VITM Hà Nội 2024: Quảng bá tiềm năng du lịch 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long

Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang và Sở Du lịch Kiên Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với Thành phố Hà Nội.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá những nét cơ bản về hình ảnh, thông tin và tiềm năng du lịch của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đến với đại biểu các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đồng thời trao đổi kinh nghiệm và ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa hai khu vực.

VITM Hà Nội 2024: Quảng bá tiềm năng du lịch 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với Thành phố Hà Nội.

Theo ông Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ĐBSCL đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú và nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa - lịch sử,… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch. Trong năm 2023 qua, ĐBSCL đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết - hợp tác, tăng cường xúc tiến - quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch...; tổng số khách du lịch đến ĐBSCL trong năm 2023 đạt 44,9 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế là 1,8 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt hơn 45 ngàn tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.

"Tôi mong muốn tiếp tục tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn", ông Lưu Trung nhấn mạnh.

VITM Hà Nội 2024: Quảng bá tiềm năng du lịch 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Cầu Hôn - điểm du lịch thu hút du khách ở Phú Quốc - tỉnh Kiên Giang

Còn theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương ĐBSCL, ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương. 

Trên cơ sở đó, Sở Du lịch Hà Nội luôn chủ động trao đổi thông tin cần thiết và kịp thời trong công tác quản lý nhà nước và hợp tác liên kết với Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa các tỉnh ĐBSCL với Thành phố Hà Nội là rất cần thiết. Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc cũng sẽ ký kết biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch và đề xuất một số nội dung triển khai kế hoạch hợp tác về du lịch với các tỉnh, thành phố trong thời gian tới.

VITM Hà Nội 2024: Quảng bá tiềm năng du lịch 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Quảng bá du lịch các vùng miền tại VITM Hà Nội 2024

Đánh giá cao sáng kiến của Sở Du lịch Kiên Giang và ĐBSCL tại Hà Nội trong khuôn khổ của Hội chợ Du lịch VITM 2024 đối với công tác xúc tiến quảng bá, bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN - cho rằng, để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, ĐBSCL cần có sự kết hợp đông đảo với các doanh nghiệp của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch trong những năm tiếp theo, khu vực ĐBSCL cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các chính sách, giảp pháp phát triển du lịch đã được Chính phủ ban hành; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Sở quản lý nhà nước về Du lịch và các đơn vị cung ứng trong và ngoài ngành tại các địa phương để tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa du lịch khu vực ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu ghi nhận những nỗ lực của ĐBSCL đối với việc xúc tiến quảng bá du lịch tại nhiều địa phương. Điều này cho thấy sự quan tâm rất cao của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đối với lĩnh vực Du lịch, đặc biệt là Kiên Giang luôn là điểm sáng dẫn đầu. Thời gian qua, các điểm đến và sản phẩm du lịch của ĐBSCL đang ngày càng trở nên hấp dẫn, liên tục được giới thiệu rộng khắp cả nước. Việc liên kết giữa các tỉnh đã tạo nên sức mạnh đoàn kết và tính hiệu quả rất lớn.

Thảo Nhi. Ảnh: BTC

Link gốc: TTVH