Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006-2010 và 2022-2026).
Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Dấu ấn 20 năm
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 20/9/2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên chính thức gia nhập Công ước 2003.
Từ đó cho đến nay, UNESCO đã ghi danh 15 di sản của Việt Nam vào các danh sách (bao gồm 14 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 1 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp). Các di sản được ghi danh phân bổ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước với nhiều chủ thể là đồng bào các dân tộc khác nhau.
Công ước 2003 quy định nhiều nội dung, trong đó có xác định các biểu hiện văn hóa là di sản văn hóa phi vật thể, phân loại di sản văn hóa phi vật thể, vai trò, sự tham gia của cộng đồng chủ thể và các quốc gia vào hoạt động bảo vệ, kiểm kê di sản; thực hiện báo cáo, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, quỹ quốc tế bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và nhiều nội dung quan trọng khác.
Hằng năm, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước sẽ xem xét Hồ sơ đề nghị của các quốc gia thành viên để ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể vào các danh sách: Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Danh sách các địa chỉ thực hành tốt về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO đều phải có Chương trình hành động và Kế hoạch bảo vệ di sản khi trình Hồ sơ. Theo chu kỳ, các nước thành viên tham gia Công ước đều phải báo cáo với Ủy ban liên Chính phủ Công ước về tình trạng di sản, các hoạt động bảo vệ di sản. Ủy ban Liên chính phủ sẽ xem xét, đánh giá các báo cáo này vào các kỳ họp.
Theo Cục Di sản văn hóa: Với các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp và chỉ đạo các địa phương có di sản thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết. Cụ thể, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đối với từng di sản. Các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các dự án, đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo các giai đoạn khác nhau. Thực hiện các cam kết của Việt Nam với UNESCO, tất cả các di sản văn hóa phi vật thể thuộc các danh sách của UNESCO đều đã có hoặc đang xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia.
Trường hợp đăc biệt nhất phải kể đến là Hát Xoan Phú Thọ năm 2011 đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Năm 2015, Tỉnh Phú Thọ đã đưa Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong đề án phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 với hai sản phẩm là “Hát Xoan làng cổ” và “City tour”. Với Hát Xoan làng cổ, du khách được trải nghiệm các điệu Xoan tại các ngôi đình cổ của Phú Thọ, do chính các nghệ nhân dân gian cùng phường Xoan trực tiếp biểu diễn. Cho đến nay, hai sản phẩm này đã thu hút được đông đảo du khách trong nước, quốc tế tham gia trải nghiệm...
Và đến năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Hát Xoan Phú Thọ của Việt Nam đã chính thức trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết: Việt Nam được coi là điển hình mẫu mực trong thực hiện bảo tồn các không gian văn hóa phi vật thể, gắn với phát triển du lịch, xã hội. Trường hợp của Hát Xoan Phú Thọ cho đến nay vẫn là sự kiện thể hiện rõ nét nhất kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ một di sản có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp, di sản đã được thực hành tốt, tạo được sự lan tỏa, thể hiện sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng...
Lần đầu chủ thể tự lan tỏa giá trị di sản
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Phú Thọ và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức lễ Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhân Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ. Việc tổ chức lễ kỷ niệm nằm trong Kế hoạch triển khai hoạt động của Thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 của Việt Nam, góp phần tăng cường phối hợp với UNESCO và các cơ quan, tổ chức, quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy việc thực hiện Công ước, nâng cao năng lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Đặc biệt, Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh cũng diễn ra từ ngày 21 - 24/4 với sự tham gia của các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể ở một số tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể.
Cục trưởng Cục Di sản Lê Thị Thu Hiền khẳng định: Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Hoạt động này góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, trong đó nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá”.
Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, các ngành xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới, với những nội dung chính: "Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới...".
Từ đó có thể thấy rằng, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch, góp phần “biến di sản thành tài sản” nếu biết khai thác hiệu quả, giá trị từ văn hóa hóa mang lại sẽ đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. |
Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh cũng là sân chơi mà lần đầu tiên các cộng đồng chủ thể di sản tự thực hành trình diễn, tuyên truyền, quảng bá di sản trong không gian văn hóa của chính mình. Những nghệ nhân kể câu chuyện của cộng đồng bằng thực hành di sản để công chúng biết đến nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa phi vật thể. Sự kiện diễn ra trong không gian văn hóa đậm chất di sản; các giá trị độc đáo, đặc sắc của di sản văn hóa phi vật được UNESCO ghi danh sẽ được lan tỏa rộng rãi...
Bà Lê Thị Thu Hiền cũng nêu rõ: Liên hoan cũng là để thực hiện cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên có kinh nghiệm và nỗ lực, tích cực trong vai trò thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 thể nhiệm kỳ 2022-2026.
Sau nhiệm kỳ 2006-2010 thành công, ngày 6/7/2022, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước 2003, tại Paris, Pháp, Việt Nam đã tiếp tục trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 với 120 phiếu - số phiếu cao nhất trong số các nước trúng cử.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu; sự ghi nhận những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới. Đây cũng là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử của Việt Nam trong những năm vừa qua.
Là thành viên Ủy ban liên Chính phủ nhiệm kỳ 2022-2026, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đóng góp nhiều hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003; nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững.
Di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể ngày càng đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của cộng đồng, địa phương. Di sản văn hóa là tài nguyên thu hút khách đến nhiều điểm đến du lịch, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản. Có thể nói các di sản văn hóa phi vật thể đã và đang phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống, là nguồn lực tinh thần, vật chất, tài sản... của cộng đồng, quốc gia, dân tộc trong bối cảnh hiện nay.