Paul McCartney và giấc mơ về ca khúc cuối cùng của The Beatles

Hơn 50 năm sau khi The Beatles tan rã, và hơn 40 năm sau cái chết của John Lennon, 1 ca khúc mới từ tứ quái Anh vừa hoàn thiện và sẽ được phát hành vào năm nay - và công lớn nhờ AI (trí thông minh nhân tạo), theo Paul McCartney.

Đầu tiên, cần phải làm rõ: McCartney không đưa vào máy tính 1 đống tài liệu về John Lennon và/hoặc George Harrison, rồi để máy tính nhào nặn ra 1 mớ rẻ tiền, ngớ ngẩn những thứ nhái lại các thành viên The Beatles đã khuất, rồi thêm nếm đôi chút với Ringo Starr - một trong 2 thành viên còn sống cùng với ông.

Quay ngược thời gian

Thay vào đó, như Paul McCartney giải thích với BBC, ông dùng AI để "trích xuất" giọng của John Lennon ra khỏi 1 bản demo cũ rồi sử dụng để hoàn thiện 1 ca khúc nhiều thập kỷ tuổi đời.

Dù McCartney không nêu tên ca khúc, nó có vẻ là sáng tác năm 1978 của John Lennon, mang tên Now and Then. Bản demo là 1 trong vài ca khúc lưu trên băng cát-xét được dán nhãn "Dành cho Paul" mà Lennon làm ít lâu trước khi qua đời vào năm 1980. Vợ góa của Lennon, Yoko Ono, đã trao lại cho McCartney sau này để sử dụng trong dự án Anthology.

Paul McCartney và giấc mơ về ca khúc cuối cùng của The Beatles - Ảnh 1.

Ca khúc cuối cùng của The Beatles sẽ ra mắt vào cuối năm nay

Ca khúc phần lớn được thu âm khi Lennon ngồi trước cây dương cầm ở căn hộ tại New York của ông. Năm 1978, Lennon tạm thời giã từ sự nghiệp âm nhạc để tập trung nuôi dạy con trai Sean. Ông được gọi là "người chồng nội trợ". Ca từ bắt đầu bằng "Anh biết là đúng vậy, tất cả là nhờ em/ Nếu anh có thể vượt qua được, tất cả là nhờ em", là điển hình cho những tình khúc mang âm hưởng hối hận mà Lennon thường viết ở phần sau sự nghiệp.

Ý tưởng sử dụng AI để xây đựng lại bản demo tới từ serie dài 8 tiếng The Beatles: Get Back của đạo diễn Peter Jackson. Trong phim tài liệu này, biên tập lời thoại Emile de la Rey đã sử dụng công nghệ AI để nhận diện giọng nói của các thành viên The Beatles, tách chúng ra khỏi tiếng nhạc cụ hay những tiếng ồn xung quanh.

Cũng chính quá trình này đã cho phép McCartney "song ca" với Lennon trong chuyến lưu diễn gần đây, bao gồm ở lễ hội Glastonbury năm ngoái, và trong các bản phối âm thanh vòm mới cho album Revolver (2022) của The Beatles.

"Jackson có thể trích xuất giọng John (Lennon) từ đoạn băng cát-xét mờ mịt" - McCartney nói - "Ông ấy tách giọng của John và tiếng dương cầm nhờ dùng AI. Thế là, khi chúng tôi bắt đầu làm, ca khúc sẽ là bản thu cuối cùng của The Beatles, nó là từ bản demo John (Lennon) làm và chúng tôi có thể lấy giọng của John, làm cho nó tinh khiết bằng AI. Sau đó, chúng tôi có thể mix bản thu, như thông thường. Chúng tôi có thể quay lại thời gian như vậy".

Paul McCartney và giấc mơ về ca khúc cuối cùng của The Beatles - Ảnh 2.

Công nghệ cho phép Paul McCartney như “song ca” với John Lennon tại lễ hội Glastonbury năm ngoái

Khơi lại 1 dự án dở dang

Now and Then từng được coi là ca khúc tái hợp The Beatles vào năm 1995, khi họ đang biên soạn serie Anthology trải dài sự nghiệp lừng lẫy. Cuốn băng mà Ono trao lại cho McCartney có 4 ca khúc. Ba thành viên còn sống khi đó đã phát hành 2 ca khúc từ đó - Free As a Bird và Real Love - đánh dấu chất liệu "mới" đầu tiên của nhóm trong 25 năm. Ngoài 3 ca khúc kể trên, còn có 1 ca khúc nữa là Grow Old With Me.

