Chữ và nghĩa: 'Chưa có đổ đầy mo…'
Câu tục ngữ này đọc đầy đủ là "Chưa có đổ đầy mo thì lấy đâu mà cho bồ đài".
"Mo" là một danh từ, còn gọi là "mo cau". Mo là một loại lá bắc (lá bắc: lá ở gốc cuống hoa) lớn ở một số loại hoa. Mo cau là bẹ của lá cau bao bọc lấy thân cây cau. Khi lá này già thì khô úa, bẹ tự bong ra và rơi xuống đất ("Trên trời rơi xuống mau co", câu đố). Thằng Bờm (trong truyện dân gian) có cái quạt làm bằng mo cau mà Phú Ông gạ đổi đến "3 bò 9 trâu" kia đấy.
Nhưng mo trong câu tục ngữ trên lại dùng để chỉ một dụng cụ được làm từ mo cau. Người ta tự chế ra một đồ dùng từ cái mo cau thân thuộc, bằng cách cuộn nó lại rồi dùng dây hay lạt buộc thành một vật dụng như cái "chậu" vậy. Cái chậu tự nhiên này có thể dùng để đựng các loại hạt, các loại quả nhỏ và có thể, khi cần đựng nước.
Còn "bồ đài" (có nơi nói là "bù đài") là đồ dùng cũng làm từ mo cau. Nhưng khác với vật dụng "mo" vừa nói ở trên, bồ đài làm bằng mo cau (loại to) gập lại, nẹp chặt, miệng hẹp hơn mo. Ở nông thôn, miền núi bà con thường dùng bồ đài để múc nước. Như thế, mo là dụng cụ đơn giản hơn bồ đài. Bồ đài còn là vật dụng làm bằng lá đa, lá mít. Ngày xưa, trong dịp Rằm tháng 7, người ta thường cúng chúng sinh bằng bỏng nếp, bỏng ngô, khoai lang luộc hay cháo loãng đổ vào các bồ đài làm bằng lá cây (để cúng cô hồn, làm phúc, theo phong tục): "Ngoài đê rộng, bồ đài nghiêng đổ cháo/ Lễ chúng sinh từng bọn một ăn mày" (Anh Thơ).
Câu tục ngữ "Chưa có đổ đầy mo thì lấy đâu mà cho bồ đài" có nghĩa là "Còn chưa có đủ để đổ đầy cái mo (đang vơi) thì biết lấy đâu ra mà đổ vào cái bồ đài đang chực sẵn" (Nguyễn Đức Dương, Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010).
Hàm ý của câu này là: "Nhu cầu cần nhất của mình chưa được đáp ứng thì chưa thể hỗ trợ, giúp đỡ cho người khác". Nhà ta, người thân nhất của ta, ta phải lo trước. Nếu nhà ta còn khó khăn, thiếu thốn thì ta khó có thể có cơ hội giúp cho anh em, láng giềng, bè bạn. Nam Cao từng nói, đại ý: "Một người đang lo cái chân đau của mình thì không thể (và không có điều kiện) lo cho cái chân đau của người khác".
Trong kho tàng tục ngữ Việt còn có một câu tương tự: "Chưa đủ miệng dì miệng o thì lấy đâu mà cho người ngoài". Dì và o (cô) là 2 người thân tình của 1 người nào đó. Dì ở đây là em mẹ (cũng có thể là vợ lẽ của một người đàn ông đa thê ngày xưa). O là người cô ruột. Vậy gia đình người đàn ông nọ chưa lo cho "dì và o" đủ ăn, đủ tiêu, đủ duy trì cuộc sống tối thiểu thì lấy đâu mà lo chuyện ăn chuyện uống cho người ngoài? "Thân ta ta phải lo âu" (Truyện Kiều) trước đã. Đó là lẽ thường ở đời.
Cái thiết thân, cái gần nhất luôn là điều quan trọng phải ưu tiên. Khi mà điều ưu tiên đó chưa được thỏa mãn thì người đời nói chung không thể rảnh tâm mà nghĩ đến chuyện lo giùm cho người khác (dù có tấm lòng hảo tâm đến mấy).
Thực tế cuộc sống có nhiều trường hợp như thế. Dẫu sao, câu tục ngữ cũng chỉ phản ánh một mặt của cuộc sống. Chứ nhiều người trong khó khăn hoạn nạn vẫn sẵn lòng sẻ chia, tương trợ cho những người khác trong cộng đồng. "Lá lành đùm lá rách", đúng rồi! Nhưng nhiều khi "Lá rách ít lại đùm lá rách nhiều" cũng nên. Âu đó cũng là bài học về đạo lý nhân văn của ông cha ta đã có từ ngàn xưa.
Bồ đài phải đứng sau mo
Cũng là câu chuyện dành cho cuộc đời