Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (kỳ 2 & hết): Rồng với vai trò chỉ dẫn

Trong những chia sẻ trước của PGS-TS Trần Trọng Dương, rồng hiện lên với những đặc điểm của loài cá sấu, như một biểu tượng liên văn hóa Việt - Mường. Ở phần tiếp theo, PGS Dương tiếp tục gợi mở thêm những ý nghĩa tốt đẹp về hình tượng rồng với chức năng chỉ dẫn.Theo đó, khi thì rồng dẫn mưa về làm mùa màng tốt tươi, khi thì rồng đưa con người ta đến bến bờ của sự an yên.

Ra Tết, thời điểm khởi đầu một năm mới là lúc nhiều làng xã tổ chức lễ hội. Trong những lễ hội như vậy, bà con thường gửi gắm mong ước của mình về một năm mới phong đăng bách cốc, mùa màng bội thu.

Từ nghi lễ cầu mưa, cầu mùa

Vốn là một quốc gia có truyền thống trồng lúa nước lâu đời, nên nước cũng đóng vai trò rất quan trọng trong thực hành các nghi lễ của Việt Nam. Vì vậy, trong văn hóa của chúng ta, hình tượng rồng phun nước (long phún thủy) xuất hiện rất phổ biến, khác vớicon rồng phun lửa trong văn hóa phương Tây. Rồng phun nước thường đi liền với các yếu tố tự nhiên (như mây), có khả năng tạo ra sấm, chớp, mưa, góp phần giúp cho mùa màng tươi tốt. Hình tượng này đã đi vào mô-típ trang trí trong các đình, chùa.

Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (kỳ 2 & hết): Rồng với vai trò chỉ dẫn - Ảnh 1.

Hình tượng long phún thủy trên kiệu bát cống tại đình Phú Gia (quận Tây Hồ, Hà Nội).Ảnh PHÚC NAM

Chính từ đó, rồng cũng gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa, cầu mùa. Vào thời Lý, Trần và Lê sơ, trong nghi lễ thờ cúng Tứ pháp, các vị hoàng đế thường tổ chức nghi thức rước 4 pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (lần lượt đại diện cho các yếu tố mây, mưa, sấm, chớp) về Thăng Long. Nghi thức này đã trở thành truyền thống từ nhiều đời nay, với mong cầu rồng dẫn đường cho mưa thuận gió hòa về với thôn làng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, xưa kia, mỗi khi có những đợt có hạn hán lớn, triều đình đều thực hiện rước Tứ pháp từ vùng Dâu - Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), đi qua các làng dọc bờ sông Hồng về đến tận chùa Báo Thiên để làm lễ đảo vũ (cầu mưa). Nghi lễ này vốn xuất phát từ dân gian, nhưng sau được triều đình đưa vào điển lễ của hoàng gia. Đây được xem là biểu hiện cho sự giao thoa giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian.

Kết hợp với những văn bản Hán Nôm về lễ cúng Long thần - Tứ pháp, và những khảo tả dân tộc học của GS Nguyễn Văn Huyên, ta thấy nghi lễ này có sự kết hợp giữa văn hóa Tứ pháp với tín ngưỡng thờ rồng mưa. Tại đó, Tứ pháp là 4 vị thần bản địa được kết hợp với biểu tượng rồng (rồng mây- rồng mưa- rồng sấm- rồng chớp). Rồng và Tứ pháp được rước qua các làng, trừ diệt hạn hán và lũ lụt làm mất mùa.

Và rước rồng, múa rồng

Từ nghi thức rước rồng trong nghi lễ, một hình thức văn hóa khác được "phái sinh", đó là múa rồng.

Không chỉ trong nghi lễ cầu mưa, trong các lễ hội mùa Xuân khác ở nhiều nơi cũng có sự xuất hiện của điệu múa rồng. Chẳng hạn, tại làng Lệ Mật (quận Long Biên, Hà Nội), làng Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và nhiều làng khác ở ven đô Hà Nội, trong lễ rước nước đều lồng ghép nghi thức rước rồng. Đoàn rước xuất phát từ đình làng, ra sông múc nước về thờ cúng.

Trong chuyến rước này, hình tượng rồng xuất hiện như dẫn đường cho đoàn rước tìm đến nơi có nguồn nước thiêng, rồi bảo vệ cho đoàn rước đem nước trở về đình thuận lợi, suôn sẻ.

Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (kỳ 2 & hết): Rồng với vai trò chỉ dẫn - Ảnh 2.

