Chữ và nghĩa: 'Tôi' và 'chúng ta'
Tôi và chúng ta, đấy là tên một vở kịch của Lưu Quang Vũ, viết năm 1984, đã được dàn dựng, công diễn và gây tiếng vang trong dư luận khán giả. Nhưng tôi không viết bài này với tư cách là nhà phê bình văn học hay trao đổi những vấn đề liên quan tới nội dung vở kịch. Tôi chỉ muốn nhân đây bàn về các đại từ: "tôi", "chúng tôi", "chúng ta" trong tiếng Việt.
"Tôi" là đại từ chỉ người, ngôi thứ nhất, số ít, dùng để "tự xưng với người ngang hàng, hoặc khi không cần tỏ thái độ tình cảm gì". ("Từ điển tiếng Việt", Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Trong bất kỳ một cuộc đối thoại nào, người nói cần xác lập một vai giao tiếp có mình là chủ thể. Đại từ chỉ bản thể, cái tôi (ego) này có trong mọi ngôn ngữ trên thế giới. "Tôi" tiếng Anh là "I", tiếng Trung là 我 [ngã], tiếng Pháp là "je", tiếng Nga là "я"… Sự tương đương từ (và ngữ nghĩa) này mang tính phổ quát trong các ngôn ngữ.
Tuy nhiên, đối với đại từ "chúng ta", "chúng tôi" thì lại có vấn đề cần trao đổi.
"Chúng ta" là "tổ hợp người nói dùng để chỉ bản thân mình cùng với người đối thoại" (Từ điển, đã dẫn). VD: Chúng ta là những chàng trai can đảm; Chúng ta đi theo lối này; Bao giờ thì chúng ta vào học?...
"Chúng ta" có thể thay bằng "chúng tao", "chúng em"… hoặc "chúng tôi". Dịch sang tiếng nước ngoài (tiếng Anh chẳng hạn) thì: Ta, chúng ta, chúng tao, chúng tôi đều được viết là "we" (Chúng tôi là người Việt Nam: We are Vietnamese; Chúng ta là những chàng trai áo vải: We are boys in raw clothes).
Tuy nhiên, trong tiếng Việt, khi dùng "ta, chúng ta/ của ta, của chúng ta" là có sự phân biệt với "chúng tôi/ của chúng tôi".
Các nhà dịch thuật khi chuyển ngữ bản "Tuyên ngôn Độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết năm 1945) đã thống kê trong những tổ hợp, như "đất nước ta", "đồng bào ta", "dân tộc ta", "nước ta", "các cuộc khởi nghĩa của ta", "nòi giống ta", "dân ta", "các nhà tư sản ta", "công nhân ta",… thì "ta" ở đây được hiểu là "chúng ta". "Chúng ta" là nhân dân, đất nước và con người Việt Nam. Họ là đồng bào, là những người chung tổ quốc, đất nước Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và khi Người viết (đoạn cuối trong Tuyên ngôn Độc lập) là "Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố…"; "Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh…"; "Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng…"… thì "chúng tôi" là những người thuộc tập hợp riêng (ở đây chỉ Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện cho toàn dân Việt Nam) phân biệt với những người khác (trong đó có nước Pháp).... Khi dịch sang tiếng Anh, "chúng tôi" vẫn sẽ là "we" (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều) nhưng không thể hiểu nghĩa như "chúng ta", vì hiểu như thế vô hình trung ranh giới ta và Pháp và phần còn lại của thế giới không còn nữa.
Như vậy, trong giao tiếp tiếng Việt, "chúng ta" là sự đồng nhất người nói và một số người nghe (mà người nói được cho là đại diện, là cùng nhóm với mình), còn "chúng tôi" có sự phân biệt giữa người nói (cùng một số người người khác) với người nghe (thuộc đối tượng không cùng nhóm). Hiểu và phân biệt được ngữ nghĩa tinh tế của "chúng ta/ chúng tôi" sẽ giúp cho việc dịch tiếng Việt sang các ngoại ngữ khác (và ngược lại) một cách chính xác.
"Chúng tôi" khác với "chúng ta"
Tiếng Anh, tiếng Việt không là như nhau.