Trường ca 'Giao hưởng Điện Biên' của Hữu Thỉnh: 'Mang Điện Biên trong mỗi con người'
Khởi bút sáng tác vào đúng ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/2023 và sau gần một năm, trường ca Giao hưởng Điện Biên (NXB Quân đội nhân dân) của Hữu Thỉnh vừa ra mắt tại Hà Nội. Đây là tác phẩm mà nhà thơ muốn phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Đây là trường ca thứ năm trong sự nghiệp thơ của Hữu Thỉnh, được ông viết ở tuổi 82. Đây cũng là trường ca dài nhất của ông, gồm 21 chương, sau các trường ca nổi tiếng như Đường tới thành phố (5 chương, 1979), Trường ca biển (6 chương, 1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (8 chương, 2016).
Viết về Điện Biên Phủ là điều say mê
Tại sự kiện giới thiệu tác phẩm, nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ: "Viết về Điện Biên Phủ đối với tôi là điều say mê, nhưng đồng thời cũng là việc làm quá sức. Ý định viết về chiến công lịch sử này đến với tôi từ những năm đầu của thế kỷ 21…"
Đó là vào dịp đầu Xuân Tân Tỵ (2001), nhà thơ Hữu Thỉnh có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội cho tác phẩm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà văn Hữu Mai thể hiện.
"Đại tướng rất vui và nói với chúng tôi, đại ý: Cuốn sách được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng chắc sẽ có thêm nhiều người tìm đọc. Đại tướng thăm hỏi ân cần về tình hình văn học, hoạt động của Hội và gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả nhà văn. Trước lúc ra về, tôi được Đại tướng trao tặng tập hồi ức nói trên và nói vui: "Đây là quà năm mới tôi tặng đồng chí" - nhà thơ Hữu Thỉnh nhớ lại.
Hơn 20 năm qua kể từ ngày đáng nhớ ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhiều lần đọc lại tác phẩm nổi tiếng của Đại tướng, tiếp nhận từ đó những giá trị cao quý về vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, về sự lãnh đạo sáng suốt của trung ương, của Bác và đặc biệt là thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để rồi, ông bộc bạch: "Tác phẩm của Đại tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ".
Tình cảm đã rất sâu nặng, nhưng khi thực sự bắt tay vào viết Giao hưởng Điện Biên, tác giả cho biết gặp phải nhiều khó khăn. Như lời ông chia sẻ: "Đó là viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc. Khó hơn nữa là qua 70 năm, sự kiện lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều, khai thác dưới mọi khía cạnh, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới?".
Đó là những vấn đề đặt ra mang tính thách thức đối với nhà thơ Hữu Thỉnh khi viết Giao hưởng Điện Biên. Nhận thức như vậy, trong trường ca này, tác giả đã đặt chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm. Theo Hữu Thỉnh, điều quan trọng hàng đầu khi viết về lịch sử đó là phải tôn trọng sự thật lịch sử.
Đúng như cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Trường ca Giao hưởng Điện Biên của Hữu Thỉnh đã mang lại không chỉ những giá trị của lịch sử, của thi ca, mà nó còn khẳng định mọi sự kiện lịch sử có thể trôi đi rất xa 70 năm, 100 năm và lâu hơn nữa, nhưng các nhà văn, nhà thơ vẫn có đầy đủ khả năng để tái tạo, hồi sinh chúng với những vẻ đẹp kỳ vĩ".
"Thời gian có thể trôi đi, nhưng tất cả vẻ đẹp, sự bi tráng và những bài ca anh hùng của lịch sử vẫn trở lại khi nó được nhìn nhận, tôn trọng và yêu quý. Với Giao hưởng Điện Biên, có thể nói, nhà thơ Hữu Thỉnh đã trở thành một người lính đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cho dù năm đó ông chỉ mới 12 tuổi. Ông đã phục dựng lại toàn bộ cuộc chiến đấu, chiến thắng kỳ vĩ này bằng những câu thơ đẹp đẽ, xúc động, sâu sắc và đầy tính lan tỏa".
Giá trị của một pho sử nghệ thuật
GS Phong Lê nhận định: "Giá trị lớn nhất của Giao hưởng Điện Biên, theo tôi, đó là giá trị của một pho sử nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là một pho sử được viết không kém, thậm chí còn hơn một nhà chép sử. Bởi tác giả gần như không để sót bất cứ một sự kiện, một diễn biến, một địa danh, một nhân chứng, một tên đất và tên người nào có liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ".
Đó là những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Bản Kéo, Nậm Rốm, Mường Phăng, đồi A1… Đó là những nhân vật hoặc nhân chứng như các tướng lĩnh ở các đại đoàn, trung đoàn cho đến các binh nhất, binh nhì…; đó là những con người đã làm nên lịch sử như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tạ Quốc Luật, Tô Vĩnh Diện… Về phía địch gồm đủ cả Henri Navarre, René Cogny, Christian de Castries…, còn có cả vợ của Christian de Castries với món quà gửi chồng là cuốn tiểu thuyết và bức thư thả dù, được phía ta cho phép cầm cờ trắng sang nhận về, cũng được nhắc đến trong trường ca.
Và đặc biệt, đó là danh sách một "binh chủng tinh thần" ở chương 20 gần như không thiếu một tên tuổi nào trong giới văn nghệ sĩ, gồm đủ thơ, văn, nhạc, họa… đi theo kháng chiến.
Theo GS Phong Lê: "Đây là đóng góp rất lớn của Hữu Thỉnh, một bổ sung rất cần thiết để có được một sưu tập đầy đủ chân dung và đóng góp của giới văn nghệ sĩ ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lẽ, Hữu Thỉnh là người đầu tiên đã thống kê và tổng hợp được binh chủng tinh thần này trong Giao hưởng Điện Biên".
Còn nhà phê bình Khuất Bình Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, Hữu Thỉnh đã vượt qua những thách thức lớn khi phải xử lý những sự thực lịch sử mang tầm vóc sử thi. Giải quyết quan hệ giữa tự sự và cảm xúc, Hữu Thỉnh đã dụng công dựng lên đầy đủ và khá chi tiết bức tranh của chiến trường Điện Biên. Đồng thời, Giao hưởng Điện Biên còn nổi bật là sản phẩm của một thi sĩ có những khoảng lặng cảm xúc thật đáng quý.
Đó là cảnh Thu trên núi rừng Việt Bắc khi nghe được tiếng heo may luồn trong gối: "ta bước vào Thu Đông năm thứ 8/ lá rụng dày thêm nỗi nhớ nhà/ heo may se sẽ luồn trong gối/ ta nhìn Việt Bắc ngắm mây xa". Có khi là cảnh đượm nghĩa tình quân dân, vội là thế, gian nan là thế, mà vẫn nhờ người tìm hộ chiếc khăn piêu: "ta lên với nghĩa tình Tây Bắc/ tre nứa thêm thương những bản nghèo/ tuýp xôi dúi vội hơi còn ấm/ nhờ ai tìm hộ chiếc khăn piêu".
Hoặc, cảnh đào chiến hào giữa lòng chảo Điện Biên, chỉ nhận ra đồng đội qua đôi mắt: "cuốc suốt đêm vang, tiếng cuốc/ như trái tim ta đập bốn bề/ nhìn nhau chỉ nhận ra đôi mắt/ nụ cười rạng rỡ - lá thư quê". Rồi, cảm xúc hạnh phúc nghẹn ngào của người lính khi chiến trường im tiếng súng: "ta muốn lên đỉnh núi nào cao nhất/ gọi thật to hai tiếng "mẹ ơi"!/ năm mươi sáu ngày đêm lửa máu/ hôm nay ta giành lại nụ cười".
Có những đoạn thơ giàu cảm xúc là vậy, song theo nhà phê bình Khuất Bình Nguyên, do chịu sức nén quá lớn của một trận đánh vĩ đại, với hàng nghìn nhân vật và sự kiện có thật phải phản ánh, nhiều khi phải xô theo những sự kiện bề bộn, nên những dòng thơ trữ tình còn hơi ít trong Giao hưởng Điện Biên.
Ông bày tỏ: "Tôi mong mỏi có thêm những đoạn thơ tâm tình như thế để hiểu rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam, một điều lý giải nhẹ nhàng cho chiến thắng".
Nhưng quan trọng hơn hết, theo Khuất Bình Nguyên, trường ca sử thi thường có bi có tráng. Giao hưởng Điện Biên có nhiều tráng hơn bi. Câu kết của trường ca, Hữu Thỉnh viết: "một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ mang Điện Biên trong mỗi con người". Đây có lẽ là tư tưởng nghệ thuật và điều nhắn gửi của tác giả với tất cả chúng ta.
Hoặc nói cách khác, Hữu Thỉnh với quan niệm Điện Biên trong mỗi con người và trân trọng tất cả những ai đã có mặt ở trận đánh lịch sử, ông đã không bỏ sót một ai để hợp thành bản trường ca này.
"Với Giao hưởng Điện Biên, có thể nói nhà thơ Hữu Thỉnh đã trở thành một người lính đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cho dù năm đó ông chỉ mới 12 tuổi. Ông đã phục dựng lại toàn bộ cuộc chiến đấu, chiến thắng kỳ vĩ này bằng những câu thơ đẹp đẽ, xúc động, sâu sắc và đầy tính lan tỏa" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.