Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang

Với kinh phí sản xuất khoảng 40 tỷ đồng (khoảng 1,6 triệu USD) mà làm được bộ phim như Đất rừng phương Nam, thì đúng là kỳ tích, vì nhìn vào thành quả, thấy phim giống như được sản xuất bởi 100 tỷ đồng (khoảng 4,2 triệu USD). Phim dự kiến công chiếu toàn quốc ngày 20/10, nhưng có các suất chiếu sớm (sneak show) từ 19h00 ngày 13/10.

Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn cho biết Đất rừng phương Nam quay 48 ngày chính thức, tại 45 bối cảnh, trải dài khắp 6 tỉnh miền Tây, bao gồm Trà Sư (An Giang), Gáo Giồng (Đồng Tháp), Trần Đề (Sóc Trăng), Châu Đốc, Tân Châu Bình Thủy, Long Xuyên, Cầu Đất (An Giang), Suối Tre (Đồng Nai)...

"Chính vì vậy mà phim được quay theo kỹ thuật "qua sông đốt thuyền", xong từng bối cảnh mới rút đi, sẽ không quay trở lại nữa, để không bị xáo trộn bối cảnh. Cách làm này rất cực khổ và tốn kém, nhưng không thể chọn cách làm khác" - Nguyễn Trí Viễn nói.

Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang - Ảnh 1.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) và hai họa sĩ thiết kế mỹ thuật Bùi Bảo Quốc và Đặng Ngọc Thanh Tú (hàng đầu, mép phải hình)

Thiết kế bối cảnh được "thỏa sức làm"

Nếu Đất rừng phương Nam mà đoạt giải thiết kế mỹ thuật tại Liên hoan phim Việt Nam (giải Bông sen) hoặc giải Cánh diều, thì không có gì đáng ngạc nhiên. So với các phim có bối cảnh ngày trước hoặc cổ trang như Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Lửa Phật, Người bất tử, Mắt biếc, Trịnh Công Sơn… thì Đất rừng phương Nam chân thật và chỉn chu, thẩm mỹ hơn rất nhiều. Phim do nghệ sĩ - nhà sưu tập Đặng Ngọc Thanh Tú và họa sĩ Bùi Bảo Quốc đảm trách thiết kế mỹ thuật, với ê-kíp thực hiện khá lành nghề, nên mang lại hiệu quả thị giác khá tốt.

Nếu Bùi Bảo Quốc vốn xuất thân trường lớp và đã nhiều kinh nghiệm làm bối cảnh, làm thiết kế mỹ thuật, thì sự từng trải về sưu tập của Đặng Ngọc Thanh Tú là một bổ khuyết rất quan trọng. Không có "con mắt tinh đời" thì khó tìm, hoặc khó chọn cho được các bối cảnh, các đạo cụ hợp lý.

Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang - Ảnh 2.

Các bối cảnh lớn được thiết kế chỉn chu

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tự hào và biết ơn khi chọn được ê-kíp thiết kế này. Anh nói: "Với 45 bối cảnh và hơn 48 ngày quay, nếu xem phim, chắc người làm nghề sẽ hiểu được sự "dã man cực khổ" mà bộ phận thiết kế phải đối diện. Trong khi đó, kinh phí cho bộ phận này thì không nhiều, bên sản xuất lại yêu cầu không được bể bối cảnh, bởi chỉ trễ 2-3 ngày quay là rất căng".

Anh kể thêm: "Tôi đi kiểm tra bối cảnh, thấy anh Bùi Bảo Quốc ốm sọp, lại đang bị viêm túi mật, mà không muốn nghỉ để đi bác sĩ. Tôi hỏi ảnh: - Dã man quá hả anh? Anh Quốc: "Ờ". - Sợ chưa? Chắc xong phim này thì chán thiết kế phim luôn hả anh? Anh Quốc: "Không sợ, vì từ đó giờ anh mới nhận phim cho làm nhiều như vậy". Tôi thích và rất hiểu câu trả lời này".

