Nhiều hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023
Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, toàn thể cộng đồng tham gia hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993.
Năm 2023, với chủ đề: "Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, mương...; trong đó, tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Để đạt được kết quả cao, các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các địa phương lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các chương trình đào tạo; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đồng thời, nhân rộng các gương điển hình, mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường; khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững.
Trước thực trạng đó, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang quản lý 34 trạm quan trắc không khí và một xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục tại khu xử lý chất thải Nam Sơn. Thành phố đưa vào vận hành 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất.
Đáng chú ý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và quận Hà Đông tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, giải quyết dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch; xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công…
Tuy nhiên, trước sự biến đổi khó lường của khí hậu và tốc độ đô thị hóa, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Hà Nội rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội và đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.