Chủ công siêu 'dị' bóng chuyền nữ Việt Nam kiếm sống từ năm 9 tuổi, cuộc sống hạnh phúc với thủ môn bóng đá
Cô ấy là ngôi sao bóng chuyền nữ đặc biệt nhất Việt Nam vì cô ấy làm được điều có đồng nghiệp nào làm được.
Trần Thị Hiền, từ chủ công siêu "dị" đến HLV tài ba của bóng chuyền nữ Việt Nam
Khi nhắc đến những cái tên đã đi vào lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam, không ai có thể bỏ qua Trần Thị Hiền. Cùng thời với những Trần Thị Yến, Bùi Lan Anh, Bùi Thị Hương, Lê Thị Hiền, chủ công sinh năm 1980 này được coi là biểu tượng của bóng chuyền Quảng Ninh sau nhiều năm tháng tung hoành trong màu áo đội bóng chuyền nữ Bưu Điện Quảng Ninh.
Trần Thị Hiền, thường gọi tắt là Trần Hiền, gây ấn tượng cực mạnh với cú đánh "tay chiêu" vô cùng lợi hại. Đánh giá về tay đập nổi tiếng một thời này, cựu danh thủ Đào Hữu Uyển nhận định: "Trần Hiền biết sử dụng khoảng không khá rộng và đủ sức tấn công với các quả bóng khó".
Trong những năm tháng thi đấu đỉnh cao, những quả đập "tay chiêu" đã được Trần Hiền biến thành vũ khí lợi hại, khiến mọi đối thủ phải lo ngại. Bất luận đối phương phòng ngự kiểu gì, đề phòng ra sao, họ luôn cảm thấy khó khăn khi đối đầu với Trần Hiền vì không biết lúc nào cô "tung đòn". Khả năng di chuyển nhanh nhẹn, tốc độ ra tay nhanh và rất kín cùng cái tay trái cực khéo giúp Trần Hiền có thể tung ra những cú đập bất ngờ, làm đối thủ không kịp phòng bị.
Nhiều người hâm mộ bóng chuyền đất Mỏ đến giờ vẫn nhớ như in những pha đánh chồng tại vị trí giữa số 2 và số 3, vốn là vũ khí lợi hại, độc đáo của Trần Hiền, bên cạnh khả năng đỡ bước 1 ổn định và chuẩn xác của cô. Không chỉ sở hữu "đặc sản" đánh trái tay, đỡ bước 1 tốt, Trần Hiền còn có thể chơi tốt cả đối chuyền lẫn chuyền hai và cô được coi là một trong những chủ công đa năng nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Sau khi giải nghệ, Trần Hiền theo chồng (một cựu thủ môn bóng đá của CLB Công An Thành phố HCM) Nam Tiến. Từ đây, sự nghiệp của cô bước sang trang mới. Với những dấu ấn đậm nét để lại khi còn thi đấu đỉnh cao ở miền Bắc trong màu áo Bưu Điện Quảng Ninh hay tuyển Việt Nam, Trần Hiền được mời dẫn dắt CLB bóng chuyền nữ TP HCM với mục tiêu đưa đội này trở lại giải VĐQG.
Sau thất bại đáng tiếc trước Bamboo Airways ở trận chung kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2021 nhằm tranh vé lên thi đấu ở giải VĐQG, cuối cùng đội bóng chuyền nữ TP HCM đã vô địch giải hạng A toàn quốc năm 2022 và giành quyền lên chơi ở giải VĐQG.
Cựu chủ công siêu tay trái Trần Hiền chính là "kiến trúc sư" trong thành công ấy. Nhờ kỷ luật "thép" cùng những điều chỉnh chiến thuật kịp thời và các quyết định chuyên môn sắc sảo khác của cô mà đội bóng chuyền nữ TP HCM đã giành quyền trở lại thi đấu ở giải bóng chuyền hạng cao nhất của Việt Nam.
Trần Hiền trở thành cựu chủ công và cựu tuyển thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam giành chức vô địch với tư cách HLV.
Thành công của Trần Hiền càng đáng kể nếu biết rằng cô phải làm việc trong điều kiện khó khăn trăm bề khi đội bóng chuyền nữ TP HCM thiếu kinh phí đầu tư trầm trọng, cơ sở, trang thiết bị tập luyện cho VĐV không đảm bảo, chế độ dinh dưỡng cho họ cũng không được tốt.
Với tài cầm quân của mình, Trần Hiền đã được trao cơ hội tham gia ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong vai trò trợ lí HLV và cô đã góp phần giúp các tuyển thủ của chúng ta gặt hái nhiều thành công rực rỡ trong năm 2023.
Nhìn lại những thành công nổi bật mà Trần Hiền gặt hái được cho tới thời điểm này, người hâm mộ bóng chuyền càng thêm khâm phục khi biết cô từng trải qua những năm tháng tuổi thơ vất vả, cơ cực.
Năm 9 tuổi, cô đã phải lặn lội dưới ao, hái rau muống mang ra chợ bán, phụ giúp gia đình và kiếm tiền đi học. Bố mẹ Trần Hiền đều là công nhân mỏ than Quảng Ninh.
Do bố mẹ phải đi làm vất vả nên cô bé Trần Hiền phải phụ giúp bố mẹ chăm lo đàn lợn ở nhà từ khi mới 9-10 tuổi. Nhiều khi nhà thiếu rau cho lợn ăn, cô phải leo lên đồi cao để hái rau về.
Chính những năm tháng tuổi thơ phải lao động chân tay vất vả để giúp đỡ bố mẹ lại giúp Trần Hiền không chỉ có ý chí phấn đấu, nghị lực vượt khó phi thường mà còn rèn luyện cho cô một nền tảng thể lực dẻo dai, bền bỉ.
Năm 13 tuổi, một người quen biết với gia đình Trần Hiền thấy cô bé trông rất rắn chắc nên giới thiệu cô đến với bóng chuyền. Lúc ấy, Trần Hiền chỉ nghĩ cô đi đánh bóng chuyền để có thể giúp đỡ cho bố mẹ đỡ khổ, chứ không phải vì đam mê.
Cứ được lĩnh tiền là cô gửi hết cho bố mẹ. Những ngày nghỉ tập, Trần Hiền lại về nhà phụ bố mẹ mang rau ra chợ bán. Thương bố mẹ phải làm việc vất vả, Trần Hiền tự nhủ phải quyết tâm tập luyện để thi đấu thật tốt, giúp đội bóng đạt thành tích cao mới có tiền thưởng mang về cho bố mẹ.
Từ đó, cô bé tay chiêu càng miệt mài rèn luyện các kỹ năng thi đấu và những gì cô gặt hái sau này trong cả sự nghiệp VĐV lẫn HLV chính là trái ngọt của những tháng năm luyện rèn bền bỉ lúc thiếu thời.