Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Học được rất nhiều điều từ 'Những đứa trẻ trong sương'
Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (kết thúc cuối tuần qua), phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn: Hà Lệ Diễm) đã đoạt giải Phim hay nhất của hạng mục Phim châu Á dự thi. Đây là phim tài liệu đầu tay của Hà Lệ Diễm, với nhiều thành tích đáng nể trước đó, như lọt vào danh sách rút gọn Top 15 đề cử Phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023.
Câu chuyện của Di, câu chuyện của những gia đình người Mông, câu chuyện về những phong tục của họ nhận được sự quan tâm, sự tò mò đặc biệt. Khán giả tò mò về phim, về những gì diễn ra trên phim và về cả những thứ diễn ra bên ngoài phim ấy! Hà Lệ Diễm đã rất thành công trong việc khơi gợi sự tò mò ấy của khán giả.
Vì câu chuyện đặc biệt của phim Những đứa trẻ trong sương và tính "vùng biên" của phim tài liệu - theo nghĩa thường ít được chú ý - báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà làm phim Hà Lệ Diễm.
* Chào Hà Lệ Diễm, sau khi giành hàng chục giải thưởng và nhiều thành tích đáng nể khác tại các liên hoan phim tài liệu trên thế giới, thì cuối cùng phim của bạn cũng đã công chiếu và giành giải tại Việt Nam. Cảm xúc của bạn thế nào?
- Khi phim được ra rạp, tôi vui lắm! Có những thời gian cả đoàn phim đều nghĩ sẽ rất khó khăn để có thể làm được điều này. Mọi thứ cứ rối tinh lên, từ kinh phí, đến những vấn đề kỹ thuật! Nhưng rồi, phim đã được chiếu, tôi đã có cơ hội lắng nghe rất nhiều chia sẻ về phim này. Tôi nhận thấy mọi người đã có cái nhìn rất tình cảm cho phim, tiếp nhận những vấn đề văn hóa dù rất khác môi trường, khác ngôn ngữ, một cách rất cởi mở, cũng rất từ tốn.
* Đối với một phim tài liệu, nhân vật và đời sống của nhân vật vô cùng quan trọng. Diễm đã thực sự gặp nhân vật Di như thế nào?
- Vào năm 2017, tôi theo chân các bạn lên vùng núi phía Bắc để tổ chức các buổi workshop cho các bạn nhỏ người Mông ở Sapa với nhiều chủ đề khác nhau, có thể vẽ tranh, chụp ảnh hoặc quay phim. Tôi gặp bố Di, anh ấy là một người rất vui tính, rộng mở. Bố Di đã đồng ý cho tụi tôi ở lại nhà. Tôi bắt đầu đến ở nhà Di.
Trong những ngày ấy, Di là đứa trẻ đầu tiên trong bản đến nói chuyện với chúng tôi, với những câu hỏi: Tại sao chị đến đây? Tại sao chị lại đi cấy lúa? Tại sao thế này, tại sao thế kia… Di chia sẻ nhiều câu chuyện của Di. Di tò mò với mọi thứ. Di cũng là đứa trẻ đầu tiên trong bản rủ tụi tôi đi chơi cùng. Di hay chủ động đưa các anh chị đến những nơi đẹp, những nơi mà tụi trẻ con hay chơi với nhau, với những trò chơi con nít.
Đi theo Di, chơi cùng Di và các bạn, càng quan sát Di, tôi càng nhớ về tuổi thơ của mình, mình cũng từng có một tuổi thơ hồn nhiên như thế, nhưng rồi bỗng dưng tuổi thơ biến mất tự khi nào. Vậy là, tôi muốn làm một phim tài liệu về tuổi thơ, tò mò xem Di sẽ lớn lên như thế nào? Từ một cô bé hồn nhiên thế Di lớn lên sẽ tỏa sáng ra sao và có những tính cách gì? Tôi đã nói chuyện với Di, Di cũng rất tò mò về điều đó, vậy là Di đã đồng ý để tôi thực hiện.
* Đó là Di, còn những nhân vật khác trong phim thì sao?
