Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Đỗ Bạch Mai - Bế Kiến Quốc: Một cặp đôi giáo khoa thư
Bạn đọc thân mến, chuyên mục này chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu, tôn vinh hơn 100 tác giả có bài trong sách giáo khoa các loại. Họ là thầy cô giáo, là văn nghệ sĩ, ký giả, kịch tác gia…Kể từ số này, chuyên mục sẽ có những kỳ kể chuyện các tác giả ấy trong mối quan hệ huyết thống, trong gắn bó gia đình, bạn hữu. Xin bắt đầu từ cặp đôi thi sĩ Đỗ Bạch Mai - Bế Kiến Quốc (1949-2002).
Biết luận văn cao học của nhà thơ Đỗ Bạch Mai do giáo sư Đỗ Bình Trị hướng dẫn có đề tài văn học dân gian, người viết bài hỏi con cò trong bài Một mình trong mưa (sách Tiếng Việt 7, tập 1, bộ Cánh diều) có liên quan gì với đàn cò trong văn học dân gian Việt Nam không?
"Có chứ! Sâu đậm nữa" - bà Đỗ Bạch Mai say sưa.
Một mình trong mưa
Đỗ Bạch Mai kể: "Đề tài của tôi khảo cứu về truyền thuyết lịch sử, tưởng là nghiêng hẳn vào văn xuôi. Nhưng không, truyền thuyết dân gian của Việt Nam ta,trong tự sự có trữ tình, trữ tình sâu đậm lắm, có lúc dòng truyền thuyết đang kể chuyện bỗng hát lên thành thơ. Ví dụ như bài thơ gắn với truyền thuyết đánh giặc triền miên nơi biên ải: "Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng".
Cũng chẳng phải đi xa tới Cao Bằng! Ngay trong nội thành Hà Nội, những người nghiên cứu văn học dân gian cũng tìm được một truyền thuyết bằng thơ về thân phận con vật đáng thương này: "Con cò mà đậu cành tre/ Thằng Tây bắn súng cò què một chân/ Hôm sau ra chợ Ðồng Xuân/ Chú khách mới hỏi: Sao chân cò què?/ Cò rằng: Cò đứng bụi tre/ Thằng Tây bắn súng, cò què một chân!".
Năm 2004, tập thơ Một mình đi trong mưa của Đỗ Bạch Mai được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng giải B. Sau 18 năm trình làng, bài thơ Một mình trong mưa trong tập này được giải mới: "trúng tuyển" giáo khoa.
Trong 18 năm ấy, Một mình trong mưa được 3 nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Riêng ca khúc cùng tên Một mình trong mưa của nhạc sĩ Lê Xuân Thọ được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội dựng thành chương trình tác giả, tác phẩm. Đồng cảm với thi sĩ, biến bài thơ thành một tình khúc đằm thắm, kể câu chuyện cảm động của một góa phụ trẻ, ở vậy nuôi con. Trong tầng sâu ẩn dụ của nhạc phẩm, những "con cò gánh gạo", "con cò mà đi ăn đêm", "con cò nó đậu"…đều có trong"cánh cò" Đỗ Bạch Mai, một mình vượt giông bão, giữ thiên chức làm mẹ của mình:
"Từ nay cò ơi/ Thân cò lăn lội/ Từ nay cò ơi/ Một mình nuôi con/Đằng Đông chớp biển/ Đằng Tây mưa nguồn/ Đồng dọc đồng ngang/ Đồng trên đồng dưới/Một mình một lối/ Một mình trong mưa/ Cò đừng mỏi cảnh/ Cò về với con".
Đọc thơ, nghe hát, rồi hỏi chuyện tác giả, mới hiểu câu thơ "Đằng Đông chớp biển/ Đằng Tây mưa nguồn" với những ông Tây và các chú Khách, rộng hơn giới hạn chữ nghĩa của bài thơ rất nhiều. Rộng để có khoảng vĩ thanh đủ chỗ cho cả chiều sâu "nỉ non" lòng mẹ, cả tiếng súng như một hình tượng thính giác nhắc nhở bạn đọc chúng ta rằng chưa lúc nào những bà mẹ thôi vất vả vì những đứa con!