Ngoài ê-kíp sản xuất đông đúc, 41 diễn viên chính phụ, thì còn có 3.672 diễn viên quần chúng. Hơn 6.000 đạo cụ, hơn 800 bộ trang phục, hơn 110 xe cộ, ghe xuồng được thiết kế, tân trang… cho phù hợp bối cảnh những năm 1940 tại Nam kỳ lục tỉnh.

Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang - Ảnh 3.

Từ chiếc ghe, xe kéo, xe ngựa, xe hàng rong, xe đò… đến con dao, cái cuốc, cây súng... đều phải làm mới. Toàn bộ đạo cụ cũng được sản xuất trong tầm 2 năm. Vì không đủ tiền và nhân lực để làm cùng một lúc, nên anh Bùi Bảo Quốc cùng những anh em cứ lọ mọ làm cuốn chiếu, như kiến tha về tổ. Số lượng nhiều, mà diễn viên quần chúng lại quá đông, sợ trong lúc quay thì vô tình bị thương, hoặc có lúc mệt mỏi, bất bình... thì quá nguy hiểm. Trong khi quay phim này thì xác định từ đầu là cực dã man, dễ bị stress.

Nguyễn Quang Dũng nói: "Tuy bối cảnh thời xưa, nhưng tôi yêu cầu đừng làm quá cũ, vì ngay lúc bây giờ, vẫn có nhà mới xây, ghe xuống mới sắm cơ mà. Nhưng cũng phải cố gắng làm sao để người xem có cảm giác rằng nó thời xưa".

Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang - Ảnh 4.

Quay phim rất cực khổ

"Thật sự thì Đất rừng phương Nam không thể mang giá trị như sách giáo khoa, phim tài liệu, phim tư liệu… để khán giả coi đây là chuẩn mực, là sự thật. Đây chỉ là một bộ phim hư cấu, với mong muốn người xem được giải trí, có cảm xúc và xem như sự hoài niệm về một vùng đất, một thời kỳ".

Nghệ sĩ thiết kế Đặng Ngọc Thanh Tú khẳng định: "Nếu mà nói về đúng sai, thì chỉ cần một khung hình bất kỳ của Đất rừng phương Nam, sẽ có hàng chục, hàng trăm lỗi. Nhưng mục đích chính của phim là phác họa cho thấy một miền Nam giàu có, xinh đẹp, hào sảng, kiêu hùng của những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Phác họa được vậy, dù vài nét chấm phá thôi, cũng đã là vui rồi".

Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang - Ảnh 5.

Như là phần 1

Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến muốn so sánh Đất rừng phương Nam với phim truyền hình Đất phương Nam (11 tập, đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn) và cả nguyên tác truyện dài mà nhà văn Đoàn Giỏi công bố năm 1957.

Mong muốn này là chính đáng, chứng tỏ lòng yêu mến tác giả - tác phẩm qua các thời kỳ, các thể loại. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam mới có một phim điện ảnh làm lại từ một phim truyền hình, mời cả Nguyễn Vinh Sơn làm cố vấn nội dung, nên việc so sánh là cần thiết.

Tuy nhiên, nếu tạm quên được, hoặc làm một khán giả chưa đọc sách và chưa xem phim truyền hình thì "khỏe hơn", được thưởng thức phim điện ảnh một cách độc lập, thoải mái.

Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang - Ảnh 6.

Sông nước là một khía cạnh hấp dẫn của phim

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng cam kết rằng khán giả sẽ thấy xứng đáng với tiền vé bỏ ra khi xem phim này. Thực sự như vậy. Ôm ấp câu chuyện hơn 10 năm, nên khi nhờ biên kịch Trần Khánh Hoàng viết, Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất đã chọn được cách tiếp cận riêng, không cần phải nương theo kịch bản truyền hình. Phần âm nhạc do nhạc sĩ Đức Trí đảm trách, thu âm với dàn nhạc, sâu lắng và hoành tráng, xứng đáng với các tràng pháo tay. Phần hành động và các bối cảnh đông người được chỉ đạo chỉn chu, nên tạo ra được không khí thời chiến, với cảnh biểu tình, tranh đấu, chiến đấu…

Riêng về phần diễn xuất thì không cần đề cập nhiều, vì đa số vai diễn lột tả được hình tượng, đủ chiều sâu cảm xúc, có thể lấy nước mắt người xem ở những trường đoạn buồn.