Nhưng dù họ nỗ lực ghi Now and Then, phiên thu âm nhanh chóng bị bỏ ngang. Nhà sản xuất Jeff Lynne, người sắp xếp các ca khúc tái hợp, cho biết nhóm đã "rối tung" suốt cả 1 chiều. "Ca khúc có điệp khúc, nhưng gần như thiếu các phiên khúc. Chúng tôi thử làm phần nhạc nền, đó là 1 phần khó khăn mà chúng tôi thật sự không thể hoàn thiện" - Lynne nhớ lại.

McCartney sau đó tiết lộ rằng ca khúc bị gác lại vì George Harrison gọi nó "đồ rác rưởi" và từ chối làm. "Tiêu đề của nó không thật sự hay, cần phải làm lại một chút. Nhưng tôi đã có 1 phiên khúc tuyệt hay và có giọng John Lennon trong đó" - ông nói với Q Magazine - "Nhưng George (Harrison) không thích. The Beatles rất dân chủ, nên chúng tôi đã không làm tiếp".

Một yếu tố khác khiến ca khúc bị bỏ lại là lỗi kỹ thuật trong bản thu âm gốc khi không ngừng vang lên tiếng vo ve từ các mạch điện trong căn hộ của Lennon. Với việc sử dụng AI, McCartney mới lấy được rõ giọng Lennon từ cuốn cát-xét cũ, điều không thể thực hiện được với công nghệ năm 1995.

Năm 2009, 1 phiên bản mới của bản demo, không có tiếng ồn ở nền, bị phát hành qua CD lậu và khiến người hâm mộ suy đoán rằng đó là 1 bản thu âm hoàn toàn khác, đã bị đánh cắp từ căn hộ của Lennon sau khi ông qua đời.

Những năm qua, có nhiều báo cáo rằng McCartney sẽ phát hành phiên bản hoàn chỉnh của ca khúc, và ông cũng thường nói về khao khát này. "Có 1 dự án khác chúng tôi đang làm lại, nhưng George Harrison đã bỏ qua… Dự án này vẫn còn tồn đọng" - ông nói trong phim tài liệu BBC Four năm 2012 - "Thế nên, tôi định hợp tác với Jeff để thực hiện nó. Cần hoàn thành nó, vào 1 ngày nào đó".

Thông tin này đưa ra giữa bối cảnh tranh cãi về việc sử dụng nhạc AI tiếp tục gia tăng, khi những giai điệu giả nhái theo nhiều nghệ sĩ đình đám như Drake, The Weeknd và Kanye West nhận được hàng trăm ngàn lượt phát trực tuyến trước khi bị gỡ khỏi các nền tảng nhạc trực tuyến. Một ban nhạc của Anh thậm chí đã dùng AI để tưởng tượng xem nhạc Oasis sẽ nghe như thế nào nếu họ tái hợp và phát hành album mới vào năm 2023.

Phát biểu tại buổi ra mắt 1 cuốn sách mới và triển lãm ảnh đi kèm tại Phòng Trưng bày Chân dung Quốc gia, McCartney từng bày tỏ sự lo ngại trước một số ứng dụng của AI: "Tôi không lên mạng nhiều, nhưng mọi người nói với tôi: "Ồ, có 1 bản thu mà John (Lennon) hát 1 trong những ca khúc của tôi", và hóa ra nó là AI… Hơi đáng sợ, nhưng khá thú vị, vì nó là tương lai. Hãy cứ xem nó sẽ dẫn tới đâu".

Thử "giải mã" bản thu mới

Holly Herndon, 1 nghệ sĩ đa năng có bằng sáng tác tại Đại học Stanford, đã sử dụng công nghệ AI non trẻ trong album mới nhất của cô, Proto (2019), và phát triển Holly+ - một giao thức trực tuyến cho phép mọi người đăng tải các ca khúc được diễn giải lại, thể hiện qua phiên bản deepfake (giọng giả được tái tạo nhờ AI). Cô đưa ra giả thuyết rằng bản thu của The Beatles có khả năng được tạo ra từ quy trình "tách nguồn".

"Thao tác "tách nguồn" nhờ AI đã trở nên dễ dàng. Nó cho phép trích xuất giọng từ 1 bản thu, cô lập giọng đó để có thể kết hợp với nhạc cụ mới" - cô giải thích - "Điều này hoàn toàn khác với deepfake - việc tạo ra 1 giọng hoàn toàn mới từ những giọng cũ".

An Bình (tổng hợp)

Link gốc: TTVH