào ban đêm, vào tháng 3 chúng bắt đầu mùa sinh sản.
Tại Đà Nẵng tháng 3 là đầu mùa khô, những nơi có sinh cảnh của chúng thường khô ráo và không bị ngập nước. Chúng chọn những vị trí đất trống, gần cây bụi và có sỏi trên mặt đất để đẻ trứng.
Vì vị trí tổ ở nơi không có cây bụi che chắn nên màu trứng của chúng sẽ trùng với màu của sinh cảnh tại nơi đó - đó là cách chúng nguỵ trang cho tổ của mình trước kẻ thù.
Khi chúng ấp trứng thì luôn luôn để lộ khoảng 30% bề mặt trứng ra ngoài. Khi trời nắng, nhiệt độ cao chúng sẽ đẩy luôn trứng ra ngoài cơ thể để cân bằng nhiệt độ.
Chúng nằm im bất động cả ngày để ấp trứng và không đi kiếm ăn, chỉ khi có sự bất thường như có xuất hiện của con người hoặc các loài vật to lớn chúng mới bay đi. Chúng thường bay lên rồi hạ xuống bụi cây gần đấy, rồi lại tiếp tục bay lên rồi hạ xuống để đánh lạc hướng kẻ thù.
2. Tôi đã phải bò qua những bụi cỏ cao gần đó để chọn một vị trí thích hợp nhất và quan sát chúng. Thế nhưng chính vì chúng làm tổ ngay trên mặt đất nên chúng rất nhạy cảm với những chuyển động nơi gần tổ. Tôi ngồi im lặng và không di chuyển cũng như nguỵ trang cẩn thận tới mức, có 1 số người đi ngang qua nhưng không nhận ra sự có mặt của tôi.
Khi về tổ, chúng sẽ không bao giờ về ngay, mà sẽ về cách tổ khoảng 2 mét để quan sát và theo dõi xem có sự nguy hiểm nào không, khi thấy an toàn chúng sẽ đi bộ về tổ và tiếp tục ấp trứng.
Tôi ngồi quan sát chúng cả ngày và không di chuyển, và cứ như thế, tôi đã dành thời gian suốt 6 tuần để theo sát cả quá trình chúng chăm sóc tổ và nuôi con. Khi con non nở, chúng sẽ di chuyển con non liên tục, vì màu sắc và trạng thái của con non gần như thay đổi từng ngày nên chúng cần đưa con non đến những chỗ có màu sắc trùng màu lông của con non.
Và đó cũng chính là khó khăn của tôi. Mỗi lần tôi trở lại, tôi phải mất cả tiếng để tìm xem chúng ở đâu. Tôi cẩn thận đi vào khu chúng làm tổ, đi một bước lại dừng lại quan sát xem những chú chim non có ở… dưới chân mình hay không?!
Càng về sau thì tôi tìm thấy chúng nhanh hơn vì gần như hiểu được khoảng cách chúng thường di chuyển.
3. Khi chăm sóc con non, chim bố mẹ chỉ kiếm ăn vào ban đêm, nên gần như không di chuyển suốt thời gian ban ngày. Mỗi lần nhận thấy sự nguy hiểm, chúng sẽ bay cách con non 2 - 3 mét, kêu con non đi ra chỗ mà chúng muốn con của mình đến. Có lần tôi thấy chúng ở trong bụi cây để gọi con non, nhưng chỗ mà con non đến lại là một chỗ khác. Như có một sự "ước định" nào đó. Đó là cách chúng giao tiếp với nhau theo đúng bản chất của tự nhiên. Và dĩ nhiên tiếng kêu khi đó cũng khác với tiếng kêu bình thường của chúng.
Khi những chú chim non được khoảng 10 ngày tuổi, chúng sẽ bắt đầu di chuyển theo tín hiệu của chim bố mẹ. Dù đi còn chưa vững, nhưng bằng bản năng sinh tồn, chim non vẫn cùng bố mẹ mình đấu tranh với cả thế giới này một cách đầy khôn ngoan và đầy bản lĩnh.
Đó thực sự là những chiến binh trong thiên nhiên hoang dã. Cú muỗi Á châu gần như giữ được vẻ đẹp và sự ma mị của mình trong suốt thời kỳ sinh sản. Tôi như đắm mình vào vẻ đẹp và sức mạnh của chúng đến quên thời gian và nỗi đau đớn của ngón tay cái mới bị thương do chiếc ca nô làm dập. Có lẽ khoảng thời gian 6 tuần ấy sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi.