Góc nhìn 365: Ánh đèn sân khấu về khuya

Trong giới mộ điệu cải lương, chỉ cần nhắc đến Minh Cảnh, không ai là không biết. Ở tuổi 85, tháng 7 vừa qua, Minh Cảnh đã trở về nước phục vụ khán giả trong đêm diễn Danh ca Minh Cảnh ở nhà hát Bến Thành.

Ngày 5/8, cũng tại đây, ông lại "tái ngộ" khán giả trong đêm Tằm tơ nhả ngọc. Hai đêm vừa rồi, có lẽ là những phút giây quý giá cuối cùng, khán giả có cơ hội nghe danh ca cải lương này hát "sống".

Minh Cảnh xa quê hương Việt Nam đã lâu, nay trở về trong sự đón tiếp nồng hậu của khán giả, đồng nghiệp. Khó có chương trình nào quy tụ đủ những ngôi sao cải lương như Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Trọng Phúc.

Đến những đêm diễn như thế này, khán giả sửa soạn tâm lý hoài niệm là chính, nhưng quả thực bằng giọng ca nội lực, dù thanh sắc không bằng xưa, nhưng giọng ca lừng danh, nay thuộc hàng ông bà, vẫn còn đó sự mùi mẫn, chất giọng riêng không hòa lẫn, khiến người nghe không khỏi thán phục.

Góc nhìn 365: Ánh đèn sân khấu về khuya - Ảnh 1.

NS Minh Cảnh (trái) và NSƯT Kim Tử Long cùng hát chung bài vọng cổ “Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà”. Ảnh: H.K

Trong đêm diễn, nghệ sĩ Minh Cảnh hát lại Võ Đông Sơ với sự phụ diễn của Kim Tử Long. Do tuổi cao sức yếu, có những trường đoạn ra bộ khiến ông chới với suýt ngã và cuối cùng phải ngồi hát, nhưng Võ Đông Sơ vẫn là Võ Đông Sơ của năm xưa thọ tiễn, mà loạn tiễn không chỉ cắm vào trái tim viên tướng chung tình mà còn trái tim khán giả!

Ta sẽ tự hỏi cái gì làm nên sức hút đó? Phải chăng chính là sự quyến rũ của sân khấu mà "quái kiệt" cải lương Bo Bo Hoàng nói rằng không gì thay thế được. Dù là hòn đá, rừng cây, cả vũ trụ càn khôn chỉ là mấy nét đơn sơn người họa sĩ vẽ ra, nhưng làm khán giả tin rằng mình đang đứng dưới thành Luy Lâu thời Hai Bà Trưng hay cung vàng điện ngọc của vị vua chúa nào đó.

Nên, ý nghĩ sân khấu đã chết (hay đang chết) chẳng qua vì người ta khó tin vào một thứ nghệ thuật trong sự hạn chế về không gian (sàn diễn), thời gian (sức của nghệ sĩ) lại còn thu hút được khán giả đương đại đa phần thích những thước phim ngắn và chẳng còn đủ kiên nhẫn xem hết một bộ phim mà phải trông chờ những màn tóm tắt nổi trôi (và phạm luật bản quyền) trên mạng.

Nhưng nếu cải lương (hay rộng ra là cả sân khấu) không chết, thì nó sẽ "sống ra sao"? Có một điều dễ thấy, khi nói về thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu, khán giả dễ dàng nêu ra được những cái tên, chứng tỏ "một con én chẳng làm nên mùa Xuân". Để làm nên một thời đại cần có một thế hệ nghệ sĩ, những người cọ xát với thời đại và hát được cho thời đại ấy bằng tâm tư của mình.

Thiển nghĩ, tình hình sân khấu hiện nay không phải là "tre già măng… chưa mọc" mà là tre đã già, măng đã mọc, nhưng măng ấy không đủ sức mọc thành tre, hay tre ấy chơ vơ mà chẳng thành bụi, thành rừng.

Con người đang đứng trước bối cảnh trí tuệ nhân tạo có thể tái dựng lại hình ảnh, âm thanh. Có lẽ nó có ích theo cách này hay cách khác. Nhưng những đêm diễn như đêm Minh Cảnh vừa rồi cho thấy cái đẹp của thời gian. Thứ thời gian khắc nghiệt tàn phá xuân thời thơ mộng nhất, nhưng ở đó nghệ thuật do bàn tay và khối óc con người, trong thế giới hữu tử, trên sân khấu mà trăm lần diễn là trăm lần khác, đã cho khán giả những phút giây độc nhất được thấy hào quang phù du của ánh đèn sân khấu, dẫu chỉ là sân khấu về khuya.

An Kha

Link gốc: TTVH