Đất hứa của cặp đôi "mãi mãi ngày đầu tiên"
Đỗ Bạch Mai tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1968-1972,về Hải Phòng dạy văn cấp 3. Cuối năm 1978 đi thi và trúng khóa cao học Đại học Sư phạm Hà Nội 1979-1980, cùng các bạn văn Bùi Mạnh Nhị, Bạch Văn Hợp, Trần Đăng Xuyền, Nguyễn Thế Khoa…
Tốt nghiệp lớp cao học, được về báo Văn nghệ, khi đã thành hôn với Bế Kiến Quốc, nơi đây như "đất hứa", như "mãi mãi ngày đầu tiên"- cũng là tên các tập thơ của Bế Kiến Quốc - để Đỗ Bạch Mai bắt đầu những dòng đầu tiên của một người viết chuyên nghiệp.
Ngày 31/5/1978, từ tòa soạn báo Văn nghệ, Bế Kiến Quốc viết thư cho người viết bài này: "Đến hôm nay là tròn 6 tháng công tác "nửa năm hơi tiếng vừa quen". Tuy nhiên, quan hệ của mình với tờ báo Văn nghệ không phải chỉ có nửa năm. Tờ báo đã sinh ra mình-có thể nói như vậy. Mình mang ơn tờ báo này và coi nó như quê hương, như ngôi nhà thân yêu. Mình muốn đem hết sức ra xây dựng, đóng góp, hiến dâng cho nó. Đối với nó, mình có thểlàm việc mà không cần đãi ngộ…".
Quốc nói tờ báo sinh ra anh, vì lẽ, khi còn là sinh viên đại học, báo Văn nghệ đã trao giải Nhì cuộc thi thơ 1969 cho anh, nhờ giải thưởng này, anh được bạn đọc nhớ tên, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm thân mật. Báo Văn nghệ sinh ra Quốc theo nghĩa phát hiện tài năng và quan trọng hơn, sau đó, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo.
Chính tại tòa soạn ở 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội, trong phòng văn vài mét vuông, vừa là nhà bếp vừa là phòng ngủ, Đỗ Bạch Mai đã thành nàng thơ, thành nguồn cảm hứng sáng tác của "chàng thơ" Bế Kiến Quốc.
Trong lời bạt tổng tập thơ Bế Kiến Quốc - tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước - Đỗ Bạch Mai kể rằng: "Những bài thơ trong tập Đất hứa là của Bế Kiến Quốc tặng cho tôi. Chúng tôi đã nghĩ: Sẽ cất giữ tập thơ này chỉ để cho riêng mình. Nhưng Bế Kiến Quốc không còn nữa. Được chứng kiến những tình cảm yêu thương, trìu mến, trân trọng, nuối tiếc và đau xót của bạn bè, đồng nghiệp dành cho anh trong những ngày trọng bệnh và đặc biệt là trong tang lễ, tôi chợt hiểu ra rằng: Bế Kiến Quốc và những vẫn thơ anh đã viết ra không chỉ thuộc về riêng mẹ con tôi. Tôi quyết định công bố tập thơ này (cùngnhững tập thơ sau này của Bế Kiến Quốc) để thơ của anh đến được với mọi người. Và... cũng bởi vì tình yêu của chúng tôi chỉ là một cái cớ cho những bài thơ xuất hiện và tồn tại trong cuộc đời này. Tôi cũng mong muốn rằng những bài thơ tình của Bế Kiến Quốc sẽ là một quà tặng tình yêu cho những người đang yêu nhau…".
