Vụ 'lùm xùm' cắt xét tiền thưởng ở môn TDDC: Đừng để nghèo, rồi...

Vụ cắt xén tiền bữa ăn ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia còn chưa kịp lắng xuống thì ngành thể thao lại có thêm vụ lùm xùm cũng liên quan đến thu nhập của VĐV, lần này ở môn TDDC khi một tuyển thủ quốc gia sau khi tuyên bố chia tay sự nghiệp đã "tố" các HLV của mình "xén" một phần tiền thưởng để đưa vào quỹ chung.

1. Chưa cần bàn đến động cơ, mục đích của việc các HLV, nhà quản lý trực tiếp của VĐV khi "cắt, xén" các khoản tiền ấy, cũng như số tiền nhiều hay ít, thì những hành vi nói trên đều không thể chấp nhận được. Để biết việc này nghiêm trọng đến mức độ nào, hãy quay lại cái gọi là "Hội nghị Diên Hồng" của ngành thể thao mới tổ chức gần đây. Tại đó, khó khăn được nói đến nhiều nhất là tiền, khi ngân sách nhà nước đã không nhiều mà còn phải phân mảnh, thiếu trọng tâm. Với những người làm thể thao đỉnh cao, thì tiền mà thiếu thì thật khó nói đến chuyện vươn tầm.

Vậy mà người ta còn "cắt xén" tiền cơm, tiền thưởng của VĐV. Những khoản tiền này thường được phân bổ theo khung, ba-rem và thông thường thì "vừa đủ" đã là tốt lắm rồi. Nên lấy đi một đồng, là phần thiệt thòi sẽ dồn hết vào VĐV, nhân tố cốt lõi của giấc mơ vươn tầm của nền thể thao nước nhà.

Đặc thù của VĐV thể thao đỉnh cao là gần như chỉ tập luyện và tập luyện. Họ hi sinh tuổi thanh xuân và rất nhiều thứ khác cho những thành tích đem vinh quang về cho đất nước. Họ luôn cần được chăm lo nhiều hơn, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Những việc "cắt xén" ấy, dù là vì lý do gì, có sự đồng thuận chủ động hoặc bị động từ VĐV, cũng không được phép xảy ra.

2. Nhưng điều tệ nhất trong câu chuyện này đó chính là những lý do mà người ta đưa ra để bào chữa. Nói ngắn gọn: vì nguồn tiền phân bổ cho từng môn, từng đội, từng phân môn ở cơ sở quá ít nên mới phải "tạo quỹ" là "cắt" chỗ này một ít, chỗ kia một ít rồi bỏ vào để có nguồn tiền lưu động cho các HLV linh hoạt sử dụng.

Tệ hơn nữa, đây là việc không hề có tính chất cá biệt. Những phát hiện quanh bữa ăn của tuyển trẻ bóng bàn hay lời "tố" của VĐV TDDC Phạm Như Phương chỉ là bề nổi tảng băng. Nó gần như là "luật bất thành văn" mà đôi khi VĐV cũng không thể nhận thức hết được những thiệt thòi của mình để phản ánh sớm đến lãnh đạo hòng có việc giám sát, ngăn ngừa. Các HLV, những "người lớn" trong chuyện này chính là "đạo diễn". Không chỉ là tiền ăn, tiền dinh dưỡng y tế, tiền thưởng mà còn cả việc khai khống hoạt động tập luyện nhằm lấy tiền từ ngân sách để …bỏ vào quỹ.

Câu chuyện cuối tuần: Đừng để Nghèo, rồi... - Ảnh 1.

Thể thao và bóng đá Việt Nam đang cần sự chuyên nghiệp trong quá trình phát triển. Ảnh: Hoàng Linh

Chúng ta hãy tạm đặt giả thuyết các HLV, nhà quản lý không có ý đồ tư lợi trong việc "cắt xén" này, thì mới thấy hết mức độ nghiêm trọng của sự việc. Nếu là tư lợi cá nhân, đôi khi đơn giản là nhân cách của người thầy, kiểu như 'con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng ngược lại, khi cùng lúc nhiều môn thể thao tồn tại các kiểu "cắt xén" như vậy, thì vấn đề đặt ra là: Liệu TTVN "nghèo" đến mức khiến người ta phải "hèn" đi.