- Thực sự là tất cả đều tò mò, muốn biết phim sẽ như thế nào. Bố mẹ Di thi thoảng lại hỏi tôi đợt tới sẽ lên quay gì, rồi rủ tôi đi làm cùng, đi chơi cùng, đi ăn cỗ cùng nữa.
Bộ phim được quay trong hơn 3 năm, mỗi năm tôi lên đó 5-6 lần, mỗi lần ở nhà Di dài nhất là khoảng 1 tháng.
Thế nhưng, không phải là quay liên tục trong 1 tháng ấy, mà quay rất ít. Thời gian chủ yếu tôi dành cho việc đi ăn, chơi, thi thoảng nấu ăn cho gia đình…
Thực sự quãng thời gian dành cho việc quay ít thôi, thời gian dành để nói chuyện, nghe chuyện với mọi người nhiều hơn. Khi nào nghĩ ra cái gì quay thì sẽ quay, còn không thì tôi cứ đi cùng, chơi cùng mọi người, tận hưởng cuộc sống trên Sapa với không khí trong lành! Cũng nhờ những chuyến đi chơi như thế, tôi đã tìm hiểu được rất nhiều tập tục, nhiều câu chuyện hay.
* Phải chăng vì thế mà câu chuyện trưởng thành của Di đã được kể gắn liền với những khía cạnh liên quan đến văn hóa, tập tục của bà con người Mông ở Sapa, nằm ngoài dự liệu từ ban đầu?
- Quả thực, ban đầu tôi chỉ tập trung vào Di và đi theo chân Di thôi. Nhưng qua những chuyến đi, gặp gỡ nói chuyện với mọi người, thì tôi lại được giới thiệu rất nhiều về những phong tục của cộng đồng. Bản thân tôi cũng tìm thêm nhiều sách, các tài liệu khác nhau để đọc và tôi cũng có nhiều bạn người Mông, nên tôi có thể hỏi thêm các bạn.
Có một điều rất thú vị, mọi người ở quanh bản của Di đều rất nhiệt tình mỗi khi tôi hỏi về một điều gì đó, không phải chỉ bố mẹ Di, mà rất cả mọi người đều cùng nhau giải thích cho tôi hiểu về mọi thứ. Mọi người kể về nghi lễ kết hôn của người Mông, giải thích về tục kéo vợ. Chỉ cần tôi hỏi là mọi người xúm vào để trả lời, nhiều khi cũng thấy vui và buồn cười lắm… nhưng nhờ thế, tôi học hỏi được rất nhiều, biết thêm được rất nhiều điều.
* Trong phim có nhiều cảnh đẹp, nhiều câu thoại rất thơ, giàu cảm xúc, bên cạnh những cảnh vô cùng khốc liệt. Diễm coi Di như chị em, như gia đình, điều đó hẳn đã khiến ống kính của Diễm cũng bị cuốn theo những cảm xúc ấy khi quay phim?
- Khi thực hiện Những đứa trẻ trong sương, tôi vừa mới học xong một khóa làm phim tài liệu. Tôi mới 24-25 tuổi và có rất ít trải nghiệm cuộc sống. Thực sự, khi ở cùng với gia đình Di, tôi cũng đã học được rất nhiều điều. Tôi nhận ra rằng, hóa ra cuộc sống thực sự có nhiều góc độ khác nhau. Mọi thứ không hoàn toàn là tốt hoặc xấu, là trắng hoặc đen, mà có nhiều góc độ phức tạp. Không có ai hoàn toàn tốt, mà cũng chẳng có ai toàn cái xấu… từ lúc đó tôi nhận thấy rằng cuộc sống vốn dĩ là thế, phức tạp nhưng nó là thế!
