Võ Rin - Nhiếp ảnh gia tận hiến cho thiên nhiên
Triển lãm ảnh nghệ thuật Hội An - nơi đàn chim trở về của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Rin đã khai mạc cuối tuần qua tại khu nghỉ dưỡng Chic Chillax (Hội An, Quảng Nam).
Ngoài việc trưng bày 52 tác phẩm chụp ảnh các loài chim hoang dã tuyệt sắc của Việt Nam, triển lãm còn trưng bày ngay trên các cánh đồng lúa vàng các hình nộm bằng rơm khổng lồ gồm nhiều loài chim cá, trâu, phong cảnh đồng quê thôn dã; cùng với đó là các bức điêu khắc bằng gỗ ca ngợi vẻ đẹp và sự đa dạng sinh học của Việt Nam.
Ban tổ chức nhấn mạnh các yếu tố có ý nghĩa xã hội đặc biệt diễn ra trong thời gian triển lãm, như: Trưng bày ảnh và các vật dụng diễn tả nỗi đau chim hoang dã bị tàn sát ở Việt Nam; nỗ lực của người dân và các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong việc thúc đẩy thực thi pháp luật bảo vệ chúng. Triển lãm cũng tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm về nghệ thuật nhiếp ảnh và bảo tồn thiên nhiên ngay tại các cánh đồng lúa vàng, với sự hỗ trợ hiệu quả của âm thanh, ánh sáng.Trẻ em đến với triển lãm, được tham gia các cuộc thi vẽ tranh, bày tỏ góc nhìn của các cháu, giao lưu với chuyên gia về bảo tồn...
Mải nhìn những cánh chim xa xôi
Võ Rin râu ria và rất "phiêu", nhưng anh ít khi say rượu, dù cũng đắm đuối ham chơi "tứ hải giai huynh đệ". Giới chụp chim, Rin chơi cả trong và ngoài nước.
Xuất thân làm nghề đầu bếp cho các khu nghỉ dưỡng, nên tiếng Anh của Rin khá tốt. Không rượu chè, song Rin khá lơ mơ. Có vẻ như mắt anh luôn theo đuổi một bóng chim nào đó, rồi nghiêng nghiêng nghe ngóng, cố gắng dùng âm thanh mình nhận được để gọi tên "sứ giả bầu trời" ấy ngay lập tức. Theo đuổi những suy nghĩ xa xôi, ánh mắt của Rin hình như vượt qua vai của người đối diện rất xa…
Đó là cảm nhận của tôi trong lần đầu gặp Võ Rin. Cái lơ mơ của Rin trong đời thườnglà biểu hiện rõ nhất sự đắm đuối và tận hiến của Rin cho nhiếp ảnh về thiên nhiên hoang dã, cụ thể ở đây là chụp chim.
Nhiều "cao thủ" chụp ảnh thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam từng nói với tôi: Chụp chim là thú chơi, là nghệ thuật vất vả và… đắt đỏ. Hầu hết giới chụp ảnh chim là người có tiền, nếu không nói là giàu có, hoặc ít ra thì cũng ổn định gia đình, nhà cửa, sự nghiệp.
Nhưng Rin là nhân vật đặc biệt ở góc độ… kinh tế trong chụp chim. Xuất thân đầu bếp, nhà ở Hội An, ra Đà Nẵng sống trong căn nhà trọ dưới 30m2, Rin lao vào nhiếp ảnh với 2 bàn tay trắng. Đôi lúc, anh và cộng sự sống qua ngày bằngchiếc bánh mì chia đôi, vẫn vui vẻ lập lán giữa đồng hoang, giữa rừng hoang, vẫn bò như biệt kích trên cát nóng và nước biển mặn chát dấp dính để… rình chim. Hết chim rừng đến chim nước, hết chim ao đầm ra chim biển.
Rin chọn cách tận hiến cho nhiếp ảnh và dùng các bức ảnh chim, dùng tay máy của mình để kiếm tiền. Rin thiết kế các khu khách sạn, khu nghỉ dưỡng bằng… ảnh chim do mình chụp.Rin giúp đồng nghiệp đi sáng tác lên rừng xuống biển. Rin dùng các cỗ máy ảnh đã đầu tư để chụp kiến trúc, các công trình phục vụ du khách để họ quảng bá sản phẩm. Rin dùng nghệ thuật quay phim và đam mê bay flycam, khả năng điều khiển máy bay đồ chơi hiện đại để… cộng tác với các hãng truyền hình trong và ngoài nước, thậm chí huấn luyện các lực lượng đặc biệt một cách tử tế nhất.