Hình tượng mả táng hàm rồng trong điêu khắc đình Chu Quyến (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh tư liệu

Không chỉ riêng Việt Nam, điệu múa rồng xuất hiện ở nhiều nền văn hóa của các quốc gia Đông Á khác. Trước tiên, cần nhận định rõ, điệu múa này có xuất phát điểm từ nghi lễ cầu mùa của các cộng đồng cư dân khác nhau. Nhưng khi tách ra khỏi phạm vi nghi lễ, nó lại mang ý nghĩa riêng, tùy theo quan niệm của từng cộng đồng. Nếu như rước rồng thuộc phạm vi nghi lễ, thì múa rồng thuộc phạm vi của văn hóa dân tộc, cụ thể là của những thương nhân.

Cộng đồng thương nhân là những người đi giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa khắp nơi, chủ yếu ngày xưa di chuyển trên thuyền bằng đường sông, đường biển. Do tính chất công việc phải di chuyển thường xuyên, việc rồng đi theo những thương nhân này đã mang tính chất bảo hộ cho những chuyến hải hành, thủy hành. Vì thế,thờ rồng, rước rồng, múa rồng trở thành một nét văn hóa của những người buôn bán. Rồng trở thành một vị phúc thần, có chức năng canh giữ của cải, và ban phát tài lộc.

Bên cạnh rồng với nước, mô-típ rồng trên những điêu khắc đình làng còn phong phú hơn bởi hình tượng long vân khánh hội (có thể hiểu là rồng gặp mây). Hình tượng này phản ánh tư tưởng của Nho giáo khi rồng quấn quít bên mây, mang ngụ ý chỉ những kẻ sĩ gặp được đấng minh quân, thánh chúa. Rồng đã dẫn lối cho vua sáng và tôi hiền gặp được nhau. Từ đó, rồng với mây trở thành biểu tượng hòa quyện về mặt chính trị, thể hiện thời đại thái hòa, vua biết trọng người hiền, kẻ sĩ hăng hái phục vụ đất nước.

Đến rồng ở cả 4 cõi giới

Trong văn hóa Việt Nam, rồng còn có khả năng đi lại và sinh sống ở cả 4 cõi giới: Thiên đình, địa phủ, thủy cung và âm ti. Như, rồng ở dưới âm ti để trừng phạt linh hồn những kẻ độc ác sau khi chết. Khi sống dưới nước, rồng được hình tượng hóa thành Long Vương, bảo hộ cho những người đi lại trên miền nước. Chính vì có khả năng đi được trên biển nên rồng được khắc họa trên những chiếc thuyền, từ của đế vương cho đến ngoài dân gian, trong các chuyến đi biển và trong những cuộc đua thuyền. Điều này thể hiện ước vọng được bảo hộ trên những chặng đường thủy.

Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng (kỳ 2 & hết): Rồng với vai trò chỉ dẫn - Ảnh 3.

Hình tượng tiên cưỡi rồng trong điêu khắc đình Giẽ Hạ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh tư liệu

Văn hóa Phật giáo còn lưu truyền tích truyện sau khi bị chinh phục, rồng trở thành Hộ pháp đi theo Đức Phật, cũng như câu chuyện rồng được thuần hóa trở thành thú cưỡi của Quan Âm Nam Hải khi đi trên biển. Chính vì gắn bó với đạo Phật như vậy, nên trên thuyền Bát Nhã chở linh hồn người quá cố trong Phật giáo luôn có khi khắc tạc hình đầu rồng. Rồng trên thuyền Bát Nhã mang ý nghĩa đưa những linh hồn đến cõi Niết Bàn, bến bờ của sự giác ngộ.

Rồng còn có năng lực dẫn lối, chỉ đường cho con người ta tìm được huyệt đất để an táng ông bà, cha mẹ. Điển hình, hình tượng mả táng hàm rồng là một nét văn hóa trong Đạo giáo có liên quan tới phong thủy. Ta có thể bắt gặp hình tượng này trên điêu khắc đình làng. Văn hóa cổ truyền xưa rất chú trọng đến vấn đề mai táng cho người quá cố. Bởi vậy, người xưa có câu "Thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần". Cuộc sống sau khi sang thế giới bên kia mới là cuộc sống vĩnh hằng, và có ảnh hưởng tới con cháu sống ở thế giới thực. Chính vì thế, con cháu người đã khuất rất chú trọng tới việc tìm nơi đất tốt để chôn cất người quá cố. Huyệt tốt ấy được dân gian xưa gọi bằng các cách khác nhau, nhưng nổi bật trong đó thường gắn với biểu tượng rồng, hay gọi là "long mạch".

"Trên thực tế, các thương nhân xưa cũng thường thuê các đoàn múa rồng về biểu diễn, với mong muốn rồng sẽ giúp mình giữ của, phù hộ độ trì cho công việc làm ăn phát đạt".

Phúc Nam

Link gốc: TTVH