Giỏi thơ thế sự, thơ tình
Trong Tiếng Việt 2, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo, nhà thơ Bế Kiến Quốc có bài Ngày hôm qua đâu rồi. Ngay từ những năm cuối thế kỷ trước, thơ viết cho thiếu nhi của Bế Kiến Quốc đã được tuyển vào sách giáo khoa tiểu học, như bài Bài hát trồng cây trongTiếng Việt 3, tập 1, (NXB Giáo dục, 1997):
"Ai trồng cây/ Người đó có tiếng hát/ Trên vòm cây/ Chim hót lời mê say//Ai trồng cây/ Người đó có ngọn gió/ Rung cành cây/ Hoa lá đùa lay lay// Ai trồng cây/ Người đó có bóng mát/ Trong vòm cây/ Quên nắng xa đường dài// Ai trồng cây/ Người đó có hạnh phúc/ Mong chờ cây/Mau lớn theo từng ngày// Ai trồng cây.../ Em trồng cây.../ Em trồng cây...".
Viết cho thiếu nhi, các tác giả thường dùng thơ cách luật, tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn hoặc lục bát…Thơ Bế Kiến Quốc viết cho các em, theo thể tự do. Đó cũng là một cách khai phóng, nên khuyến khích. Thơ tự do của Bế Kiến Quốc trong bài này lại cấu tứ theo một mẫu câu lặp lại, kiểu điệp ngữ, học sinh dễ nắm bắt được ý tưởng, dễ học.
Dù có nhiều bài vào sách ngữ văn tiểu học, có truyện thơ Chú ngựa Mã Sao viết cho tuổi nhi đồng, nhưng Bế Kiến Quốc vẫn là thi sĩ giỏi về thơ thế sự, thơ tình. Kết hợp rất nhuần nhuyễn hai nét phong cách này là bài Điện thọai đường dài, rất nổi tiếng. Bài thơ rất thời cuộc, dù ngắn gọn, chuyện non sông thống nhất lại là chuyện nói riêng, nói thầm với nhau:
"Và thương nhớ được truyền vào giọng nói/Anh có em đôi lần qua điện thoại/ Em rất trong rất mềm mại khẽ khàng/ Như nắng vàng buông ngân trong không gian// Đó là lúc anh nghe/ Còn đến khi anh nói/ Thì em là sự lặng im vời vợi/ Sự lặng im tinh khiết, sự lặng im/ Của đứa trẻ trong vườn đang lắng tiếng bầy chim// Đất nước chúng mình dài, Bắc Nam nghìn dặm đất/ Đường điện thoại mỏng manh thành sợi tơ bền chặt/ Anh đoán chừng Thu đã tới ngoài kia/ Qua giọng em mát rượi cả trưa Hè// Cho tới lúc một đầu dây đã cúp// Anh đứng đó với niềm xa ngút/ Nghe nhớ thương trải dài trên núi sông/ Gọi thầm em: Năm - bốn - bốn - ba - không...".
Bài thơ mở bằng liên từ đã rất lạ, lại đóng bằng từ chỉ số. Một con số thật, số điện thoại của em, nhưng số ấy tu từ theo lối giảm dần, để khi xa cách của chàng Nam với nàng Bắc đã là con số không, thì chính là lúc ái tình riêng, trùng khớp với thống nhất chung.
Đỗ Bạch Mai sinh 1951 tại Nam Định, tác giả của các tập thơ như Một lời yêu (1992), Năm bông hồng trắng (1997, giải C của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), Một mình đi trong mưa (2004, giải B của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam)... Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ, 1997. Hiện cư ngụ tại Hà Nội.
Bế Kiến Quốc (1949 - 2002), sinh ra tại Nam Định, quê gốc Hà Nội. Tác giả các tập thơ như Cuối rễ đầu cành (1994), Mãi mãi ngày đầu tiên (2002), Đất hứa (2003). Giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ, 1969. Từng học khoa bồi dưỡng tại Học viện Viết văn Maxim Gorky (Liên Xô cũ). Từng là Tổng biên tập báo Người Hà Nội. Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.