Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (kỳ 4 & hết): Tạo sức bật để về đích thành công

Tăng cường nguồn lực đầu tư; cân đối tỷ lệ vốn ngân sách phù hợp; đơn giản hóa thủ tục hành chính; bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác... Đó là những giải pháp - và cũng là nhiệm vụ - chủ yếu để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần sự phối hợp giữa các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Được hưởng mức ưu đãi cao nhất

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công nghiệp văn hóa Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: Với ngành ngân hàng, việc tham gia phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với các vấn đề về tài chính, cụ thể là tín dụng, cho vay của ngân hàng và các chính sách hỗ trợ khác như lãi suất.

Theo ông Hà, Việt Nam có 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp văn hóa cần được phân nhánh cụ thể để xác định là ngành kinh tế mới hay thuộc nhóm các ngành kinh tế hiện hành. Từ đó, ngành ngân hàng có thể nghiên cứu số liệu thống kê, theo dõi và đánh giá một cách hiệu quả, đề ra chính sách phù hợp.

"Hiện tại, đang có 5 ngành ưu tiên theo khuyến khích của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định riêng hướng dẫn về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, ví dụ bây giờ là lãi suất 4%. Với ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể tham khảo cách thức triển khai như thế" - ông Phạm Thanh Hà nói - "Nếu đã xác định đây là một ngành ưu tiên nữa thì có thể đưa nó vào khung ưu tiên của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn phù hợp về cho vay, lãi suất tương tự như 5 lĩnh vực ưu tiên chúng ta đang có".

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (kỳ 4 & hết): Tạo sức bật để về đích thành công - Ảnh 1.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 cho thấy tiềm năng lớn về văn hóa của các di sản công nghiệp như nhà máy xe lửa Gia Lâm

Cũng theo ông Hà, liên quan đến phạm vi của các tổ chức tín dụng, để phát triển công nghiệp văn hóa cần nguồn lực vay vốn từ các ngân hàng. Thực tế, quan hệ đi vay và cho vay là quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chung, còn quyết định cho vay là của các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp làm văn hóa. Nếu mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần được ưu tiên hơn, có thể tham khảo những gói đang triển khai, ví dụ như gói 120.000 tỷ đồng. Đó là nguồn lực của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn và để các tổ chức tín dụng triển khai.

"Nếu như xác định ngành công nghiệp văn hóa hoặc một cấu phần nào đó thuộc ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên, cần có ngân sách nhất định từ phía hệ thống ngân hàng, thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp để triển khai tương tự như các gói đã triển khai" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, ở Việt Nam hiện nay, chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá có 12 ngành, và từng ngành cũng có cách tiếp cận, thu hút nguồn lực khác nhau, phương thức khác nhau và có thể có định hướng phát triển riêng. Có những ngành hiện nay đã huy động được nguồn vốn khu vực tư nhân, xã hội hoá lớn, Nhưng một số ngành, lĩnh vực lại cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, như phát thanh, truyền hình.

"Đối với việc huy động nguồn lực, lĩnh vực văn hoá là một trong những ngành được xã hội hoá, và theo như ưu đãi hiện nay thì được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hoá sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành"  - bà Ngọc nói - "Đối với ngành công nghiệp văn hoá, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện các giải pháp: Xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá sự đóng góp của ngành công nghiệp văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các cuộc điều tra thống kê để thu thập thông tin. Tiếp nữa là xây dụng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin cho các cơ quan".

Ngành xuất bản duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20 -30% là xuất bản phẩm điện tử; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 7 bản/người/năm.

Dành gói tín dụng ưu đãi để tạo sức bật

Tại Hội nghị toàn quốc về Công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DLvà các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có các chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

Đó có thể coi là một tín hiệu vui, tạo sức bật cho chiến lược ngành văn hóa đặt ra: Đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội trở thành hiện thực; tiếp tục giúp các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển một cách bền vững, đa dạng, đồng bộ và hiện đại, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Đây là mong muốn của không chỉ những người làm việc trong ngành văn hoá, mà còn là mong muốn chung của tất cả người dân trong cả nước!

Một số mục tiêu trọng tâm đến năm 2030

Năm 2030, ngành điện ảnh phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD). Nghệ thuật biểu diễn phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 31 triệu USD. Du lịch văn hoá đạt doanh thu chiếm 10 - 15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phấn đấu doanh thu đạt khoảng 125 triệu USD. Thủ công mỹ nghệ phấn đấu toàn ngành đạt mức kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD.

Phần mềm và các trò chơi giải trí phấn đấu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt 50 tỷ USD, trong đó doanh thu ngành trò chơi giải trí (game) đạt 1 tỷ USD. Ngành thiết kế phấn đấu doanh thu từ thị trường thiết kế đạt giá trị khoảng 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lãi suất kép đạt 5%.


Phạm Huy

Link gốc: TTVH