Làm gì để tuồng 'bén rễ' vào đời sống?
Việc đưa các yếu tố trong nghệ thuật tuồng vào đời sống hiện nay đang giúp loại hình sân khấu truyền thống này đến gần hơn với giới trẻ. Nhưng cách tiếp cận ấy nên được triển khai thế nào để đủ hấp dẫn và hợp lý?
Đây là nội dung chính tại tọa đàm Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại vừa diễn ra ít ngày trước tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội.
Nguy cơ "lạc lối"
Trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, có nghệ sĩ nước ngoài hỏi họa sĩ Triệu Minh Hải: Tuồng của Việt Nam có gì hay, đặc sắc so với kinh kịch Trung Quốc? Như lời anh, câu hỏi ấy cho thấy một thực tế: Khi đến từ một nền văn hóa phương Tây, nhiều người không dễ phân biệt được 2 loại hình kịch hát này.
Theo họa sĩ này, âm nhạc trong tuồng là thứ khó tiếp cận đối với thế hệ trẻ. Những tích truyện trong tuồng thường gắn với lịch sử, trong đó, nhiều vở tuồng lấy bối cảnh lịch sử Trung Hoa. Ngôn ngữ biểu đạt trong tuồng cũng sử dụng nhiều từ Hán Việt. Để hiểu được tuồng, người xem phải có sự am hiểu nhất định về lịch sử. Việc phải chủ động tìm hiểu lịch sử để có thể xem hiểu các vở tuồng càng khiến cho khán giả trẻ cảm thấy ngần ngại khi đến với nghệ thuật này. Vô tình, khoảng cách giữa tuồng với khán giả hiện đại ngày một xa.
Thậm chí, theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (Đức nhà sàn), nhiều khán giả trong nước cũng từng nhầm lẫn tuồng với kinh kịch. Bởi khi biểu diễn, nghệ sĩ của cả 2 sân khấu đều vẽ mặt nạ lên mặt. Đồng thời, 2 môn nghệ thuật này đều có sự quy định chặt chẽ về màu sắc, đường nét thể hiện trên gương mặt đối với từng loại nhân vật chính hay phản diện.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều loại hình giải trí lên ngôi, rất ít người dành sự quan tâm tới tuồng. Vì thế, một hệ quả đáng buồn đã và đang xảy ra: Nhiều khán giả cũng chẳng buồn phân biệt sự khác nhau giữa tuồng và các loại hình nghệ thuật khác - để rồi dễ dàng đánh đồng khái niệm "tuồng" cho nhiều loại hình kịch hát sân khấu khác nhau.
Và như lời của 2 họa sĩ này, giới sáng tạo cần phải chọn lọc những yếu tố khác nhau cấu thành nghệ thuật biểu diễn tuồng để ứng dụng vào đời sống đương đại. Nói cách khác, để dễ dàng hiện diện trong đời sống của khán giả trẻ, tuồng phải phối kết hợp với những loại hình nghệ thuật giải trí, các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mà các bạn trẻ quan tâm, thưởng thức, hoặc sử dụng hàng ngày.
Khai thác chất liệu cũ, đưa vào tác phẩm mới
Trên hành trình nghiên cứu điểm khác nhau giữa tuồng và kinh kịch, họa sĩ Triệu Minh Hải cho biết: Điểm khác biệt lớn nhất - và đặc trưng nhất - của tuồng nằm ở âm nhạc. Từ đó, tận dụng chất liệu âm nhạc trong tuồng, anh cùng các cộng sự đã phối kết hợp với dàn nhạc hiện đại phương Tây, sản xuất nên một số sản phẩm âm nhạc có giao thoa giữa Đông và Tây, kim và cổ.
Như lời Hải, khó khăn lớn khi thực hiện dự án này xuất phát từ sự khó tương đồng trong hình thức thể hiện của 2 dàn nhạc: Nếu như dàn nhạc phương Tây yêu cầu sự chuẩn xác cao, đánh nốt nào phải chuẩn nốt đấy, thì dàn nhạc dân tộc lại đề cao tính ngẫu hứng nhiều hơn.
Không gợi mở quá nhiều chi tiết về dự án âm nhạc lần này, anh Hải chỉ cho biết thêm rằng, mình sẽ công bố sản phẩm vào tháng 4 tới đây. Qua đó, khán thính giả sẽ tự tìm được câu trả lời cho việc giải quyết sự "bất đồng" giữa 2 trường phái âm nhạc phương Tây và phương Đông.
Ở góc độ khác, theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, yếu tố thu hút nhất và cũng là dễ ghi nhớ trong tâm trí người xem nhất chính là mỹ thuật. Trong quá trình sáng tác các tác phẩm trên tường tại phố bích họa Phùng Hưng, hay không gian nghệ thuật Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), anh đã lồng ghép vào trong đó nhiều nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Thế nhưng, họa sĩ này vẫn trăn trở khi chưa có một tác phẩm riêng để tôn vinh nghệ thuật tuồng.
Chính vì vậy, trong dự án bích họa sắp tới, anh lên kế hoạch kết hợp nghệ thuật graffiti - hình thức vẽ tranh trên tường của phương Tây với mặt nạ và trang phục trong tuồng của Việt Nam. Anh cũng chia sẻ thêm, các sinh viên của anh cũng đã được hướng dẫn và thực hành đưa các yếu tố về phần hình ảnh trong biểu diễn tuồng vào các sáng tác tranh lụa. Điều này giúp dễ dàng tiếp cận tuồng với người yêu thích mỹ thuật hiện đại. Từ đó, thôi thúc họ dành sự quan tâm nhiều hơn tới nghệ thuật truyền thống.
Còn họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức kể trong quá trình thực hiện phim Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông đã mời được những diễn viên về hướng dẫn cho các diễn viên trong đoàn phim những động tác, thế võ, điệu bộ giống trong tuồng. Bởi ông cho rằng, ở tuồng có sự quy định rõ ràng về tính cách, biểu đạt của từng nhân vật. Và việc kế thừa những trình thức biểu diễn này không chỉ mang lại sự phong phú trong diễn xuất của diễn viên mà còn khơi gợi trí tò mò, mở ra cơ hội tìm hiểu về tuồng cho khán giả.
Đưa tuồng lên không gian mạng
Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn, Nhà hát Tuồng Việt Nam, việc đưa tuồng vào biểu diễn tại một số trường phổ thông, đại học, cao đẳng có đạt hiệu quả tích cực, nhưng vẫn chỉ tiếp cận một số đối tượng khán giả trẻ nhất định. Do vậy, nghệ thuật tuồng cần mở rộng phạm vi quảng bá trên không gian mạng qua các trích đoạn ngắn để giúp khán giả tự trang bị một số kiến thức nhất định về loại hình này, từ đó biết trân trọng các tác phẩm nghệ thuật như điện ảnh, mỹ thuật… có ứng dụng chất liệu tuồng.