Khi nghệ sĩ 'dốc lòng' cho đề tài lịch sử
Ít ngày trước, vở kịch lịch sử tựa đề Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, chỉnh lý Võ Tử Uyên, đạo diễn Hoàng Duẩn) ra mắt tại Nhà hát Thanh Niên thuộc công ty Thái Dương và lập tức cháy vé nhiều suất. Thành công bất ngờ này khiến nhiều người nhận ra rằng sân khấu với chủ đề lịch sử dân tộc vẫn có sức hút đặc biệt đối với khán giả, nhất là khán giả trẻ.
1. Nói về việc dùng nghệ thuật sân khấu kể chuyện lịch sử, trước tiên phải nhắc đến thể loại cải lương. Từ trước đến nay, đây vẫn là thể loại được ưa chuộng. Và dù đề tài lịch sử dân tộc hiện kén người xem nhưng trong quá khứ, đã từng có một thời cải lương thuộc dạng này lại rất ăn khách và trở thành kinh điển với một loạt tác phẩm lớn như: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Hiến Thành xử án. Thế nhưng, về sau này, cùng sự suy yếu trong việc đi tìm khán giả của cải lương, mảng đề tài lịch sử Việt Nam cũng thưa thớt dần, dù các đơn vị công lập và tư nhân đều cố gắng duy trì.
Còn bên phía kịch nói, chủ đề lịch sử dân tộc khan hiếm hơn. Ngày xưa, sân khấu IDECAF từng dựng Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, nhưng đã gián đoạn lâu. Bây giờ, phải mất hơn 10 năm, sân khấu của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn mới trở lại với Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử.
Vở diễn nhắc lại một lát cắt trong cuộc đời của Tả quân thượng công Lê Văn Duyệt, người trải qua đời binh nghiệp rất huy hoàng, nhưng khoảng sau cuộc đời ông cũng lắm đắng cay. Thực tế, ông được chôn cất ở một nơi rất quen thuộc với người dân TP.HCM - Lăng Ông Bà Chiểu - nhưng không phải ai cũng biết rõ về danh nhân này. Vì vậy, việc các nghệ sĩ kể về câu chuyện lịch sử liên quan đến ông bằng ngôn ngữ sân khấu là điều cần thiết và hữu ích.
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, ban đầu, ông không dám tin chắc rằng vở diễn sẽ thu hút đông đảo người xem. Dù vậy, Huỳnh Anh Tuấn quyết định đầu tư cho vở diễn bởi đơn giản vì yêu lịch sử dân tộc và chấp nhận thua lỗ. Do đó, thành công của vở diễn là món quà tinh thần vô giá. Và nó đã thúc đẩy ông đầu tư thêm 2 vở kịch lịch sử dân tộc khác - cho dù thông tin về 2 vở diễn này chưa được tiết lộ vì còn trong giai đoạn chỉnh sửa kịch bản.
2. Gần như trong cùng thời gian này, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang công diễn vở Khúc tráng ca thành Gia Định (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ). Suất diễn đầu tiên bán hết vé. Điều này cho thấy rằng chủ đề lịch sử dân tộc không phải là mảng đề tài khô khan, kém hấp dẫn người xem. Sang xuất thứ 2, lượng vé bán ra được 2/3 sức chứa, nên Nhà hát đã chấp thuận đề xuất tạo điều kiện cho sinh viên vô xem để lấp đầy toàn rạp.
Nhiều bạn trẻ xem vở diễn khá xúc động, vì không ngờ lịch sử được kể bằng ngôn ngữ sân khấu hay và đẹp đến vậy. Như chia sẻ, ngày thường, bản thân các bạn sinh viên rất muốn xem cải lương tuồng sử nhưng giá vé khá cao so với khả năng tài chính của họ.
Nói về điều này, tác giả Phạm Văn Đằng nhận xét: "Ngoài vai trò tác giả, tôi còn là nhân viên của Nhà hát Trần Hữu Trang. Trong góc nhìn của cá nhân tôi, tuồng sử vẫn hấp dẫn công chúng. Việc các nhà hát đầu tư vào tuồng sử còn thể hiện trách nhiệm công dân là giúp thế hệ sau hiểu về tiền nhân. Tôi chắc chắn, việc hiểu sử bằng cải lương, kịch nói sẽ là sự bổ trợ lớn với các bài học sử trên lớp".
Phạm Văn Đằng cũng là một người trẻ. Giờ đây, anh đã dành trọn niềm đam mê của mình cho nghệ thuật cải lương, mà đặc biệt là chủ đề lịch sử. Và từ Đằng suy ra vẫn còn nhiều người trẻ mê cải lương về lịch sử Việt Nam. Vấn đề là người làm nghệ thuật có biết cách kể chuyện hấp dẫn hay không?
Theo lời Phạm Văn Đằng, ngoài những sự kiện chính sử cần tôn trọng tuyệt đối tính chính xác, tác giả đã phóng bút, sáng tạo những tình tiết ly kỳ hấp dẫn cho câu chuyện. Hình thức này đã giúp cho cải lương tuồng sử mềm mại và hấp dẫn hơn trong mắt khán giả trẻ.
Từ góc nhìn của tác giả này, đề tài lịch sử Việt Namvẫn có nhiều hy vọng tồn tại trong bối cảnh khó khăn chung. Đoàn tư nhân xã hội hóa thì bấy lâu nay luôn biết cách tồn tại. Riêng đối với đoàn công lập có nguồn kinh phí được cấp định kỳ bởi Nhà nước, việc vừa bán vé vừa tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận - như trường hợp vở diễn Khúc tráng ca thành Gia Định- có lẽlà một giải pháp hợp lý. Bởi, khi niềm đam mê sớm nảy mầm, khi ra trường, những cô cậu sinh viên hôm nay hẳn sẽ không mấy ngại ngần bỏ tiền ra mua vé ủng hộ những vở diễn về đề tài lịch sử.
Và cũng cần nói thêm, hiện nay, hầu như các sân khấu điều có chương trình trình diễn tại các trường đại học, với giá vé ưu đãi. Với sự nhiệt huyết của nghệ sĩ, cũng như sự hào hứng từ các bạn trẻ, nguồn thu từ các vở diễn này không nhiều, nhưng vẫn đủ để chương trình được duy trì và giúp người xem hiểu thêm về lịch sử qua ngôn ngữ nghệ thuật.
"Tôi chắc chắn, việc hiểu sử bằng cải lương, kịch nói sẽ là sự bổ trợ lớn với các bài học sử trên lớp" - tác giả Phạm Văn Đằng.