Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 67): Trại Bảo An binh - nơi in dấu sự kiện lịch sử trọng đại của Hà Nội
Trên phố Hàng Bài, xa xưa mang tên Đồng Khánh, số nhà 40A, vào thời điểm này lọt thỏm giữa bề bộn của một công trình văn hóa đang khẩn trương hoàn tất việc xây dựng, có một kiến trúc rất nhỏ bé và đã xuống cấp trầm trọng... Công trình văn hóa ấy là "Nhà hát Hoàn Kiếm" và kiến trúc nhỏ bé ấy là dấu tích còn lại của Trại Bảo An binh, từng gắn liền với một sự kiện trọng đại trong Cách mạng tháng Tám tại Thủ đô Hà Nội.
Trại Bảo An binh là tên gọi cuối cùng vào thời điểm Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ. Như tên gọi, đó là trại lính của Bảo An binh, lực lượng vũ trang có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho chính quyền vào lúc đó là Chính phủ Trần Trọng Kim, thành lập ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khi nền cai trị của Pháp đã chấm dứt.
Lực lượng mang tên gọi Bảo An binh vốn là lực lượng lính khố xanh (garde indigène) mà thực dân Pháp đã lập ra từ khi mới đặt ách bảo hộ lên Bắc kỳ và Trung Kỳ. Nó có nhiệm vụ bảo đảm anh ninh trật tự nội địa (nói đơn giản là bảo vệ chính quyền thực dân và triều đình đã đầu hàng, đàn áp các vụ biến loạn, trong đó có phong trào yêu nước và cách mạng). Nó được tổ chức tại từng địa phương, với trang phục có mảnh vải màu xanh buông trước bụng để phân biệt với lính khố đỏ (tirailleur) là lực lượng quân sự chính quy của người bản xứ phối hợp với quân đội chiếm đóng để bảo vệ thuộc địa và chủ quyền của nước Pháp.
Trại lính này được lập ra từ cuối thế kỷ XIX, nằm trên một diện tích ngày một mở rộng. Tài liệu lưu trữ cho biết người thiết kế trại lính này là một kiến trúc sư người Pháp là Henri Vidieu với các kiến trúc nổi tiếng như Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Tòa thượng thẩm, Hỏa Lò…; từng xây tòa nhà đại diện hình ảnh cho Bắc kỳ và Trung kỳ tại Đấu xảo Paris 1889.
Nhưng điều đáng nói là cả cái công trình trại lính thường xuyên có tới 1.000 lính đồn trú cho đến nay chỉ còn lại duy nhất một cái cổng, vừa nhỏ, lại có kiến trúc rất cổ điển, không khác một cái tam quan trong kiến trúc bản địa (chùa chiền hoặc phủ đệ). Phần lớn kiến trúc của trại lính đã bị biến dạng, chia sẻ thành nhiều cơ quan, kể từ sau ngày ta tiếp quản (1954). Song, cái kiến trúc còn lại này nhỏ, nhưng rất đẹp. Có lẽ đó cũng là quan điểm của tác giả thiết kế dành cho người bản xứ, trong khi các công trình như đã kể trên được kiến trúc sư Henri Vidieu thiết kế đều rất hoành tráng và đậm tính kinh điển của kiến trúc châu Âu.
Những tấm ảnh còn lưu lại cho thấy cái cổng rất Á Đông gắn với một công trình kiến trúc thuộc địa đầu thế kỷ XX, lại rất hài hòa. Và chính cái cổng này trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ đã chứng kiến một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử hiện đại. Trong khi quân Pháp đã bị quân Nhật giải giáp và bắt giữ, thì lực lượng lính khố xanh của thực dân vẫn còn nguyên vẹn cả về quân số và vũ khí, chỉ có điều nó được chuyển giao cho Chính phủ Trần Trọng Kim với cái tên mới là Bảo An binh.
Quân đội Nhật tuy đã đầu hàng, nhưng vẫn còn nguyên vẹn, chờ Đồng Minh vào giải giáp. Không sớm khống chế được lực lượng này sẽ có nguy cơ với chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập. Do vậy, lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa mà trực tiếp là Bí thư thành ủy Nguyễn Quyết (người sau này là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, rồi Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước, nay vẫn còn sống) đã cùng các đồng chí của mình, được sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng, đã đến tận nơi để vừa thuyết phục vừa trấn áp bằng tinh thần với bộ phận chỉ huy của trại, nhằm vận động các Bảo An binh hoặc về quê, hoặc gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng…
Cuối cùng, dù Nhật có đưa quân đến, thì lực lượng Bảo An binh bị giải thể, một bộ phận không nhỏ đã đi theo cách mạng, trong đó có đơn vị quân nhạc của Bảo An binh do ông Quản Liên (Đinh Trọng Liên) chỉ huy đã bước sang hàng ngũ cách mạng. Họ trở thành đội quân nhạc đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và nhà nước Việt Nam độc lập, có mặt trong tất cả các sự kiện trọng đại của lịch sử và được coi là tiền thân của Đoàn quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Xin đưa lên trang viết này sưu tập những tấm ảnh cái cổng Trại Bảo An binh đã từng được in trong bưu ảnh và các ấn phẩm khác để góp vào công việc trùng tu lại di tích kiến trúc này sẽ tôn được vẻ đẹp và có chiều sâu lịch sử của không gian một nhà hát sắp đỏ đèn nghệ thuật.