Chữ và nghĩa: Trí khôn và trí tuệ

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về cuộc thi có tên "Hoa hậu Trí khôn Việt Nam 2023". Mọi người phản ứng vì cái tên của cuộc thi này "có vấn đề" (về mặt ngôn ngữ). Thật ra đây chỉ là tên tiểu phẩm vui (có tính chất hỗ trợ) trong cuộc thi Micro bay - Gương mặt MC nhân văn.

Chính việc lan truyền hình ảnh và một đoạn clip nhỏ (cắt một phần đầu của tiểu phẩm khi các thí sinh trình diễn áo dài) đã gây hiểu nhầm là có một cuộc thi hoa hậu mới.

Bức xúc của dư luận đã được giải tỏa. Nhân đây, tôi muốn bàn về tên gọi cuộc thi hoa hậu "giả định" này, để lý giải vì sao cụm từ "hoa hậu trí khôn" lại gây bão mạng.

"Trí khôn" là một từ đặc biệt. Đó là một kết hợp nửa Hán (trí 智)+ nửa Việt (khôn).

Trước hết, ta thử tìm hiểu ý nghĩa của từ "trí khôn" qua một số từ điển tiêu biểu:

Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập, 1951) định nghĩa: trí khôn - Trí biết suy nghĩ, biết ứng-phó với thời-cuộc (VD: nhờ có trí khôn mà giống người làm chủ được vạn vật).

Tự-điển Việt-Nam, II (Lê Văn Đức, 1970) định nghĩa: trí khôn - dt. Sự hiểu-biết, biết phân-biệt mọi điều tốt, xấu, nên, hư. (VD: Trí khôn sắp để dạ nầy/ Có công mài sắt có ngày nên kim - ca dao).

Chữ và nghĩa: Trí khôn và trí tuệ - Ảnh 1.

Hình ảnh tiểu phẩm Hoa hậu Trí khôn Việt Nam gây hiểu nhầm. Ảnh chụp màn hình

Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, 1977) định nghĩa: trí khôn - Khả năng hiểu biết. (VD: Bảy tuổi đã bắt đầu có trí khôn).

Đại Từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, 1998) định nghĩa: trí khôn - dt. Khả năng nhận thức, suy nghĩ và hiểu biết (VD:  mất trí khôn).

Như vậy, qua các thời kỳ, cách sử dụng từ "trí khôn" tựu trung là "khả năng hiểu biết, biết phân biệt điều tốt xấu và biết ứng phó với thực tế".

Có thể coi cuốn Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Hoàng Phê chủ biên), xuất bản gần đây nhất (2020) có định nghĩa phù hợp với cách sử dụng hiện nay của từ này: trí khôn - d. khả năng suy nghĩ và hiểu biết. (VD: mất trí khôn; không đủ trí khôn để ứng phó; Con tôi lớn rồi, nó có trí khôn của nó… Ý nó muốn sao xin cứ để nó liệu lấy! - Anh Đức).

[Riêng từ "khôn" (Hán Việt, đồng âm) có nghĩa chỉ "tên của một trong hai quẻ trong bát quái (càn 乾 và khôn 坤, càn tượng trưng cho trời, khôn tượng trưng cho đất). Còn với tư cách một từ thuần Việt, "khôn" có nghĩa chỉ ai đó "có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có." (Từ điển tiếng Việt, 2020, đã dẫn)].

Giả sử như có ban tổ chức cuộc thi nào muốn hướng tới các người đẹp (ngoài thể hình) còn mang tính trí tuệ (cái đẹp bên trong) mà dùng từ "trí khôn" sẽ không ổn. Có thể, mọi người muốn dùng từ "trí tuệ" (cùng trường nghĩa với "trí khôn")? Là một từ Hán Việt, trí tuệ 智慧 có nghĩa là "sự hiểu biết, sự thông thái, sự anh minh" (của ai đó). Còn sự kết hợp "hoa hậu trí khôn" là một kết hợp vừa "cọc cạch" về cấu trúc, vừa không phù hợp về ngữ nghĩa.

"Trí khôn" chỉ dùng trong những trường hợp thông thường (phạm vi hẹp), không nên dùng trong những trường hợp có sắc thái trang trọng (như "trí tuệ"). Con trâu khéo léo, mưu mẹo (trong truyện ngụ ngôn Việt Nam) chỉ có thể nói với con hổ ngu ngốc kia là "Trí khôn của ta đây!" chứ không thể nói "Trí tuệ của ta đây!"

Cũng vì thế mà việc dùng cụm từ "hoa hậu trí khôn" để đặt tên cho một tiểu phẩm mang tính hài hước, gây cười là một cách sử dụng ngôn ngữ thú vị, độc đáo, đắc địa.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Link gốc: TTVH