'Giữ lửa' từ gốm Hương Canh
Triển lãm Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại sẽ khai mạc vào 10h sáng thứ Sáu ngày 5/1 (kết thúc ngày 12/1) tại tầng 3, Nhà xuất bản Hội nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội). Đây là cuộc triển lãm lớn, có quy mô chuyên về một làng gốm. Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm.
1. Năm kia, tôi mua được một cái lọ gốm Hương Canh cũ, tuy đã bị sứt ở miệng và có một vết nứt ở thân. Thế là cắm hoa không được mà cũng chả dùng được vào việc gì. Tôi bày trên kệ, ngắm chơi thôi. Bạn bè tới, có người thắc mắc, tôi bảo tôi thích màu của cái lọ này, tôi mua là mua cái màu, để lưu giữ lại màu nâu cháy đặc trưng của da gốm Hương Canh.
Gốm nào mà chả là đất và lửa đối thoại cùng nhau? Cái chất đất mà ông trời dành tặng cho Hương Canh là chất "Thổ đới Kim", cái vi lượng ô xít sắt (Fe203) tự nhiên ở trong đất Hương Canh đã làm nên nước da nâu cháy mộc mạc, khỏe khoắn của gốm sành Hương Canh.
Vậy thì, ngồi xuống ngắm cái màu nâu mê hồn ấy cũng là đủ đẹp rồi, là được việc rồi. Cái màu nâu ấy sẽ làm lòng mình lắng lại, thanh thản và yên tĩnh lại. Chưa bao giờ mà sự yên tĩnh, lắng dịu, bình an lại quá đỗi khó khăn, lại trở thành xa xỉ như lúc này.
Tại sao không được quyền ngưng nghỉ, được quyền "dừng lại", được quyền "vô dụng", thậm chí là "vô vi"? Tại sao cứ đổi mới mọi thứ thành nhôm, nhựa? Những chất liệu công nghiệp và sản xuất hàng loạt ấy khi được đẩy lên thành lối sống chính là nguyên nhân tạo ra lạnh lẽo, thực dụng và vô cảm...
Thành quả của đổi mới, của phát triển phải bao gồm sự phát triển của các làng nghề thủ công truyền thống trên khắp đất nước. Đồ làm bằng tay bằng chất liệu tự nhiên đã bắt đầu là mốt sống của thế giới. Nếu biết phát triển làng nghề, thì sản phẩm của các làng nghề sẽ là một ngành công nghiệp sáng tạo. Cái chum, cái vại, cái màu nâu gốm sành Hương Canh là truyền thống, là di sản, là ký ức, là tâm tính của người Việt Nam, là văn hóa.
2. Mấy làng gốm sành truyền thống vùng châu thổ sông Hồng chỉ còn Phù Lãng. Thổ Hà không còn một lò gốm nào hoạt động. Hương Canh còn độ vài ba gia đình giữ nghề - tức là làm gốm vì giữ truyền thống của làng, vì yêu gốm chứ không thể nói là sống bằng gốm được. Cả 3 làng gốm này đều là gốm sành, riêng Phù Lãng là gốm sành có men, Thổ Hà không men và có cả 2 dòng sản phẩm là đồ gia dụng và đồ thờ (bát hương, linh vật…). Gốm Hương Canh chỉ chuyên đồ gia dụng: Chum, vại, vò, liễn, ang, thạp, chõ, cối, máng lợn…
Sản phẩm của Chu Đậu và Bát Tràng vừa bán trong nước, vừa xuất khẩu. Nhưng Thổ Hà, Phù Lãng và Hương Canh chỉ bán trong nước, hơn nữa lại là gốm sành cho nên nó mộc mạc, bình dị, dân dã, nó nhiều chất làng, chất quê, đậm chất người Việt Nam. Đặc biệt là Hương Canh, đồ gốm sành gia dụng Hương Canh chính là bức chân dung của đời sống làng quê, của đời sống văn minh nông nghiệp, của tâm tính người Việt Nam. Những vại muối dưa, những niêu kho cá, những chum tương, những hũ đựng hạt giống treo gác bếp - tâm hồn người Việt Nam, văn hóa Việt Nam ở đó chứ đâu xa.