Xem 'Đất rừng phương Nam': Con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thêm thênh thang - Ảnh 7.

So với truyền hình, “Đất rừng phương Nam” đã có thêm khía cạnh “rừng”, với nhiều cảnh quay công phu

Có lẽ cũng cần lưu ý chi tiết Đất rừng phương Nam chỉ lấy cảm hứng hoặc dựa theo nguyên tác văn học của Đoàn Giỏi, vốn có 20 chương, mà đến chương 20 thì mới lên đường chiến đấu. Phim chỉ góp nhặt vài tình tiết trong các chương về xóm chợ nhỏ, về tửu quán, về ông lão bán rắn, về gia đình ba nuôi… để kể câu chuyện đi tìm cha của An (do Hạo Khang thủ vai). Phim mới dừng lại ở đoạn An gặp được cha, còn những cảnh/chương như rừng cháy, cái chết của Võ Tòng, mũi tên thù, phường săn cá sấu, qua Sóc Miên, gặp du kích trong rừng… thì chưa.

Xem Đất rừng phương Nam có cảm giác như mới là phần 1, mà các phần tiếp theo thì tha hồ khai thác, vì dữ kiện còn nhiều. Trong một chia sẻ, Trấn Thành (đồng đầu tư, sản xuất của phim này) nói lấp lửng về khả năng làm phần hai, nếu việc bán vé khả quan, có thể thu hồi được vốn hoặc có lời chút đỉnh.

Điểm hòa vốn của Đất rừng phương Nam vào khoảng 100 tỷ đồng. Trong bối cảnh các dịch vụ chi tiêu xuống thấp và những phim mang tính sử thi/lịch sử thường kén khán giả, để hòa vốn, coi bộ cũng cần thêm nhiều may mắn.

Nếu Đất rừng phương Nam làm được phần 2 và 3, thì xem như con đường điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng thật thênh thang, vì nhìn lại, đây đang là phim công phu và chất lượng nhất của anh.

Còn nhìn ở khía cạnh sản xuất, được đầu tư và làm được như Đất rừng phương Nam đã là mơ ước của nhiều nhà làm phim Việt Nam.

Vài cái chết làm khó… cho phần 2

Trong hành trình tìm chồng cùng với An, ngay biến cố thứ hai, người mẹ (Hồng Ánh thủ vai) đã chết vì dính đạn của Pháp. Thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn) và bác Ba Phi (Trấn Thành) thì cùng chết trên sân khấu tuồng cổ của đoàn Liễu Nam. Nói gì thì nói, đây là 3 gương mặt sáng giá của Đất rừng phương Nam, nếu làm phần 2, thiếu họ cũng thật uổng phí.


Trong cấu trúc câu chuyện, người mẹ phải chết để An một mình tìm cha, còn thầy giáo Bảy và bác Ba Phi thì… chưa cần chết.


Vì vậy, nếu có phần 2 và 3, "trọng trách" của tuyến truyện sẽ rơi vào An, Hai Thành (Huỳnh Đông), ông Tiều (Tiến Luật), bé Xinh (Bảo Ngọc), ông ba bắt rắn (NSƯT Công Ninh), thằng Cò (Đỗ Kỳ Phong), Tư Ù (Tuyền Mập)... và cả các anh hùng chiến trận sẽ dần lộ diện, như trong các chương cuối của truyện dài Đất rừng phương Nam hoặc kịch bản truyền hình Đất phương Nam.

Văn Bảy

Link gốc: TTVH