Chữ và nghĩa: Cơm vàng hạt lép

"Cơm vàng hạt lép", tổ hợp có cấu trúc nghe "hơi lạ tai" này lại rất quen thuộc với các bà nội trợ khi vào chợ mua hoa quả hiện nay. 

Theo TS Hà Thùy Dương (trong cuốn Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt và cách giải thích trong Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 2023) thì cách gọi này được xếp vào "mô hình 9" và dẫn ra các ví dụ: Cam vỏ đỏ ruột vàng, chuối vỏ đỏ ruột vàng, mít vỏ xanh múi đỏ, sầu riêng cơm vàng hạt lép (tr. 106 - 107).

Cũng theo Hà Thùy Dương, chúng có dạng là một ngữ định danh, thường gồm 5 yếu tố. Yếu tố 1 là "tên gọi cây", yếu tố 2 là "vỏ quả", yếu tố 3 là "màu sắc của vỏ quả", yếu tố 4 là "ruột quả", yếu tố 5 là "màu sắc, tính chất của ruột quả" (tr. 106).

Trong danh ngữ "sầu riêng cơm vàng hạt lép" thì tổ hợp "cơm vàng hạt lép" có 4 âm tiết, chia thành 2 vế, nhưng không hẳn là đối nhau hoàn toàn. Cơm đối với hạt (cơm >< hạt) thì còn có thể , chứ "vàng" đối với "lép" không chuẩn (vì không làm nên cặp trái nghĩa; "vàng" chỉ màu, "lép" chỉ trạng thái, kích thước). "(Hạt) lép" thường đối với "(hạt) mẩy", hoặc "(hạt) dày", "(hạt) to"...

Chữ và nghĩa: Cơm vàng hạt lép - Ảnh 1.

"Cơm vàng hạt lép" có chức năng làm định ngữ cho "sầu riêng". Ảnh: Internet

"Cơm vàng hạt lép" có chức năng làm định ngữ cho "sầu riêng", với ngữ nghĩa: "Với đặc điểm riêng, đây là loại quả sầu riêng có chất lượng, đang được thị trường ưa chuộng, được giá".

Quan sát kỹ tổ hợp này, ta thấy thành tố "cơm" là từ đáng lưu ý.

"Cơm" có nghĩa gốc, nghĩa cơ bản là "gạo đã nấu chín, ráo nước, dùng làm món chính trong bữa ăn hằng ngày" (cơm gạo mùa, cơm nguội, cơm dẻo canh ngọt…). Nhưng ở một số địa phương, "cơm" còn dùng để chỉ "cùi của một số quả cây", chẳng hạn như "cơm dừa" (cùi quả dừa: "Cơm dừa trắng và ngon/ Xa ba năm vẫn nhớ" - Nguyễn Xuân Sanh), nhãn dày cơm (nhãn dày cùi)... "Cơm", "cùi" (một số loại quả) nhiều khi cũng gần nghĩa với "thịt (quả)", phần chính bên trong lớp vỏ của quả hoặc của thân cây; ví dụ: Loại xoài này quả có thịt thơm và ngọt; Vàng tâm là loại gỗ có thịt vàng, thớ mịn; Gọt bí sao đừng sâu vào thịt quá…

Sầu riêng (cây ăn quả cùng họ với cây gạo, quả gai to, vị ngọt, có mùi thơm khác lạ, rất đặc biệt) được trồng nhiều ở khu vực phía Nam nước ta (nhất là ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, Đắk Lắk…) và một số nước Đông Nam Á.

"Sầu riêng cơm vàng hạt lép", còn gọi là sầu riêng Ri-6, có người cho rằng có nguồn gốc Thái Lan. Loại sầu riêng này cho quả có hạt lép (hạt nhỏ, mỏng, không căng đầy, do phát triển không đầy đủ, hoặc do lai tạo có chọn lọc). Hạt lép dĩ nhiên sẽ cho cùi (cơm) dày và nếu quả sầu riêng đó cơm có màu vàng tươi (chứ không trắng nhạt) thì sẽ thơm và ngọt hơn các loại sầu riêng khác. Cấu trúc này được dùng như một thành ngữ. Nó kết hợp với danh từ "sầu riêng" trở thành một đơn vị định danh mới.

Cuốn sách của tác giả Hà Thùy Dương (vừa dẫn ở trên) đã khảo sát 2.609 tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt (chỉ tên các loại lúa thôi đã có tới hàng trăm). "Sầu riêng cơm vàng hạt lép" chỉ là một tên cây được bà thống kê, miêu tả và mô hình hóa. Cũng không có gì đặc biệt với tên gọi này.

Đáng lưu ý nhất là từ "cơm" đã chuyển di thành một nghĩa mới, chẳng liên quan gì tới món cơm mà chúng ta vẫn đang ăn hằng ngày.

"Cơm" này của quả sầu riêng

Ăn nhiều vẫn phải ăn thêm cơm nhà

PGS-TS Phạm Văn Tình

Link gốc: TTVH