Australia lập bản đồ dòng hải lưu mạnh nhất thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu trên một con tàu của Australia ở Nam Cực đã lập bản đồ dòng hải lưu mạnh nhất thế giới để xác định cách thức dòng hải lưu này làm tan chảy các tảng băng ở Nam Cực.

Sau 5 tuần làm việc trên tàu, nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học từ Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) - cơ quan khoa học quốc gia của Australia - dẫn đầu ngày 19/12 cho biết họ đã thành công trong việc lập bản đồ một điểm nóng trong Dòng hải lưu Nam Cực (ACC).

Chảy theo chiều kim đồng hồ quanh Nam Cực từ Tây sang Đông ở Nam Đại Dương hoặc Nam Băng Dương, ACC là dòng hải lưu mạnh nhất thế giới. Trong lịch sử, dòng hải lưu này đóng vai trò ngăn chặn nước ấm đến Nam Cực. 

Australia lập bản đồ dòng hải lưu mạnh nhất thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ông Benoit Legresy - nhà khoa học phụ trách chuyến hành trình của CSIRO, cho rằng cần phải lập bản đồ bằng tàu và vệ tinh để hiểu cách thức dòng nước ấm "xuyên qua" ACC để làm tan chảy thềm băng và nguy cơ mực nước biển dâng cao. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đang làm việc tại một điểm nơi nhiệt được truyền tới Nam Cực, góp phần làm băng tan và mực nước biển dâng cao. Họ cần hiểu cách "cửa ngõ" này hoạt động, lượng nhiệt truyền qua và điều này có thể thay đổi như thế nào trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Chương trình Nam Cực Australia (AAPP) đã tham gia chuyến hành trình của các nhà nghiên cứu thuộc CSIRO. Họ đã sử dụng hệ thống đo tiếng vang đa tia của RV Investigator và vệ tinh Địa hình bề mặt và đại dương (SWOT) do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp với Trung tâm D'Etudes Spatiales (CNES) của Pháp phóng vào tháng 12/2022 để lập bản đồ khu vực đáy biển ở độ phân giải cao trên diện tích rộng 20.000 km2.

Ông Chris Yule, nhà địa vật lý của CSIRO, cho biết ngoài việc lập bản đồ các dòng hải lưu, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một dãy gồm 8 ngọn núi lửa không hoạt động nằm trong lòng đại dương, với ngọn núi cao tới 1.500 m và một ngọn núi có miệng phun kép.

Nhóm sẽ tích hợp tất cả dữ liệu do tàu và vệ tinh thu thập để giúp xây dựng kiến thức về dòng hải lưu nhằm cung cấp thông tin cho chính sách khí hậu.

Thanh Tú/TTXVN

Link gốc: TTVH