Góc nhìn 365: Từ thành phố tới… thành phố sáng tạo

Một tin vui đặc biệt: Trong dịp kỷ niệm "Ngày các thành phố Thế giới" vào 31/10, cùng 53 thành phố khác trên thế giới, Đà Lạt và Hội An của Việt Nam vừa chính thức được UNESCO đưa vào danh sách Mạng lưới các thành phố sáng tạo thuộc tổ chức này.

Cụ thể, Hội An là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian còn Đà Lạt là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Trước đó, năm 2019, Hà Nội cũng được công nhận là thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế.

Như vậy, chúng ta đã có 3 thành phố thuộc mạng lưới 350 thành phố sáng tạo trên khắp thế giới của UNESCO.

Cần nhắc lại, Mạng lưới các thành phố sáng tạo được UNESCO thành lập từ năm 2004 nhằm liên kết các thành phố có chung mục tiêu coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững. Nói cách khác, ở đó, sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa được đặt ở vị trí trung tâm làm động lực phát triển, đồng thời đảm bảo sự tích hợp của nó vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Góc nhìn 365: Từ thành phố tới… thành phố sáng tạo - Ảnh 1.

Một số sản phẩm đèn lồng được các nghệ nhân tại thành phố Hội An sản xuất. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Thực chất, vài năm qua, cùng một số đô thị, 2 thành phố Hội An và Đà Lạt đã được Việt Nam lựa chọn để xây dựng kế hoạch ghi dành vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Từ đó, một số cuộc hội thảo, cũng như tham vấn ý kiến, đã được tổ chức quanh việc lựa chọn hướng phát triển sáng tạo ở 2 thành phố này.

Như lời các chuyên gia, việc lựa chọn một, hai, hoặc... cả 7 lĩnh vực sáng tạo được UNESCO quy định (gồm âm nhạc, ẩm thực, thiết kế, văn học, thủ công- nghệ thuật dân gian, điện ảnh, truyền thông) luôn là bài toán phức tạp với từng đô thị khi muốn ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo.

Góc nhìn 365: Từ thành phố tới… thành phố sáng tạo - Ảnh 2.

Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Để rồi, thành công vừa cho thấy, cả Hội An và Đà Lạt đã bước đầu có chiến lược hợp lý trong việc lựa chọn lĩnh vực phát triển sáng tạo và công nghiệp văn hóa của mình.

***

Nói "bước đầu", bởi rõ ràng, sau khi được UNESCO công nhận, chúng ta vẫn còn những chặng đường dài để thật sự phát huy tiềm năng tại những thành phố sáng tạo đang có.

Đơn cử, chỉ ở một khía cạnh nhỏ với Hội An, để các loại hình nghệ thuật dân gian và lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thật sự trở thành "mạch nguồn" văn hóa, nhiều chuyên gia đã nhắc tới việc cần bảo tồn và phát huy "thương hiệu" hát bài chòi, hát bả trạo... tại đây - trong khi những làng nghề mộc, gốm, tre, lồng đèn, lá dừa nước cũng cần có chiến lược phát triển nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù. Đó là những bài toán không đơn giản, khi việc tìm hướng đi cho những làng nghề thủ công hay văn hóa truyền thống luôn gặp nhiều rào cản trong xã hội hiện đại.

Hoặc dù tạm ước tính đã có khoảng 300 ca khúc được sáng tác về Đà Lạt (hoặc ra đời tại đây), thành phố này sẽ cần dựa trên những đặc thù về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc… để thật sự trở thành nơi giao thoa đa dạng của biểu đạt văn hóa trong âm nhạc, cũng như trở thành điểm "dừng chân" đặc biệt để thu hút các trí thức, nghệ sĩ cùng tới sáng tác và biểu diễn.

Những hướng đi từng được nhắc đến ấy rõ ràng cần nhiều chiến lược dài hơi và bền vững - trong đó có việc xây dựng cơ chế đặc thù để thật sự thu hút nguồn lực vào những lĩnh vực sáng tạo được hướng tới, và cả việc không chạy theo những nguồn lợi ngắn hạn về du lịch mà làm ảnh hưởng tới tài nguyên văn hóa của mình.

Sau niềm vui từ 2 thành phố sáng tạo vừa được công nhận, hãy cùng tiếp tục chờ đợi.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH