Phim 'Con Nhót mót chồng': Vũ Ngọc Đãng 'mót' phim
Sau bộ phim lắm tiền Chị chị em em 2, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trở lại với sở trường làm phim về người nghèo, với Con Nhót mót chồng vừa công chiếu toàn quốc. Việc kể chuyện về tầng lớp dân lao động không phải khó với Vũ Ngọc Đãng, nhưng với một cốt truyện chưa đủ sức nặng như Con Nhót mót chồng, dù có thuận tay mấy cũng đem lại cảm giác như anh đang "mót" sức để làm phim.
Phim được lấy cảm hứng từ web drama Chuyện xóm tui, với hai nhân vật chính là cha con ông Xỉn và Nhót. Chuyện phim bắt đầu khi Nhót phát hiện cô có dấu hiệu mãn kinh sớm. Nhót tức tốc lên kế hoạch kiếm chồng để có được đứa con, nhưng điều này không hề dễ, vì cô đã gần 40 tuổi mà còn chưa có mảnh tình vắt vai.
Về phần ông Xỉn, thấy con gái đau buồn vì chuyện chồng con, ông liền tu tỉnh làm ăn, bỏ rượu để làm người cha tử tế. Hành trình tìm chồng, kiếm con của Nhót diễn ra song song với quá trình Nhót hòa giải với cha - kẻ nát rượu, khiến mẹ cô qua đời.
Cốt truyện kiểu "trong nhà ngoài phố"
Phim này như bản nâng cấp từ web drama Chuyện xóm tui, nên ai chưa xem bản web drama sẽ thấy khó hiểu về xuất thân của các nhân vật. Chẳng hạn vì sao ông Xỉn nghiện rượu lại khiến vợ chết, Nhót và bộ ba Bồi-Đầm-Già làm việc gì để kiếm sống, Mạnh đi tù vì lý do gì… Nhưng đây là chuyện nhỏ, người xem vẫn có thể nắm bắt kịp, vì chuyện phim khá đơn giản, dễ hiểu, hệ thống nhân vật không nhiều.
Phim làm tốt ở khoảnh khắc họa được không khí huyên náo, đầy bất ổn của một xóm lao động nghèo. Bối cảnh, trang phục cho đến lời thoại đều mộc mạc, gần gũi, tự nhiên. Các tình tiết, nhân vật được xây dựng khá "đời". Có điều, các cảnh dân trong xóm chửi lộn, đánh lộn, trộm cắp, tụ tập bài bạc, ăn nhậu, đánh số đề… đưa ra hơi lan man và không nêu được một vấn đề mấu chốt nào để xoáy sâu vào.
Có thể hiểu ê-kíp làm phim không chỉ muốn đề cập mâu thuẫn trong nội bộ gia đình ông Xỉn-Nhót, mà còn muốn mở rộng để nêu lên những nhức nhối đang tồn tại trong cuộc sống của người nghèo. Nhưng sự ôm đồm, mà lại không đào sâu này, khiến phim chưa xứng với tầm của một tác phẩm điện ảnh, lại của đạo diễn đã dạn dày kinh nghiệm như Vũ Ngọc Đãng.
Phim mang tinh thần một tiểu phẩm "trong nhà ngoài phố", khi mà diễn tiến quá dễ đoán, chú trọng nhiều vào yếu tố hài (như tình huống ông Xỉn bị hai gã thanh niên giao hoa đám tang đụng trúng, hoặc chuyện cả xóm bị mời về phường vì tội đánh đề…) hơn là dụng công cho sự phát triển tình tiết, tâm lý nhân vật (như cách Mạnh chuyển từ không ưa sang yêu Nhót, cách giải thích về chuyện vợ con của Mạnh, sự hoàn lương của Nhót…).
Clip trích đoạn ông Xỉn và Nhót chăm sóc cho nhau
Diễn xuất cứu phim
Vì có cốt truyện đơn giản, tình tiết không lắt léo, không "drama", nên phim nương nhờ vào diễn viên rất nhiều.
Nam chính Thái Hòa một lần nữa chứng tỏ nội lực diễn xuất qua vai diễn một người cha thương con, nhưng bất lực với chính bản thân mình. Nhìn dáng đi lom khom, gương mặt nhàu nhĩ, ánh mắt giàu biểu cảm của anh, người xem cảm nhận được sự buông thả, bế tắc của một kẻ nghiện rượu, nhưng lại là một người cha rất đỗi thương con.
Sự nhập vai của anh đã khiến khán giả quên đi việc anh đóng vai cha của Thu Trang (vai Nhót) không mấy hợp lý, vì ngoại hình cả hai chênh lệch tuổi không nhiều. Những cảnh cãi vã cũng như những đoạn tình cảm giữa hai cha con được anh và Thu Trang diễn ăn ý, hòa hợp. Khi hai nhân vật căng thẳng với nhau, khán giả cảm được nỗi bất lực trong việc thể hiện tình cảm với đối phương của ông Xỉn và Nhót. Còn khi hai cha con hòa thuận, người xem thấy vui lây với sự yêu thương, khăng khít của họ.
Diễn xuất ăn ý của Thái Hòa - Thu Trang giúp phim không cần những lời thoại triết lý mà khán giả vẫn nhận ra được điều mà phim muốn nói, đó là sang chấn tâm lý trong gia đình không toàn vẹn, tác hại của rượu càng khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng sâu. Thông điệp phim muốn hướng tới là sửa chữa bản thân, tha thứ lỗi lầm người thân để cùng nhau trở thành phiên bàn tốt hơn của chính mình.
Ngoài Thái Hòa - Thu Trang, các diễn viên phụ như NSND Hồng Vân, Tiến Luật, bộ ba nhóm hài FAP TV Huỳnh Phương - Vinh Râu - Thái Vũ tuy không nhiều đất diễn, nhưng cũng nhập vai tròn trịa, có nét. Đặc biệt những cảnh có NSND Hồng Vân (vai dì Hồng) luôn sinh động, đem lại tiếng cười nhờ diễn xuất duyên dáng của chị như đoạn dì Hồng dạy Nhót cách "cua trai", trang điểm cô dâu cho Nhót, lên sân khấu đám cưới phát biểu.
Nhìn chung, với một câu chuyện dễ hiểu, dễ cảm, thông điệp được truyền tải tốt, phim Con Nhót mót chồng dễ dàng làm mủi lòng những khán giả dễ tính hoặc từng có những trải nghiệm giống các nhân vật. Màn ảnh rộng có thêm tác phẩm nữa khai thác tốt chủ đề gia đình, khoảng cách thế hệ cha mẹ - con cái. Nếu phim này có bội thu từ việc bán vé, thì cũng không có gì lạ, vì đa số khán giả miền Nam có thích câu chuyện này.
Tuy vậy, với những người xem khó tính hơn, có sự kì vọng vào tay nghề cao của Vũ Ngọc Đãng, thì phim "rượu cũ bình mới" này chưa làm thỏa mãn, vì mô-típ trong Bố già, Nhà bà Nữ… vẫn còn thấy phảng phất trong một số tình huống. Chất điện ảnh trong cách kể chuyện, trong từng khung hình cũng còn yếu. Thật sự thì kịch bản này có lẽ phù hợp với quy mô một web drama như Chuyện xóm tui hơn là một tác phẩm chiếu rạp.