Khi lắng nghe mọi người, quan sát mọi người, tôi hiểu được về cuộc sống, hiểu hơn về suy nghĩ, ước mơ của mọi người. Chính bởi thế, tôi giữ rất nhiều phần trong phim chỉ để nghe mọi người nói. Câu chuyện của mọi người rất quan trọng, nên tôi muốn bản thân mình cũng như khán giả, được lắng nghe những câu chuyện, những quan điểm khác nhau. Mà ngẫm lại, tôi thấy mình cũng học được nhiều thứ từ Di, dù tôi lớn tuổi hơn Di. Vào một ngày đẹp trời, Di nói với tôi rằng: "Bây giờ Di nghĩ ra rồi, tại sao bố mẹ cứ hay cãi nhau, bình thường Di rất buồn và nghĩ rằng đó là do mình, nhưng Di thấy đấy thực ra là vấn đề của bố mẹ, bố mẹ tự giải quyết!". Lúc đó, chính Di đã nhận ra, chuyện của bố mẹ Di thực ra là chuyện bình thường của mọi cặp đôi. Cảm giác của những đứa trẻ lớn lên ở những gia đình hay cãi nhau có thể khiến những đứa trẻ hay tự đổ lỗi cho mình, nhưng khi nhận ra rằng đó không phải thế, thì hẳn là đứa trẻ ấy đã thực sự trưởng thành hơn. Tôi thấy tôi học được điều đó từ Di, tự nhiên thấy bản thân mình thoải mái hơn, tập trung cho mình, làm việc cho mình nhiều hơn.
* Sao tôi lại nhìn thấy sự trưởng thành của cả Di và Diễm trong hành trình này?
- Đúng đấy! Hai chị em đã cùng nhau lớn lên!
Cổ tích sau màn ảnh
Ngoài đời thực, Di đã có một cái kết tạm… thở phào. Di đã gặp và kết hôn với một người xuất phát từ tình yêu. Họ cùng mẹ mưu sinh bằng chính nghề dệt vải, nhuộm tràm truyền thống của dân tộc Mông.
Đặc biệt hơn, sau khi xem phim về chính cuộc đời mình, Di chia sẻ rất vui: "Chồng em, sau khi xem xong phim này đã rất ủng hộ em phát triển bản thân mình. Em vui vì chồng xem lại quá khứ mà không mắng, không tỏ thái độ, mà còn khuyên mình phát triển bản thân. Em nhận thấy, dù mình là cô gái vùng cao, nhưng mình vẫn có được quyết định của riêng mình, không nhất định phải theo bố mẹ, hoặc phải nhìn vào những điều người khác nói".
* Tại sao bạn lại lựa chọn một cái kết phim gây nhiều tò mò đến thế, khi Di đặt chân sang thế giới người lớn đầy hoang hoải, cô đơn?
- Hơn 3 năm quay phim cùng Di, tôi đã nghĩ rằng chỉ đến đúng khi Di bước một chân sang thế giới người lớn, mình sẽ ngừng quay. Và điều đó xảy ra vào năm 2020, khi Di nhận được một học bổng của tổ chức phi chính phủ của Úc, Di bắt buộc phải nghĩ về tương lai, phải chọn lựa. Lúc ấy, em nhìn thấy Di đã trưởng thành, không cần mình nữa! Đã đến lúc phim phải dừng quay!
Với những thước phim quay được, cấu trúc phim của phim hình thành khi ở trong phòng dựng. Tôi và những cộng sự của mình đã chọn cái kết dừng ở đó, bởi tôi nhận thấy phim của mình rất khiêm tốn, nó chỉ kể có thể kể một phần cuộc đời, một phần câu chuyện rất thú vị của Di, chứ không có tham vọng kể hết những điều thú vị của cộng đồng người Mông.
Khi chọn cách kể theo chân một cô bé, tôi cố gắng để bộ phim của mình diễn ra dễ hiểu nhất, giúp khán giả dễ dàng nhìn nhận, chuyện gì đang xảy ra với cô bé, cô bé đang phải đối mặt với những gì? Và khi đã thực sự đi theo hành trình ấy cùng Di, mình cũng muốn để lại một cảm giác cho khán giả xem phim, để mọi người tò mò về Di sau này.
* Vậy là tới giờ, phim nào của bạn cũng giành nhiều giải thưởng, từ phim tài liệu ngắn "Con đi trường học". Với bạn, những giải thưởng ấy quan trọng như thế nào?
