HLV Troussier và tuyển Việt Nam ở thế chân tường

Trong hơn 72 giờ đồng hồ qua, kể từ sau thất bại 0-1 của thầy trò HLV Philippe Troussier trên sân Gelora Bung Karno, đã có quá nhiều phân tích chỉ ra nguyên nhân bại trận. Về cơ bản đều tập trung vào sự yếu kém của ông Troussier trong chiến thuật chuẩn bị, bài binh bố trận, sử dụng nhân sự, cũng như đọc trận đấu và điều chỉnh chiến thuật theo diễn biến cụ thể.

Bàn thua đến ở phút 52, với lỗi của cả hệ thống phòng ngự, chứ chẳng riêng gì pha phá bóng kiểu "mời anh xơi" của Minh Trọng. Cú ném biên của cầu thủ Indonesia uy lực như một pha đá phạt không lạ và thực tế, "chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho các tình huống này", như lời ông Troussier nói, thì sai sót vẫn xảy ra. Bởi, "đến Nhật Bản còn thua bàn tình huống tương tự"! Sao lại so sánh khập khiễng thế?

Thể thao & Văn hóa đã phân tích và phần lớn người làm chuyên môn đều biết rõ, làm chiến thuật cho hệ thống phòng ngự luôn là khó nhất, khó hơn nhiều so với mặt trận tấn công. Chỉ một sai lầm là phải trả giá đắt.

Những con người được cho là tốt nhất, thiện chiến nhất, không hoặc chỉ được sử dụng rất hạn chế, trước và sau bàn thua. Ở Bung Karno, đội bóng vẫn còn gần 1 hiệp đấu nữa để xoay chuyển tình thế và người hâm mộ kỳ vọng, HLV Troussier sẽ làm điều gì đó, ví như tung đồng loạt các con át chủ bài vào sân. Nhưng câu trả lời là không gì cả. Suốt trận, không một cú sút cầu môn trúng đích và bại trận là đương nhiên.

Sau những trận thua và cả những điều tồi tệ, đã, đang và sẽ đến, cùng lắm HLV Troussier sẽ mất việc. Dù bản hợp đồng 3,5 năm có điều khoản ràng buộc như thế nào đi chăng nữa, thì ông Troussier vẫn phải chịu trách nhiệm với thành bại. Song đổi lại, bóng đá Việt Nam sẽ chịu những tổn thất lớn nhất. Việc đánh mất tâm thế và cả vị thế khiến nền bóng đá sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để hàn gắn và để trở lại như cũ.

Và điều cốt lõi quan trọng, đấy là lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Nỗi sợ lớn nhất với bóng đá Việt Nam là sự thờ ơ của khán giả. Việc chữa lành là vấn đề không đơn giản.

Bóng lăn trong tuần: Thế chân tường - Ảnh 1.

Người hâm mộ rất hy vọng những cựu binh từ thời HLV Park Hang Seo như Hoàng Đức sẽ lại chơi bùng nổ. Ảnh: Minh Dân

Trở lại "cuộc chiến" (phải dùng từ này mới chính xác) với Indonesia vẫn còn dang dở, chưa kết thúc. Không phải tự nhiên, Indonesia đã thắng Việt Nam trong 2 cuộc đối đầu quan trọng gần nhất, từ Asian Cup vắt qua Vòng loại FIFA World Cup. Họ đã chuẩn bị cho các chiến thắng này từ trận bán kết SEA Games 2023 vừa qua ở Campuchia rồi (Indonesia thắng 3-2), chứ không cần phải nhờ tới làn sóng nhập tịch thời gian gần đây.

Nhưng, điều đáng nói là HLV Troussier và cộng sự lại không nhận ra bất cứ sai lầm mang tính cốt yếu nào để khắc phục hay ít nhất để tìm cách hoá giải Indonesia. Chúng ta vẫn nghĩ mình mạnh hơn họ, còn mạnh hơn ở điểm nào thì không biết. Xin nói luôn, bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ, không mạnh hơn Indonesia, vào thời điểm hiện tại, nếu không muốn nói là còn yếu thế hơn về nguồn lực và con người.

Và, đó là lý do các ĐTQG Việt Nam dưới thời ông Troussier bại ở SEA Games, thua mất mặt tại Asian Cup và giờ đang phải chịu tiếp nỗi đau ở đấu trường Vòng loại FIFA World Cup, bởi chỉ một đối thủ mà suốt 5 năm trước đó, chúng ta thắng dễ như lấy đồ trong túi.

Trong chiến trận, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Với bóng đá, chỉ cần biết sai, nhận sai và sửa sai thôi là đủ rồi. Chỉ là người xem chưa hề nhận thấy những nỗ lực sửa sai của HLV Troussier và cộng sự. Bị dồn vào thế chân tường trước trận lượt về ở Mỹ Đình, vẫn có ý tin rằng, các học trò của ông Troussier sẽ chơi bùng nổ, khởi sắc và có đủ 3 điểm. Chúng ta không nghĩ đến khả năng, liệu Indonesia có cho chủ nhà làm điều mình muốn?

Kiếm cùn, khiên mỏng, đến các ý tưởng về lối chơi, cách tiếp cận trận đấu và tiếp nhận đối thủ, cũng là không rõ ràng, thì ca này khó rồi.


CCKM

Link gốc: TTVH