Những người có trách nhiệm cần phải làm rõ bản chất thật sự của câu chuyện "cắt xén" này. Chúng ta không thể cứ nói đến giấc mơ Olympic, World Cup, vươn tầm châu Á, thế giới trong khi VĐV thì ăn không đủ chất, thu nhập từ thành tích không đủ sống, HLV thì vừa lo chuyên môn vừa phải tìm đủ cách để "tạo nguồn" theo cái cách mà bất kỳ người làm chuyên môn nào cũng nên cảm thấy hổ thẹn khi lấy đi một phần quyền lợi cơ bản của các học trò dưới tay mình. Đây là những chuyện trên đội tuyển, vậy còn dưới cơ sở, các địa phương thì sao? Cả trò lẫn thầy đều không có sự đủ đầy để chuyên tâm tập luyện thì chúng ta vươn tầm kiểu gì?!

3. Nếu nhìn rộng ra, thì đây là vấn đề của cả nền thể thao với một "đời sống" tủn mủn, vụn vặt. Thật ra, nó được biểu hiện rất rõ trong việc cách mà TTVN "nói chuyện thế giới nhưng cứ phải đứng đầu SEA Games". Không phải tự nhiên mà các đội thể thao, những VĐV rất hăng hái "săn" HCV ở SEA Games. Chúng ta tham gia gần như mọi môn ở SEA Games từ phổ biến hay đặc thù, môn Olympic hay chỉ có ở "ao làng". Đơn giản vì "có HCV là có tiền thưởng", dùng tiền thưởng ấy để "cân đối" cho các hoạt động tập luyện thi đấu quốc tế khác. Đó là chưa kể, vì các khoản tiền "dễ có" ấy ở sân chơi SEA Games mà các VĐV đôi khi phải "diễn" sau các chiến thắng quá dễ dàng để tăng thêm phần kịch tính, cũng là để hi vọng có thêm những nguồn thu nhập khác.

Tư duy ấy đang làm hại TTVN trên con đường vươn tầm và nó là hậu quả của tầm nhìn chiến lược với kiểu đầu tư đại trà, không dũng cảm "bỏ" các mục tiêu thành tích tại SEA Games. Ngân sách nhà nước dành cho thể thao về nguyên tắc chỉ giảm, khó tăng. Cái này thì ở đâu cũng vậy thôi, phần tiền ngân sách chủ yếu nên dành cho cơ sở vật chất vốn rất khó kêu gọi là nguồn lực bên ngoài. Lẽ ra cần phải cân đối dồn lực đầu tư cho các môn trọng điểm, có lợi thế, phù hợp với tiềm năng VĐV Việt Nam.

Miếng bánh ngân sách chỉ có chừng đó, cắt ra nhiều phần thì phần nào cũng phải ít. Ít thì lại sinh ra thiếu và thiếu quá thì lại nghĩ đến những thứ tủn mủn, đôi khi còn dẫn đến những việc tiêu cực "cắt phế" để bồi dưỡng cho HLV, hoặc nặng hơn là VĐV bỏ tiền "mua suất" lên tuyển. Trong sự việc của VĐV Phạm Như Phương, thì cô bất mãn "tố" HLV vì cho rằng chính các HLV đã không có trách nhiệm giúp cô có suất ở đội tuyển trong năm 2024. Mối quan hệ "thầy – trò" trở thành "có qua-có lại" như vậy. Kết quả là niềm tin của xã hội mất, VĐV thì bỏ nghề, HLV mất việc, tai tiếng cho cả ngành.

Câu hỏi bây giờ là liệu ngành thể thao có đủ dũng cảm để nhân các sự việc vừa qua để quyết liệt giải quyết nguồn gốc của mọi sự việc hay không. Bài toán phát triển đỉnh cao trong tầm nhìn châu Á, thế giới phải là tìm cách để "xin" thêm tiền từ ngân sách nhà nước mà là sử dụng đồng tiền không dư dả ấy như thế nào hợp lý và tránh lãng phí. Nói thẳng ra, đừng để vì "nghèo" mà trở nên "hèn" khiến cho tư duy bị co lại, lấy đâu ra thời gian và tâm lực nghiên cứu công nghệ, phương pháp nâng cao trình độ huấn luyện, thi đấu.

Cục TDTT sẽ tổng rà soát các vấn đề liên quan đến công tác huấn luyện của các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia đang tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh (về quân số, cơ sở vật chất, địa điểm tập luyện, trang thiết bị phục vụ tập luyện, điều kiện sinh hoạt...) theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây

Long Khang

Link gốc: TTVH