Góc nhìn 365: Để di sản đô thị được 'chính danh'

Cuộc hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên (Hà Nội) trong tuần qua đang nhận về sự quan tâm lớn từ dư luận. Với những gì được đề cập, cây cầu đặc biệt này đang có cơ hội để chuyển sang một chương mới sau hơn 120 năm tồn tại.

Vắn tắt, trong tương lai, khi một cầu "Long Biên mới" được xây dựng, cầu sắt cũ sẽ cơ bản được giải phóng khỏi chức năng phục vụ giao thông. Và, những cách tiếp cận mới cần được triển khai để biến nó thành một không gian văn hóa đặc thù mang tính biểu tượng cho Hà Nội.

Chắc chắn, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên sẽ đặt ra những yêu cầu lớn về kinh phí và kỹ thuật. Đó trước hết phải là câu chuyện của nguồn lực Nhà nước, cũng như những cơ chế, giải pháp đặc thù để thu hút nguồn vốn xã hội hóa nhằm tạo dựng một không gian văn hóa mới từ cây cầu sắt trăm tuổi này.

Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó.

Xa hơn, để thật sự "đánh thức" không gian quanh cầu Long Biên, đó còn là những giải pháp tổng thể để quy hoạch và phát triển cây xanh, mặt nước tại bãi giữa và đôi bờ sông Hồng, là những kết nối văn hóa từ nhiều hướng cùng quy tụ tại cầu - để rồi từ đó, hình ảnh Long Biên luôn được gắn với các không gian mở, thu hút cộng đồng bởi nhiều dịch vụ văn hóa - nghệ thuật đủ chất lượng và phong phú.

Góc nhìn 365: Để di sản đô thị được 'chính danh' - Ảnh 1.

Cầu Long Biên

Có nghĩa, để thật sự trở thành một không gian mang tính biểu tượng của Hà Nội như kỳ vọng,việc tôn tạo và phát huy cầu Long Biên phải được đặt trong sự quyết tâm - và thu hút nguồn lực - của cả cộng đồng.

Và từ góc độ pháp lý, rõ ràng tính chính danh của nó cũng cần được đặt ra, để làm tiền đề cho những giải pháp và sáng tạo cần thiết.

***

Ở một chừng mực, cầu Long Biên có thể coi là ví dụ điển hình về di sản đô thị - khái niệm đang được nhắc tới nhiều trong những năm gần đây.

Dù chưa có một định nghĩa chính thức và đầy đủ, có thể tạm hình dung về nó theo cách mà nhiều chuyên gia vẫn nhắc tới: Những công trình lâu đời, mang giá trị điển hình về kiến trúc và văn hóa, thể hiện đặc điểm xã hội, phong cách quy hoạch, công năng đặc thù hoặc dấu ấn lịch sử của một giai đoạn.

Thực tế, ngoài những kiến trúc thời Pháp thuộc vốn được nhiều người biết tới, nhiều công trình xây dựng mang giá trị điển hình trong giai đoạn sau đó (chẳng hạn như các công trình chịu ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc Xô Viết giai đoạn 1975 - 1986 ở miền Bắc) cũng có thể xếp vào loại hình di sản này.

Và trong xu thế đô thị hóa ở những thành phố lớn, khi mâu thuẫn bảo tồn - phát triển thường xuyên được đặt ra, đã nhiều lần các cuộc tranh luận xuất hiện quanh việc bảo tồn (hoặc xóa bỏ) những kiến trúc đô thị lâu đời nhưng chưa từng được xếp hạng - dù đó là những cây cầu, nhà máy hay tòa nhà công sở cũ...

Không phải ngẫu nhiên khi trong quá trình góp ý hoàn thiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi thời gian qua, nhiều chuyên gia đã nhắc tới sự thiếu vắng của khái niệm di sản đô thị. Như quan điểm của GS Hoàng Đạo Kính, các định nghĩa về di sản đô thị và di sản kiến trúc nông thôn cần sớm được bổ sung trong bộ luật này với các quy định đi kèm - khi mà trên thực tế, đó là những loại hình di sản rất cần được quản lý bởi những bản quy hoạch chi tiết về cải tạo, bảo tồn nhằm đạt tới sự hài hòa trong xu thế đô thị hóa, tránh những mâu thuẫn đối kháng khó giải quyết như từng có.

Mang tính đại diện cho hàng loạt di sản đô thị tại Hà Nội, trường hợp của cầu Long Biên mở ra những vấn đề lớn trong cách chúng ta ứng xử với loại hình này - mà trước hết là sự "chính danh" cần có.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH