Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?!

Cũng giống như ở các thuộc địa châu Phi, Việt Nam trước đây từng trở thành "thiên đường săn bắn" của giới thực dân. Phía sau những bức ảnh tư liệu này là một quá khứ đau lòng.

Việt Nam sở hữu một hệ sinh thái tự nhiên vô cùng phong phú và theo cách nói như hiện nay là có hệ động thực vật vô cùng đa dạng. Giá trị của nó đã lưu lại dấu ấn trong sử sách, trong các vật phẩm cung tiến cho phương Bắc, hoặc trong quà cáp của triều đình với khách nước ngoài là sừng tê, ngà voi, ngọc trai…

Đối với cư dân bản địa, các loại chim thú trên rừng hoặc hải sản dưới sông, biển đều là nguồn thức ăn quan trọng nên săn bắn, đánh bắt vẫn là một kỹ năng của các cư dân, nhất là miền rừng núi, ngay cả khi việc trồng trọt và chăn nuôi đã trở nên rất phổ biến. Việc bảo vệ môi trường, trong đó có việc bảo đảm không để cạn kiệt nguồn sống từ thiên nhiên, chỉ được thể hiện trong các tập tục hoặc tín ngưỡng của các cộng đồng…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 1.

Hổ bị thợ săn bản địa giết ở Thanh Hóa

Thú vui thực dân, vương giả

Cho đến khi nước ta bị thực dân Pháp cai trị thì trong con mắt của những kẻ thực dân từ phương xa tới, hệ sinh thái nhiệt đới với những loại chim thú khác lạ và hoang dã càng kích thích thú săn bắn vốn có của người phương Tây. Cũng giống như ở các thuộc địa châu Phi, Việt Nam cùng trở thành "thiên đường săn bắn" của giới thực dân. Các trang du ký viết về vùng Viễn Đông hấp dẫn; sự kiện loài chó hoang dã trên đảo Phú Quốc được thuần hóa đem qua trưng bày ở Bách thú Paris, rồi 2 năm liền giật giải quán quân chó săn ở Bruxelles (Bỉ); hoặc loài chim trĩ hiếm hoi bắt được tại Huế được cơ quan khoa học Pháp công bố (1882)… càng hấp dẫn giới thực dân chính quốc nhìn xứ Đông Dương, trong đó có nước ta, như là một "thiên đường săn bắn".

Trong thời kỳ đầu cai trị, người Pháp coi những loài thú hoang dã như mối đe doạ cho an ninh, nên khuyến khích cả người Pháp và người bản địa diệt hạ. Hấp dẫn giới đi săn đến Đông Dương là các loài thú lớn như voi, tê giác, bò tót, hổ, báo... Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng cho người Âu ở các vùng núi cao, khí hậu ôn hòa như Langbian (Đà Lạt), Măng Đen (Tây Nguyên), Bà Nà (Đà Nẵng) và lan ra phía Bắc như Bạch Mã, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Sapa… càng thu hút giới săn bắn tìm đến.

Chính quyền Đông Dương cũng coi săn bắn là một thú vui vương giả, nên các vị khách như thái tử Nga, hoàng tử Thuỵ Điển… đến xứ sở này đều có chương trình săn bắn. Giới thượng lưu bản địa, kể cả các hoàng đế An Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây như Khải Định hoặc Bảo Đại đều ham muốn cầm súng đi săn…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 2.

Một con hổ bị bắt, năm 1937

Nhen nhóm việc quản lý

Nhưng rồi từng bước, với sự khuyến cáo của giới khoa học, cũng như những chính sách của các quốc gia châu Âu nhằm tránh nguy cơ tuyệt chủng của một số loài, việc săn bắn cũng từng bước được quản lý bằng pháp luật.

Năm 1891, ở Nam kỳ, chính quyền đã ban hành quy định bảo vệ một số loài chim hiếm như cò bạch (aigrette), cò già (marabout), hồng hạc (flamant)… rồi việc săn voi cũng được để mắt tới. Năm 1911, Bộ Thuộc địa Pháp đã ban hành quy chế nhằm bảo tồn một số loại động vật hoang dã ở các thuộc địa. Năm 1915, tháng Giêng Ất Mão, hoàng đế Duy Tân ban đạo dụ quy định đối với một số loài chim thú chỉ được phép săn bắn từ 15/10 của năm trước đến 1/3 (Tây lịch) của năm sau, kèm theo những quy định về hình phạt vi phạm…

Cho đến ngày 7/4/1927, tổng thống Pháp Gaston Doumergue ký sắc lệnh ban hành "Quy chế săn bắn ở Đông Dương", với 49 điều, tựa như một đạo luật quy định khu vực được phép và không được phép săn bắn do toàn quyền Đông Dương quyết định và các điều khoản khác về thời gian được săn bắn, việc cấp phép, chế tài phạt, quyền của dân bản địa, số thú được săn…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 3.

Hổ bị các tay săn thực dân bắn hạ

Bất chấp những quy định trên giấy…

Tuy nhiên, bất chấp những quy định trên giấy, tình trạng săn bắn vẫn diễn ra rất náo nhiệt đã làm cạn kiệt nguồn thú của xứ sở này. Bằng chứng rõ nhất là loài tê giác châu Á một sừng (rhino unicornis) vốn rất nhiều ở Đông Nam Á. Theo mùa nó từ Miến Điện di chuyển sang vùng rừng núi Việt Nam. Thế kỷ XVIII, vua Louis XVI của Pháp từng được vua Xiêm tặng một cái sừng loài thú này.

Vincent Piétrie, một nhà tự nhiên học, đồng thời cũng là tay săn sừng sỏ, đã công bố rằng: kỷ lục bắn hạ được nhiều tê giác nhất xứ Đông Dương thuộc về tay săn Velzel khi hạ được 12 con, tiếp đó là Cruppi (6 con) và Tassard (4 con)... Giá thu mua (nguyên con) của các quầy thuốc người Tàu ở Chợ Lớn là 600 đồng một picul (tạ ta, 60,5kg) vào năm 1926 và gấp 10 lần vào năm 1944 (không thấy giá của sừng). Con tê giác cuối cùng được ghi nhận bị giết là tại đồn điền Santa Maria mà người bắn có tên là Didier. (Dẫn theo Họa báo Đông Dương, ngày 21/12/1944).

Cuối năm 1944, đài "Radio Saigon" thông báo phát hiện một con tê giác tại B'Lao (Bảo Lộc) và dự đoán còn tồn tại 20 con, nhưng cũng tiên đoán rằng nửa thế kỷ sau sẽ tuyệt chủng. Đúng như vậy, năm 1988, tin tức một con tê giác xuất hiện ở Cát Tiên đã thu hút giới bảo vệ động vật hoang dã cả thế giới cùng Việt Nam dõi tìm, đến tháng 5/1999 thì chụp được tấm hình đầu tiên… Nhưng rồi hơn 10 năm sau (4/2010), người ta đã tìm thấy xác của con tê giác này còn nguyên vẹn sau khi bị một phát đạn bắn hạ, duy chỉ có cái sừng là… không còn! Đó cũng là thông tin khẳng định loài tê giác này đã tiệt chủng, ít nhất là ở Việt Nam.

Có một cái "mốt" của thời thuộc địa là việc bắn hạ các loại thú hoang dã được coi là chiến công nên có nhiều ảnh chụp. Xin giới thiệu về một hiện tượng này… như một nỗi đau đã qua.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 5.

Da hổ và chân voi - chiến lợi phẩm của một tay săn thực dân

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 6.

Một con báo bị giết

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 7.

Trâu rừng bị thợ săn thực dân bắn hạ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 8.

Một trâu rừng bị thợ săn Tây bắn hạ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 9.

Một con hươu bị bắn hạ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 10.

Một con gấu bị giết

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 11.

Nụ cười của tay săn thực dân bên xác voi

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 12.

Một con voi bị bắn hạ. Hình in trên bưu ảnh

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 13.

Da hổ được căng phơi để bán

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 14.

Căng da báo

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 15.

Da, sừng, ngà các loại động vật hoang dã thành vật trang trí nội thất

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 16.

Bắt cá sấu lấy da ở Mỹ Tho

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 17.

Hoàng Hậu Nam Phương cũng có thú săn bắn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 18.

Vua Khải Định có thú vui săn bắn trong đại nội

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 19.

Da hổ và sừng trâu được bày bán

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 20.

Quảng cáo phim chụp ảnh với thú săn bắn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 21.

Dùng ô-tô vận chuyển thú săn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 96): Từng là một 'thiên đường săn bắn' của giới thực dân?! - Ảnh 22.

Bán dạo da hổ báo… trên đường phố Sài Gòn

QXN

Link gốc: TTVH