V-League 2023 và 'kỷ lục hiếm' của CLB TP.HCM

Hai trận đấu liên tiếp, trước và sau đợt nghỉ phục vụ SEA Games, CLB TP.HCM nhận 2 trận thua cùng tỷ số 3-5, tạo ra một kỷ lục hiếm gặp ở V-League. Những thất bại này không chỉ khiến đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành rơi xuống cuối bảng xếp hạng mà còn cho thấy đội bóng này "không còn gì để mất".

Chỉ trong 2 trận, CLB TP.HCM thua 10 bàn và cũng ghi được 6 bàn, trong khi 6 trận đấu trước đó họ chỉ ghi được 4 bàn và thủng lưới 11 lần. Chính vì vậy, cách chơi của TP.HCM trong 2 trận gần nhất có sự thay đổi lớn về cách tiếp cận trận đấu. Nó có thể là một sự mạo hiểm về mặt chiến thuật của HLV, nhưng cũng có thể đó là một thái độ mang tính "định hướng" của họ.

Sở dĩ nói thế là vì HLV Vũ Tiến Thành không phải là mẫu HLV của bóng đá tấn công. Năm 2020, khi ông đưa Sài Gòn FC về hạng 3 V-League, đó cũng là mùa giải mà ông thành công nhất trên nghiệp cầm sa bàn chỉ đạo trận đấu. Tuy nhiên năm đó, Sài Gòn FC là một đội bóng chơi phòng ngự - phản công, lì lợm và gai góc. Những trận đấu cuối mùa trước cũng như đầu mùa này của CLB TP.HCM do ông Vũ Tiến Thành huấn luyện cũng dựa trên nền tảng chiến thuật đó. Hơn nữa, vốn dĩ con người của  đội cũng chỉ có thể chơi được như vậy.

Nhưng cách mà họ chơi bóng trong 2 trận gần nhất hoàn toàn khác biệt. Cởi mở, đôi công kể cả trước những Thanh Hóa, CAHN vốn có thực lực. Điều đó gây phấn khích cho người xem nhưng là một sự liều lĩnh có thể khiến TP.HCM phải trả giá đắt. Thực tế thì trận thắng duy nhất của TP.HCM cũng chỉ diễn ra trước Bình Dương, một đối thủ cũng đang lâm vào tình cảnh nguy ngập như họ. Là một người giỏi chuyên môn, ông Vũ Tiến Thành không thể không biết đội của ông không thể đủ lực để tấn công bất kỳ đội nào, vậy tại sao ông vẫn làm?

Cùng một hoàn cảnh, đến nay Bình Dương đã thay HLV đến lần thứ 3 trong khi TP.HCM thua 6 trận nhưng ông Vũ Tiến Thành vẫn …chẳng sao cả. Nếu nói đây là "hiện tượng" của V-League chắc cũng chẳng quá lời bởi giải đấu này vốn là "lò xay" các nhà cầm quân. Thông thường cứ thua chừng 4-5 trận liên tiếp là kiểu gì HLV cũng phải ra đi, ít nhất cũng là để "thay tướng, đổi vận". Vậy mà tại TP.HCM, chẳng ai nói gì đến chuyện chiếc ghế của ông Thành.

“Kỷ lục hiếm" của CLB TP.HCM - Ảnh 1.

CLB TPHCM (phải) đang có sự thay đổi về cách tiếp cận trận đấu nhưng kết quả thì vẫn y nguyên. Ảnh: Hồng Lĩnh

Có thể người ta cũng không biết thay ai, hoặc cũng có thể, những người có trách nhiệm chắc cũng chẳng còn màng đến chuyện cải thiện thành tích của đội bóng. Ông Thành thoải mái, muốn làm gì thì làm, thua thêm nữa …cũng được. Nghe thì vô lý nhưng nếu chúng ta quan sát sự phát triển của CLB TP.HCM thì cũng sẽ hiểu phần nào. Đội bóng này vốn phát triển từ hạng Nhất, ban đầu do LĐBĐ TP.HCM quản lý rồi sau đó bàn giao lại cho doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, cũng không ai biết rõ ông chủ thực sự của CLB này là ai và họ làm bóng đá để làm gì.

Nghe như vậy, chúng ta lại tiếp tục thấy vô lý. Trên thế giới, chưa từng có một thành phố trung tâm kinh tế nào mà lại không thể làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng đó lại là câu chuyện có thể xảy đến với TP.HCM. Hãy xem bóng đá Hà Nội, cũng có lúc sa sút ghê lắm, nhưng tính đến nay vẫn chưa năm nào không có đội đá ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam. Hiện tại, nếu tính luôn Viettel thì Hà Nội có đến 3 đại diện đá V-League và con số này vẫn còn có thể tăng thêm nếu chúng ta nhìn đến khả năng đầu tư của Hà Nội FC, Công an Hà Nội và Viettel.

Vậy nhưng, từ năm 2009 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 5 đội bóng hoàn toàn khác nhau tham dự V-League mà vẫn không thể duy trì một cách dài hạn. Trong đó có đến 2 mùa giải làng cầu danh tiếng một thời này chẳng có đội nào chơi ở hạng cao nhất cả. Trong trường hợp mùa này CLB TP.HCM rớt hạng, thì chũng chưa biết tình hình sẽ ra sao khi mà gần 15 năm qua, bóng đá TP.HCM cũng đã loay hoay đủ cách mà kết cục thì chẳng có gì mới mẻ.

Giờ thì HLV Vũ Tiến Thành cứ "đá đẹp" còn chuyện xuống hạng chắc cũng chẳng còn ai quan tâm.


Long Khang

Link gốc: TTVH