Tôi vẫn nói vui, Rin có một "thị trường" ngách trong nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của mình. Vẫn biết, cũng chỉ đủ để nuôi thân lần hồi, không rủng rỉnh như các "đại gia chụp chim" với một ống kính lên tới gần 400 triệu đồng, một dàn máy cả tỷ đồng và đi chụp thì xe đưa xe đón.Võ Rin sống giản tiện trong căn nhà chật hẹp đi thuê. Mải nhìn những cánh chim xa xôi, Rin ít để ý đến tiền hay bất cứ điều gì khác. Một mực sống trung thực và đôi khi hơi khắc nghiệt (thẳng tính quá nên cũng khối kẻ không ưa) với nghề quá.
"Vác chảo chống dính đi vào nghệ thuật"
Đổi lại, bao trăn trở của Rin đã được đền đáp: Võ Rin được biết đến không chỉ ở Việt Nam, mà rộng hơn là những ghi nhận quốc tế.
Anh từng làm lều lâu năm trên các đầm nước đông đúc chim bản địa và chim di cư, tạo thành sân chơi cho giới nghiên cứu và chụp ảnh chim hoang dã. Các bãi đáp của chim di cư ở vùng Cửa Đại, Hội An, Đà Nẵng, Rin thuộc lòng. Rin biết đường đi của con chim cú, biết các loài tuyệt sắc làm tổ ra sao, ấp nở thế nào.
Và từ sự công phu đó, các bộ ảnh của Rin liên tiếp xuất hiện rất độc đáo: Chim nuôi con; chim bón mồi cho bạn tình và con cái; các loài chim với các loài hoa; chim nước; chim ăn thịt; chim riêng ở vùng Hội An; chim vùng núi huyền thoại Sơn Trà… Đó là lý do, mà năm 2023 này, Rin ra mắt Triển lãm Nơi đàn chim trở về mùa thứ 2, sau khi triển lãm cùng tên ra mắt lần 1 được chào đón nhiệt liệt. Trước đó, triển lãm của Rin mang tên Cánh chim Sơn Trà được tổ chức ngay bên bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, được báo chí và dư luận đánh giá cao.
Thậm chí, có câu chuyện thú vị mà Rin từng kể trên sóng truyền hình vừa rồi: Võ Rin sáng tạo ra cái "chảo chống dính" có gắn chân máy chụp ảnh để trườn trên cát, sỏi, trên bãi biển, ao đầm nhằm chụp chim nước, chim biển. Rin cũng sáng tạo ra "trò" dùng phao bơi loại cứng nổi trên mặt nước, gắn chân máy để "treo" cỗ máy vài trăm triệu (máy chụp chim là siêu zoom nên rất đắt) vào đó, cả máy lẫn phao trôi trên mặt đầm lặng lẽ, từng tí một. Bên trên phủ một tấm lưới màu ngụy trang, cả người, máy và phao trôi như đám lục bình lớn, tiếp cận cực gần các chú chim thơ ngây vốn bao năm bị săn bắn dã man nên rất cảnh giác.
Và, nhiều trăn trở của Rin đã biến thành các sáng tạo được áp dụng phổ biến ở Việt Nam và ra cả nước ngoài. Sau khi truyền hình phát câu chuyện Võ Rin mang chảo chống dính chụp chim, người trong giới nhiếp ảnh hoang dã càng hiểu: Cái duyên với nghề đầu bếp đã khiến anh "vác chảo đi vào nghệ thuật"…
"Mình bảo vệ các loài chim là để cho mình ngắm, cho mình sáng tạo nhiếp ảnh. Mình bảo vệ cho cộng đồng, cả nước. Cả thế giới cùng bảo vệ. Mình im lặng khi thấy kẻ làm sai kia, là mình có tội, là đồng lõa, là bạc bẽo với niềm đam mê của mình" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Rin.
