Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier

Trong mảng khảo cứu về Bắc kỳ, Gustave Dumoutier được xem là nhân vật tiên phong và ghi dấu ấn bằng nhiều khảo cứu có giá trị. Trong những trước tác đồ sộ của ông, Tang lễ của người An Nam được coi là công trình công phu và toàn diện nhất về tang lễ của người Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Bản dịch tiếng Việt biên khảo Tang lễ của người An Nam (NXB Thế giới, Nhã Nam) vừa được ra mắt gần đây tại Hà Nội. Sự kiện ra mắt có sự tham gia của PGS-TS Bùi Xuân Đính, PGS-TS Trần Trọng Dương và tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn.

Tái hiện chân thực các nghi thức tang lễ

Nghiên cứu về cấu trúc văn hóa, xã hội Việt Nam truyền thống cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trải rộng ở nhiều chủ đề khác nhau như tập tục, tín ngưỡng, tôn giáo, các thiết chế chính trị… Riêng tang lễ là một chủ đề được rất ít các học giả Pháp tìm đến và nghiên cứu, nên Gustave Dumoutier là một trường hợp hiếm hoi. Rõ ràng ở đây phải có lý do để ông chọn nghiên cứu về tang lễ của người Việt.

Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier - Ảnh 1.

Học giả Gustave Dumoutier (1850 - 1904)

Theo PGS-TS Phạm Xuân Đính, trước hết tang lễ là một trong những nghi thức quan trọng của vòng đời. Đối với một nhà nghiên cứu dân tộc học như Gustave Dumoutier thì nghi thức vòng đời sẽ là mối quan tâm lớn.

Ông Đính lý giải, tang lễ là một trong nghi lễ đánh dấu bước cuối cùng của chu trình đời người, mà chu trình đời người ở bất cứ tộc người nào cũng trải qua 4 giai đoạn: sinh - trưởng - lão - tử. Mỗi giai đoạn này đều có những nghi lễ đánh dấu như lễ cúng mụ, lễ trưởng thành, lễ mừng thọ và tang lễ.

Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier - Ảnh 2.

Từ trái qua: PGS-TS Bùi Xuân Đính, PGS-TS Trần Trọng Dương (giữa) và tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn

Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, tang lễ của người Việt ở Bắc kỳ sở dĩ được Gustave Dumoutier chú ý đến chính là do nó hội tụ được các mối quan hệ của con người. Việc nghiên cứu tang lễ nhìn ra được một đời sống xã hội rất sinh động, mà cụ thể là ở mối quan hệ của người sống với người chết, của người sống với nhau. Quan trọng hơn, nghi thức tổ chức tang lễ còn là sự hội tụ của tín ngưỡng, tôn giáo, tập tục và văn hóa.

TS Mai Anh Tuấn lại cho rằng, Gustave Dumoutier đã "đọc vị" được tâm lý của người Việt. Tuy trong bối cảnh xã hội, kinh tế không quá giàu có, nhưng họ lại rất nỗ lực để thực hiện được những nghi thức tang lễ khá chu đáo và đầy đủ. Nó cho thấy người Việt rất muốn có một đời sống thế tục được an toàn bằng việc luôn cần đến tổ tiên phù trì, bảo trợ trong cuộc sống thực tại. Mà muốn được như vậy, rõ ràng phải có hành vi thực hiện các nghi thức tang lễ thực sự cẩn thận và trọn vẹn.

Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier - Ảnh 3.

PGS-TS Bùi Xuân Đính tại sự kiện ra mắt sách Tang lễ của người An Nam

"Ở phần 2 của cuốn sách, Gustave Dumoutier tập trung vào linh hồn sau cái chết và luân hồi theo quan niệm của người Việt. Việc người Việt hình dung hoặc tưởng tượng ra có một thế giới sau khi chết, tôi cho rằng quyết định rất nhiều hành vi họ tổ chức tang lễ. Điều này vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong xã hội hôm nay. Tức là chúng ta luôn luôn có một nỗi ám ảnh, thậm chí là sợ hãi về việc có một linh hồn sau khi chết. Nỗi sợ hãi đó thể hiện một khao khát, nhu cầu thường trực là một sự bảo trợ về đời sống thế tục" - ông Tuấn dẫn giải.

