Bên cạnh du lịch, concert Blackpink tại Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích không tưởng

Hai đêm biểu diễn của nhóm nhạc nữ Blackpink nổi tiếng tại thủ đô Hà Nội không chỉ đem lại lợi ích về mặt du lịch mà còn tạo ra nhiều điều đáng chú ý khác.

Du lịch Hà Nội doanh thu du lịch 630 tỷ đồng

Hà Nội đã chứng kiến một sự kiện âm nhạc đặc biệt và gây sốt trong cộng đồng fan Kpop khi nhóm nhạc nữ Blackpink tổ chức hai đêm diễn tại thủ đô vào ngày 29 và 30/7 vừa qua. Không chỉ là một sự kiện giải trí, màn trình diễn của Blackpink còn mang lại một cú hích mạnh mẽ cho ngành du lịch Hà Nội với doanh thu ước tính lên đến 630 tỷ đồng.

Ngoài du lịch, concert Blackpink tại Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích không tưởng - Ảnh 1.

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chật kín người hâm mộ Blackpink tối 29/7

Theo báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội, trong khoảng thời gian hai đêm diễn của Blackpink, tổng số lượng du khách đến thủ đô đã vượt qua con số 170.000, trong đó có khoảng 30.000 du khách quốc tế và phần còn lại là khách du lịch nội địa. Đây là một con số ấn tượng, cho thấy sức hút và tầm ảnh hưởng của nhóm nhạc nữ này không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới.

Concert Born Pink của Blackpink đã thu hút khoảng 70.000 khán giả trong hai đêm biểu diễn tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Khán giả đến từ nhiều thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang và Hải Phòng. Đáng chú ý, còn có khoảng 3.000 du khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Canada, Australia, Thái Lan, Nhật Bản...

Sự kiện này đã tạo ra một sự bùng nổ trong ngành khách sạn và lưu trú tại Hà Nội. Các khách sạn xung quanh khu vực biểu diễn đã tăng công suất buồng phòng lên tới 20% so với các ngày cuối tuần trước đó, đặc biệt là ngày 29/7 khi một số nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn bắt đầu kín phòng.

Ngoài du lịch, concert Blackpink tại Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích không tưởng - Ảnh 2.

Nhóm nhạc nữ Blackpink trên sân khấu concert tại Hà Nội

Ngoài ra, nhu cầu đặt phòng khách sạn tại Hà Nội đã tăng lên gấp 10 lần so với tuần trước đó. Tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn trong tháng 7 đã đạt 60,8% trên địa bàn thủ đô.

Không chỉ góp phần tăng doanh thu khách sạn, sự kiện này cũng tác động tích cực đến lĩnh vực tham quan du lịch tại Hà Nội. Số lượng du khách tới các điểm du lịch trong thủ đô đã tăng khoảng 15%-20%. Đặc biệt, dịch vụ xe buýt hai tầng, phương tiện du lịch phổ biến tại Hanoi, cũng ghi nhận một sự gia tăng đáng kể về số lượng hành khách. Các dịch vụ đặt vé và tour du lịch trực tuyến cũng tăng lên 15% so với các ngày trước đó, không tính đến việc mua vé trực tiếp.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã gửi một lá thư tới Blackpink, các fan và các lực lượng chức năng của thủ đô. Trong lá thư, Chủ tịch UBND Hà Nội bày tỏ hy vọng sẽ đón chào và tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa của thủ đô và khẳng định vị thế của Hà Nội là một thủ đô văn hóa, lịch sự, hiện đại và mến khách.

Tư duy "think globally, act locally"

Theo tờ Asean Daily của Hàn Quốc, sự kiện hai đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội cũng đã thể hiện tư duy "think globally, act locally" một cách rõ ràng. Think globally, act locally (tạm dịch: Tư duy theo quy mô toàn cầu, hành động theo đặc trưng địa phương) là chiến lược phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi tiến công vào thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam.

Tư duy này được thể hiện qua sự hòa nhập của nhóm nhạc nữ với đặc trưng địa phương. Các thành viên Blackpink đã nói tiếng Việt, đội nón lá, diện trang phục của nhà thiết kế Việt Nam và nhảy theo ca khúc See tình (Hoàng Thuỳ Linh)... nhằm tạo sự gần gũi và tương tác chặt chẽ với khán giả Việt Nam.

Ngoài du lịch, concert Blackpink tại Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích không tưởng - Ảnh 3.

Các thành viên Blackpink đội nón lá Việt Nam

Điều đáng chú ý là, việc chọn thành viên Lisa - người Thái Lan và tổ chức các show diễn tại Đông Nam Á cũng là một cách thể hiện tư duy này. YG Entertainment, công ty chủ quản của Blackpink, đã chọn Lisa với mong muốn kết nối với người hâm mộ của nhóm ở các quốc gia trong khu vực và tạo ra một sự kết nối sâu sắc thông qua nền văn hóa và ngôn ngữ chung.

Tư duy "think globally, act locally" không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế và du lịch mà còn tạo ra một mô hình tương tác và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Điều này thể hiện sự đa dạng và sự phong phú của ngành công nghiệp âm nhạc trong việc xuyên suốt và tương tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật

Ngoài ra, sự thành công của đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Hà Nội đã làm rõ rằng văn hóa nghệ thuật có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại.

Theo báo Nikkei Asian, sự phổ biến của Blackpink tại Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho sự lan rộng ngày càng mạnh mẽ của Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) trên toàn cầu. Hallyu đã "xâm chiếm" cả các lĩnh vực khác như thời trang, thương mại, giải trí và thậm chí là thể thao.

Việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật quy mô lớn như này không chỉ tạo ra cơ hội cho người dân địa phương được trải nghiệm âm nhạc và nghệ thuật quốc tế mà còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh văn hóa của Hà Nội trên bản đồ thế giới.

Ngoài du lịch, concert Blackpink tại Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích không tưởng - Ảnh 4.

Sôi động chương trình biểu diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nâng cao vấn đề tác quyền trong âm nhạc

Một vấn đề khác được đề cập là vấn đề tác quyền trong ngành âm nhạc. Trước buổi diễn, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã gửi đơn đến UBND thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội yêu cầu thu hồi giấy phép diễn của Blackpink do vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả.

Theo Asean Daily, qua concert này, các cơ quan chính phủ và tổ chức liên quan tại Việt Nam sẽ thiết lập một hệ thống thủ tục rõ ràng và minh bạch về đăng ký tác quyền nhằm tránh những vụ vi phạm tương tự xảy ra trong tương lai.

Thành Quách (tổng hợp)

Link gốc: TTVH