Muối dưa cà thì dùng vại sành Hương Canh chứ chả ai dùng vại gốm Bát Tràng. Và người kỹ tính thì nén dưa cà vẫn phải dùng đĩa sành Hương Canh chặn phía trên rồi mới đặt vật nặng vào, vì gốm sành Hương Canh là gốm không men, không bóng nhẵn, không làm "kháng khú" dưa cà. Nói chính xác thì men đã sẵn trong đất. Hình ảnh chum tương dưới gốc cau, bể nước, cầu ao, sân gạch đã quen thuộc. Ủ tương bằng chum sành Hương Canh vẫn là ngon nhất. Rượu hạ thổ cũng phải bắt buộc đựng trong chum Hương Canh vì chum đất nung thì vẫn bị thấm mà chum gốm tráng men thì kín quá, âm dương thủy thổ không giao hòa, rượu mất ngon.
3. Tết năm 1982, anh bạn cùng tiểu đội,quê Hương Canh về thăm nhà, khi lên đơn vị mừng tuổi cho tôi một hũ nhỏ để đựng thuốc lào. Chả phải cầu kỳ gì nhưng hũ gốm Hương Canh đựng thuốc lào rất tốt, trời hanh thuốc không bị giòn mà trời nồm thì thuốc không ẩm mốc.
Ngoài vẻ đẹp thì tính chất độc đáo của gốm sành Hương Canh như trên là do đất, nước, lửa chỉ có riêng ở Hương Canh. Đất thì quánh dẻo và nhiều sắt. Nước sông Cánh (một nhánh của sông Cà Lồ) chính là nước tưới ruộng tạo ra giống lúa ré Cánh. Và lò Hương Canh vẫn đốt củi chứ không dùng gas như Bát Tràng. Lửa táp trực tiếp vào sản phẩm, mạnh nhẹ, nhiều ít tạo ra chỗ bóng chỗ mờ, tạo ra đậm nhạt cực kỳ hấp dẫn.
Triển lãm Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại có nhiều ý nghĩa. Đó là một triển lãm quy mô lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội, là triển lãm kết nối các nghệ nhân và nghệ sĩ, kết nối các thế hệ. Và quan trọng nhất, như tên gọi, đây là cuộc trò chuyện giữa truyền thống và hiện đại. Những chum tương, ấm sắc thuốc, vại muối dưa, lon giã cua của Hương Canh truyền thống đối thoại với gốm Hương Canh mới và khác. Vẫn Hương Canh ấy nhưng là một Hương Canh mới của tinh thần trang trí, hội họa (khắc vạch) và gốm - điêu khắc.
Triển lãm này là một lời nhắc về việc bảo tồn di sản, về việc bảo tồn làng nghề, là câu chuyện về công nghiệp văn hóa, là câu chuyện liên kết giữa nghệ nhân và các nhà thiết kế, các nghệ sĩ, liên kết giữa làng nghề với du lịch khám phá trải nghiệm…
Triển lãm là một cách thức bảo tồn. Bảo tồn truyền thống bằng nghệ thuật hiện đại, làm cho truyền thống sống được trong đời sống hiện đại là cách bảo tồn bền vững nhất, trên cái nền truyền thống là tinh thần vẻ đẹp hiện đại. Bảo tồn bằng thẩm mỹ hiện đại, để truyền thống ấy mới hơn và di sản ấy hiện đại hơn.
Gốm hiểu theo một nghĩa nào đó là "tam tài" thiên - địa - nhân. Trời cho con người cái nghiệp chơi với đất, gốm nối trời đất người làm một. Chỉ có gốm là đủ cả ngũ hành, kim - mộc - thủy - hỏa - thổ.
Gốm hiểu theo nghĩa nào đó cũng là "tam tài" đất, nước, lửa. Thủy hỏa hài hòa, thủy thổ cân bằng, đấy là lẽ trời, đấy là đạo. Gốm là đạo. Phải giữ lấy đạo. Giữ lấy lửa cho gốm, cho các làng gốm cổ truyền cũng như gốm sành Hương Canh.
Triển lãm trưng bày 40 tác phẩm của 8 nghệ sĩ/ nghệ nhân: Lê Ngọc Hân, Nguyễn Lưu, Lê Thiết Cương, Lê Ngọc Ly, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Giang Anh, Nguyễn Thị Hằng và khách mời nghệ nhân Giang Thị Nhạn.