Với mối quan tâm như vậy, trong Tang lễ của người An Nam, Gustave Dumoutier đã tái hiện chân thực cách thức thực hiện các nghi lễ trong một đám tang kể từ khi một người đang hấp hối tới lúc ngừng thở, từ khi nhập quan cho đến lúc chôn cất cùng hàng loạt lời kinh, bài khấn, câu chú, bùa phép để xua đuổi ma quỷ. Thậm chí, cả những ghi chép về việc linh hồn sau khi chết sẽ về đâu, diện mạo các tầng địa ngục thế nào, các phiên xử án dưới địa ngục ra sao đều được tác giả mô tả chi tiết.

Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier - Ảnh 4.

Cuốn “Tang lễ của người An Nam”

Đa ảnh hưởng các yếu tố văn hóa

Đánh giá về đóng góp của Tang lễ của người An Nam, TS Mai Anh Tuấn cho rằng, thông qua những hình dung về một đám tang, các nghi thức tang lễ được khảo tả chi tiết, tác giả đã cho thấy các lớp văn hóa của người Việt, có lớp bản địa, có lớp ảnh hưởng từ bên ngoài và cả tâm tính, điều kiện xã hội của người Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Cụ thể, "công trình đưa tới cái nhìn về "mạng lưới" rất phức tạp các vấn đề Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo trong quan niệm của người Việt khi thực hành tổ chức tang lễ. Đó là mạng lưới mà rõ ràng người Việt đã sống trong một khí quyển ở thời điểm qua nhiều thế kỷ luôn có sự va chạm và pha trộn các tín ngưỡng bản địa với các yếu tố văn hóa từ bên ngoài" - ông Tuấn nói.

Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier - Ảnh 5.

Một minh họa bùa chú trong sách “Tang lễ của người An Nam”

Lý giải về việc người Việt thực hiện các nghi thức tang lễ với sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa bản địa, các yếu tố văn hóa từ bên ngoài như Nho - Phật - Đạo, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính cho biết, trong đám tang của người Việt trước hết hội tụ những tín ngưỡng nổi bật như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thổ địa.

"Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là yếu tố thường trực chi phối mạnh mẽ tới cuộc sống của mỗi người Việt. Cho nên, khi gia đình có người chết, nghi lễ đầu tiên đó là phải kính cáo, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Trong nhiều trường hợp, sau khi đã kính cáo tổ tiên trong nhà phải sang nhà thờ chi, họ để cúng cáo. Trong quá trình tổ chức tang lễ, bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng có hương và nến được thắp. Chỉ đến khi linh cữu rời đi thì thắp nén hương cuối cùng" - ông Đính dẫn chứng - "Còn đối với yếu tố thờ thổ địa, khi một thành viên trong xóm mất, thì người trong xóm phải ra thắp hương ở miếu xóm. Còn nữa, khi rước linh cữu ra ngoài bãi tha ma cũng phải thắp hương trình ông thổ địa ở nghĩa địa".

Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier - Ảnh 6.

Một minh họa về lễ đưa tang trong sách

Đối với sự ảnh hưởng của các tôn giáo, yếu tố nổi bật nhất mà Gustave Dumoutier khảo tả rất tỉ mỉ đó là Đạo giáo. Theo Phạm Xuân Đính, ảnh hưởng của Đạo giáo trong đám tang của người Việt thể hiện rõ nhất ở ông thầy cúng. "Chuẩn bị nhập quan, ông ta phải làm một vài động tác xua đuổi ma quỷ ở trong quan tài như việc lấy con dao cùn gõ quanh thành quan tài hoặc rải thêm bộ tam cúc vào trong áo quan, cùng với việc phải đọc các thần chú. Ông ta còn phải xem giờ khâm niệm, giờ nhập quan, giờ đưa đám… Ra đến nghĩa địa, ông thầy cúng cũng phải làm những nghi lễ, những động tác để trừ ma tà ở khu vực nghĩa địa". Hoặc về các bùa chú của Đạo giáo cũng được Gustave Dumoutier khảo tả rất kỹ.

Ngoài ra, ảnh hưởng của Phật giáo hoặc Nho giáo cũng thể hiện ở nhiều nghi lễ, hành vi khác nhau trong quá trình tổ chức tang lễ của người Việt. Ông Đính cho biết, ảnh hưởng của Phật giáo, nổi bật nhất có thể kể tới nghi thức các vãi cầm phướn bắc cầu để vong được về với cõi Phật. Còn ảnh hưởng của Nho giáo, điển hình có thể kể đến vai trò của hội tư văn trong việc đảm nhiệm tế lễ, soạn điếu văn, văn tế hoặc soạn câu đối để viếng người chết.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính còn cho biết thêm, còn có rất nhiều yếu tố tín ngưỡng của các tộc người khác nhau như Mường, Thái, nhóm Môn - Khmer… xen vào, trở thành một yếu tố văn hóa trong đám tang của người Việt.