- Tôi làm phim tài liệu vì quá mê điện ảnh, mê tài liệu, nhưng khi phim đầu tay được giải thực sự tôi không hình dung ra được giải thưởng mà mình giành được lớn như thế nào. Khi các anh chị trong ê-kíp nói giải thưởng đó lớn lắm, quan trọng lắm, thì tôi mới thấy mình may mắn, vì đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Ngay trong dự án phim tài liệu đầu tay, tôi đã nhận được những sự giúp đỡ từ quá nhiều người. Mọi người giúp mình từ những điều nhỏ bé nhất như là lắng nghe mình than vãn, càm ràm, đến những người đã đồng hành cùng mình, giúp mình cả một chặng đường dài. Khi hoàn thành phim, chị Thảo có nói để phần mở đầu "… một bộ phim bởi Hà Lệ Diễm", nhưng tôi chỉ nhận là quay phim và đạo diễn thôi, vì phim của tôi đã nhận được sự đóng góp của quá nhiều người. Nhìn thì là phim độc lập đó, nhưng những điều mọi người góp phần tạo ra rất quan trọng và rất lớn, chính vì thế - một chữ "bởi" thôi cũng là quá to, tôi không nhận được.
* Là một sinh viên báo chí, ra trường bạn bắt đầu con đường làm phim tài liệu. Chính nhà sản xuất Trần Phương Thảo nhận định: Bạn rất hợp với làm phim tài liệu. Đến giờ, bạn nhận thấy con đường mình chọn đi như thế nào?
- Đúng là tôi thấy con đường làm phim tài liệu rất hợp với mình. Bản thân tôi rất thích làm phim, nhưng sức mình lại có giới hạn, tôi chỉ có thể cầm những chiếc máy quay nặng 3-4 kg thôi. Có những chiếc máy nặng 6-7 kg, lắp ống kính vào quay rất đẹp, rất đã, nhưng mà tôi không cầm nổi, nên đành chịu…
Nhưng dù chỉ là một chiếc máy nhỏ, việc mình có thể tự cầm một chiếc máy, một chiếc micro, rồi dành thời gian cho nhân vật của mình, cho câu chuyện của mình, được học, được hiểu mọi người... đó là điều tuyệt vời. Tôi nhận thấy việc làm phim tài liệu, thời gian mình dành cho nhân vật là rất quan trọng.
Khi làm xong, nếu là phim tốt, thì có thể mở ra cánh cửa để mọi người thấu hiểu nhau một cách rất sâu sắc, mở ra một cơ hội để đối thoại bình tĩnh và từ tốn. Có những phim tài liệu khi mình xem xong mình phải thốt lên, tại sao lại có thể hay như thế, xem mà nước mắt cứ chảy dài. Chính những thứ ấy giúp mình kết nối với chính mình rất nhiều, mình cũng có thể kết nối với những vùng đất mà có thể mình chưa từng đặt chân tới.
* Cảm ơn Hà Lệ Diễm!
Kết quả LHP châu Á Đà Nẵng
*Hạng mục Phim châu Á dự thi:
- Giải phim hay nhất: "Những đứa trẻ trong sương" (Children of the mist)
- Giải đặc biệt của BGK: "World war III"
- Giải đạo diễn xuất sắc nhất: Kavich Neang (White building)
- Giải diễn viên Nam chính xuất sắc nhất: Mohsen Tanabandeh (World war III)
- Giải diễn viên Nữ chính xuất sắc nhất: Juliet Bảo Ngọc Doling (Tro tàn rực rỡ)
- Giải kịch bản xuất sắc nhất: Saim Sadiq, Maggie Briggs (Joyland)
* Hạng mục Phim Việt Nam dự thi:
- Giải phim hay nhất: "Nhà bà Nữ"
- Giải đặc biệt của BGK: phim "Đêm tối rực rỡ"
- Giải đạo diễn xuất sắc nhất: Trấn Thành (phim "Nhà bà Nữ")
- Giải diễn viên Nam chính xuất sắc nhất: Huỳnh Kiến An, (phim "Đêm tối rực rỡ")
- Giải diễn viên Nữ chính xuất sắc nhất: Nhã Uyên (phim "Đêm tối rực rỡ")
- Giải biên kịch xuất sắc nhất: Nhã Uyên, Aaron Toronto (phim "Đêm tối rực rỡ")