Thầm lặng trong thế giới sách
Sao Bắc Media (hoặc Sách hay Sao Bắc) là một tên tuổi khá lặng lẽ trong giới làm sách hiện nay, lại chọn con đường khá hẹp, với các cuốn sách thường kén độc giả. Một trong vài cuốn sách gần đây có sự tham gia của Sao Bắc Media là Du hành về Nam (NXB Tổng hợp TP.HCM) của Jean-Pierre Outers.
Sao Bắc Media do vợ chồng dịch giả Nguyễn Trí Dũng và Phạm Bích Ngọc sáng lập. Hướng đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sắp tới, báo Thể thao và Văn hóa trò chuyện cùng chị Phạm Bích Ngọc về lý do của việc chọn con đường hẹp trong làm sách.
* Chị có thể cho độc giả được biết cơ duyên nào dẫn chị đến con đường hẹp của nghề làm sách?
- Có lẽ nghề sách đã chọn tôi thì đúng hơn. Tôi thuộc thế hệ 7X, ngày bé, khoảng năm 1982, khi 10 - 12 tuổi, thời bao cấp khốn khó, ông ngoại lúc đó làm ở NXB Văn hóa đã đem việc làm thêm về cả nhà cùng chung tay: Quét màu vào truyện tranh in sẵn. Nghiệp sách gắn với tôi từ ngày đó chăng?
Tôi làm biên tập viên tại NXB Thế giới từ ngày ra trường đến nay cũng đã 1/4 thế kỷ. Khi cùng ông xã chính thức lập ra Sao Bắc Media vào năm 2009, công việc cứ thế chẳng ai phân công mà thành nếp: Chồng tuyển chọn sách để dịch, vợ cùng ê-kíp thực hiện tổ chức các việc biên tập, ấn loát rồi phát hành. Càng làm, càng ngấm, càng say.
* Thưa chị, tại sao lại là Sao Bắc?
- Bạn bè, đồng nghiệp biết tôi và ông xã học ở Nga về, nên thường đùa vui "Sao Bắc là ngôi sao phương Bắc", hoặc "vì nước Nga ở phương Bắc". Thực ra, ai cũng biết sao Bắc Đẩu là ngôi sao dẫn đường và mỗi người đều mong muốn tìm được ngôi sao chỉ lối đưa đường cho chính mình trong cuộc sống. Sao Bắc hy vọng mọi người sẽ đạt được điều đó trong chính những cuốn sách mang những giá trị cao trên nhiều phương diện. Và Sao Bắc đã luôn cố gắng để làm thật tốt những cuốn sách như vậy.
* Cùng chồng là dịch giả Nguyễn Trí Dũng điều hành một công ty sách trong bối cảnh như hiện tại, 2 anh chị đã phải chịu những sức ép gì?
- Tụi tôi chịu vô vàn sức ép trong một thị trường thương mại cạnh tranh nói chung và ngành sách nói riêng. Nhớ lại những ngày đầu lập Sao Bắc nhiều gian nan, nhiều thất bại, khi sách làm ra cứ chồng chất trong kho, không nơi đâu nhận, vì họ cho rằng "sách này khó bán lắm!". Nhưng tụi tôi gắng động viên nhau rằng, cứ kiên trì làm sách thật hay, thật đẹp, ắt có ngày độc giả sẽ biết đến.
Cũng có nhiều người cho là "hâm" khi họ quy đổi số chi phí khá lớn mà tụi tôi đã bỏ ra để làm sách suốt từ bao lâu nay. Nhưng tụi tôi siêu nhỏ lẻ, sức lực và kinh phí có hạn, nên chỉ ra mỗi năm 2 - 3 đầu sách, song không bị các áp lực về mọi chi phí hoạt động cơ bản như văn phòng, lương bổng nhân viên… Tất cả mọi chi phí đều tập trung vào các công đoạn để làm sách.
* Một công ty chỉ có 3 người - 2 vợ chồng anh chị và 1 cộng sự - mười mấy năm ra hơn đôi chục quyền sách, lại toàn là sách kén người đọc, đâu là động lực để anh chị tiếp tục niềm đam mê của mình?
- Động lực đó chính là độc giả, là bạn sách, là những người đang yêu mến và nhiệt tâm ủng hộ sách của Sao Bắc - biết bao người trong số họ tụi tôi còn chưa được một lần gặp gỡ để nói lời cảm tạ. Chính cái cách họ ứng xử đầy cảm xúc với sách của Sao Bắc, với người làm sách Sao Bắc, đã khiến tụi tôi hiểu rằng Sao Bắc không hề cô đơn.
* Đến dự các buổi ra mắt sách của Sách hay Sao Bắc, có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc: Anh Nguyễn Trí Dũng trên ghế diễn giả, còn chị thường đứng bên trong cánh gà, hoặc dưới hàng ghế khán giả, dường như chị thích sự thầm lặng với vị trí hậu phương của mình?
- (Cười) Có lẽ thế!
* Nhìn lại con đường 15 năm, đâu là tiêu chí chung của sách Sao Bắc?
- Hầu hết sách của Sao Bắc chọn dịch đều còn mới lạ đối với phần đông độc giả Việt Nam, tuy nhiên họ không hề "xa lạ", bởi lẽ hầu hết các vấn đề đặt ra trong các cuốn sách này đều mang tính nhân bản như bản ngã, thân phận của con người, hành trình kiếm tìm hạnh phúc… Chính vì thế, mặc dù các cuốn sách ấy được xuất bản ít nhất trên nửa thế kỷ, nhưng chúng luôn còn nguyên giá trị với mỗi chúng ta hôm nay.
* Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này. Mong rằng sẽ được đón đọc nhiều đầu sách hay hơn nữa từ Sao Bắc!