Lộ rõ các lớp văn hóa từ khảo cứu của Gustave Dumoutier - Ảnh 7.

Cuốn "Tiểu luận về dân Bắc Kỳ"

Ông Đính lấy ví dụ: "Chúng ta có thể để ý trên bàn thờ người chết luôn có 2 cây chuối còn lá và búp chồi lên. Ở đây, cây chuối thể hiện cho vòng đời ngắn ngủi nhưng sớm được tái sinh như các cụ chúng ta tổng kết: "Trẻ trồng na, già trồng chuối". Thêm nữa, trên linh cữu của người chết không bao giờ đặt bán hương sứ, mà phải là bát hương làm từ thân cây chuối cắt ngang. Hoặc nếu đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ta sẽ thấy có một khu nhà mồ xung quanh là rừng chuối, cho thấy quan niệm của các tộc người Tây Nguyên lấy cây chuối là biểu tượng của vòng đời".

Trong khi đó, PGS-TS Trần Trọng Dương cho rằng, cấu trúc chung của một xã hội Việt Nam trong quá khứ, lấy Nho giáo làm nền tảng, hòa quyện với những yếu tố của Phật giáo, Đạo giáo và những nét tín ngưỡng dân gian đã ảnh hưởng đến toàn bộ thiết chế xã hội và tập tục. Từ đó, nó tạo nên một cấu trúc đa biểu tượng trong trình tự nghi lễ để đưa người chết sang thế giới bên kia. Trong Tang lễ của người An Nam, tuy Gustave Dumoutier không nêu ra cụ thể song các khảo tả đã thể hiện rõ điều này.  

Ông Dương ví dụ, trong sách toàn bộ quy trình thờ cúng, nghi lễ đều được mô tả trong các sách của Nho giáo như Thọ Mai gia lễ, Hồ thượng thư gia lễ… Đây đều là những cuốn sách có những ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt, nhất là các thực hành nghi lễ tang ma.

Hoặc về Phật giáo có hàng loạt những sách về bùa chú được sử dụng có niên đại ít nhất từ thế kỷ 17, 18, xa hơn là nguồn gốc từ thời Trần như Tam giáo chính độ thực lục, Thích Ca hành táng… Những cuốn này hướng dẫn việc chôn cất theo các nghi thức của Phật giáo. Như vậy để thấy trong suốt cả nghìn năm, việc tam giáo thịnh hành ở Việt Nam cũng đã tạo nên một sự giao thoa văn hóa, đặc biệt là trong văn hóa nghi lễ tang lễ.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương, Tang lễ của người An Nam là một khảo tả mang tính chất học thuật của một học giả phương Tây nhìn từ bên ngoài vào văn hóa của Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Với sự khảo tả chi tiết, cuốn sách này cho ta một lớp niên đại tương đối chắc chắn và có tính hệ thống về tang lễ của người Việt. Nó cũng là cơ sở để chúng ta soi chiếu với hệ thống văn hóa phong tục hiện nay, còn và mất những gì? Ở khía cạnh này, khảo cứu của Gustave Dumoutier vừa hữu ích cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, vừa góp ích trong việc tư vấn, định hướng cho đời sống văn hóa cơ sở trong xã hội ngày nay.

Vài nét về học giả Gustave Dumoutier

Gustave Dumoutier là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự đáng kính của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.

Ông sinh ngày 3/6/1850 tại Courpalay, Pháp, ông từng học tại Hội Khảo cổ vùng Seine-et-Marne. Năm 1886, sau khi tham gia khóa học Việt ngữ và Hán ngữ tại Học viện Quốc gia về ngôn ngữ và văn minh Đông phương, Gustave Dumoutier sang Đông Dương làm phiên dịch cho Paul Bert khi ấy là Tổng trú sứ Bắc và Trung kỳ.

Ngoài công trình Tang lễ của người An Nam, ông còn có nhiều khảo cứu giá trị trên các phương diện như quan hệ thương mại cổ giữa Đông Dương với Nhật, về chùa chiền ở Hà Nội, về Trấn Vũ quán, về thành Cổ Loa, về thành nhà Mạc, về những truyền thuyết lịch sử liên quan đến xứ Bắc kỳ, về những biểu tượng và khí cụ thờ cúng, về phù thuật và bói toán…

 

Công Bắc

Link gốc: TTVH