Thể thao Việt Nam và chuyện cái sân

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới với 4 nội dung lớn trong đó đối với thể thao thành tích cao, đặc biệt Kết luận nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao, từ đó sẽ góp phần huy động được các nguồn lực xã hội tham gia vào việc phát triển lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, cho dù có tiềm năng nhưng quá trình phát triển thể thao đỉnh cao của Việt Nam luôn bị "tắc" ở dòng tiền hoạt động. Kể cả những môn có tính phổ biến cao, đã chuyển sang mô hình chuyên nghiệp khá lâu như bóng đá, bóng chuyền… thì vẫn ở tình trạng "chạy ăn từng bữa", thi thoảng vẫn có CLB "biến mất" chỉ vì đứt nguồn tài trợ.

Với các môn nặng tính chuyên môn, chuyên "tấn công" vào các đấu trường Asiad hay Olympic thì nếu không có nguồn tiền đầu tư thì sẽ không thể tiếp cận với điều kiện tập luyện tốt nhất. Giải pháp tốt nhất của ngành thể thao là đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài, rất tốn kém nhưng… không còn cách nào khác.

Thế nên khi nhắc đến Kinh tế thể thao, hay nói một cách đơn giản hơn là chuyện kinh doanh trong thể thao, không thể không đề cập đến sự hình thành những CLB chuyên nghiệp. Mà nói đến CLB như một thực thể kinh doanh, thì không thể thiếu việc sở hữu hoặc được giao quyền khai thác cái sân, cơ sở làm ra tiền cho các CLB chuyên nghiệp. Bởi đơn giản, nếu làm thể thao mà cái gì cũng đi thuê thì chẳng thể nào tìm ra được lợi nhuận để đầu tư dài hạn.

Hãy tưởng tượng nếu bây giờ mà Hà Nội có thêm một đội V-League thì không biết sân Hàng Đẫy sẽ được vận hành ra sao. Tất nhiên là ở Hà Nội vẫn còn sân Mỹ Đình, nhưng vì phải đi thuê, thì CLB phải tìm chỗ có giá mềm hơn, dễ tiếp cận khán giả hơn. Điều này đặt ra một vấn đề: chúng ta đang làm bóng đá chuyên nghiệp theo tiêu chí nào khi mà gần như không có CLB nào sở hữu cái sân riêng?

Thể thao Việt Nam và chuyện cái sân - Ảnh 1.

Việc có tới 3 CLB là Hà Nội, Viettel và CAHN cùng sử dụng Hàng Đẫy làm sân nhà như hiện tại là chuyện rất hiếm thấy với bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: Hoàng Linh

Các CLB phải đi thuê sân và gần như chỉ thu được tiền bán vé ở mỗi trận đấu. Họ sẽ không thể có các nguồn thu từ đặt biển quảng cáo cố định, thuê mặt bằng kinh doanh nếu sân nằm ở vị trí đẹp trong nội đô. Hoặc văn phòng trong khuôn viên sân, các dịch vụ giải trí liên quan đến trận đấu hay thậm chí là tiền… giữ xe xem bóng đá chứ chưa nói đến việc cho thuê địa điểm tổ chức các sự kiện lớn như hội chợ, âm nhạc…

Vì không thực sự sở hữu cái sân, nên các khái niệm về "thánh địa" hay nơi sinh hoạt chung của các CĐV, những sự kiện phục vụ nhà tài trợ… trở nên xa xỉ. Trước đây, mỗi tỉnh chỉ có một đội bóng thì không sao, sân bóng lúc đó gần như là 'đại bản doanh" của đội bóng. Nhưng với việc phát triển bóng đá chuyên nghiệp, thì khi phát sinh nhiều hơn 1 CLB, thì mọi thứ trở nên phức tạp. Cứ đội này dùng xong thì phải thu dọn đồ đạc để nhường cho đội còn lại.  Ngay đến hệ thống bảng LED quanh mặt cỏ mà vẫn cứ tháo ra, lắp vào hàng tuần …

Chuyện về cái sân, cho dù hiện tại không cản trở hoạt động của V-League, nhưng nó phản ảnh tính bấp bênh của bóng đá chuyên nghiệp. Rõ ràng, một CLB mà dám đầu tư làm sân cho riêng mình thì họ sẽ có vô số động cơ để làm bóng đá dài hạn và thúc đẩy việc kiếm tiền.

Một sân bóng đúng chuẩn cũng không phải là khoản đầu tư quá lớn. Ở Thái Lan, có đội sử dụng khán đài lắp ráp để tiết kiệm chi phí, vẫn bảo đảm được tiêu chuẩn. Hoặc sân bóng các đội bóng như Union Berlin (Bundesliga), Luton Town (Premier League) chỉ có sức chứa 7.000-10.000 người, khá nhỏ bé và cũ kỹ nhưng vẫn "làm ăn" tốt.

Mô hình tối ưu để cải thiện cơ sở vật chất cho thể thao đỉnh cao ở Việt Nam, có lẽ là hệ thống trường học. Điển hình như giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam thường dùng sân của một trường quốc tế tại quận 7, nơi chuyên biệt cho môn thể thao này.

Các trường học có những cơ chế và điều kiện thuận lợi hơn để xây dựng, kêu gọi đầu tư hoặc hợp tác với tư nhân để khai thác bởi trước mắt là đã phục vụ thể thao học đường, phù hợp với tinh thần của Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024.

Thực tế ở các quốc gia phát triển, thể thao chuyên nghiệp thường bắt đầu từ môi trường Cao đẳng, Đại học vì đó là nơi vừa có thể tạo ra tài năng, vừa có thể tối ưu được công năng của cái sân. 


Long Khang

Link gốc: TTVH