Hiệp sĩ vì sinh thái
Điều đặc biệt nữa ở Võ Rin, cũng như nhiều người mê thiên nhiên khác, là một tinh thần hiệp sĩ vì sinh thái. Đi cùng nhau, có lần vào nhà hàng, thấy bàn bên gọi 10 con chim cuốc, 3 con rẽ giun, Rin buồn bã bỏ đi.
Rin thất vọng và quyết định hành động. Nhiều lần, tôi và Rin đã dọa rồi dùng luật phân tích cho những người bắn, bẫy chim để họ từ bỏ việc giết các "sứ giả bầu trời" mà bao người say mê bảo vệ kia. Rin dùng Chỉ thị 04 về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư của Chính phủ để làm "cây gậyvàng", thấy kẻ bắt, bẫy chim là gọi công an, kiểm lâm, chính quyền địa phương xử lý. Có lúc bị họ dọa, chửi, tấn công, Rin vẫn kiên quyết hành động.
Đó cũng là lý do, triển lãm Nơi đàn chim trở về của Võ Rin năm 2023 có cả khu trưng bày các tấm lưới mờ, "sát thủ" các loài chim hoang dã trên diện rộng cả nước, có cả các con cò, vạc làm bằng gỗ được bán công khai tràn lan trên mạng xã hội và ngoài đời để phục vụ những kẻ bắt, bẫy, ăn thịt chim trời. Nhiều chuyên gia bảo tồn, nhiều nhà báo yêu môi trường cũng đã xin, đăng báo, cho vào tài liệu nghiên cứu các bức ảnh Rin chụp chim mắc bẫy chết khô, chim bị sát hại tràn lan…
Võ Rin, từ nghệ sĩ lang thang dõi theo cánh chim trời, đến niềm đắm đuối sáng tạo ra các cách tiếp cận và chụp chim hoang dã, đến sự tận hiến cho các hoạt động quyết liệt bảo vệ môi trường… là cả một hành trình "nhận thức đến hành động", lãng mạn và thực tế, nghệ sĩ và đời thường đáng trân trọng.
Với Rin, triển lãm là nơi thức tỉnh thêm tình yêu thiên nhiên trong cộng đồng, là nơi tố cáo các sai phạm trong lĩnh vực này để thiên nhiên được thượng tôn. Là nơi Rin và cộng sự thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Rin còn có một quy tắc như thế này: khi tiếp cận các loài chim ở cự ly gần, theo dõi hành trình bắt cặp (yêu nhau và sinh nở), ấp trứng, chăm con của các loài chim, bao giờ Rin cũng rất bí mật và thận trọng để thợ săn chim không "theo chân" Rin mà sát hại lũ chim đáng yêu kia. Rin dặn tôi, nhà báo viết về kĩ năng tiếp cận các loài chim, phát hiện sự xuất hiện của chúng..., tất cả, phải hết sức thận trọng, kẻo thợ săn chim phục vụ các nhà hàng đặc sản sẽ… học nghề của mình. Thế là gay go lắm.
Một cánh én có thể chưa làm nên mùa Xuân. Song cũng thật tự hào khi bạn kiên trì, nỗ lực trở thành một cánh én tử tế mà mãi mãi các mùa Xuân đều cần đến. Rồi truyền cảm hứng cho nhiều người khác nữa. Tôi đã nghĩ vậy, khi biết về những trăn trở của Võ Rin, khi Rin dồn toàn bộ tâm sức cho các bức ảnh và tìm cách phát huy các giá trị tích cực của chúng vì một cộng đồng nhân ái, tốt đẹp hơn.
Pho "bách khoa thư" về chim
Ít ai tiếp cận các loài chim ở cự ly gần như Rin, vì anh nghiên cứu kỹ tập tính của chúng. Rin biết chúng ăn gì, chúng sợ người cao hơn hay thấp hơn tầm nhìn, sợ người đi từ biển vào bờ hay từ bờ ra biển. Rồi, chúng ăn hạt trên cây hay đào con sâu con nhộng dưới đất, chim trống múa trong rừng thì chọn khu đất bằng và kỳ công dọn sạch từng cọng cây, từng chiếc lá nhỏ nhất ra sao, chúng xuất hiện lúc tinh sương hay lúc nhá nhem tối…