Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 3): Những hài cốt táng chồng lên nhau trong cùng huyệt mộ

Bên cạnh ngôi mộ trong chiếc quan tài làm từ nửa chiếc thuyền độc mộc, mộ thân cây khoét rỗng, những kiểu mộ táng người lớn thời Đông Sơn còn phải kể tới các ngôi mộ tam táng, tứ táng... với những bộ hài cốt người lớn táng chồng lên nhau trong cùng một huyệt mộ.

Chúng tôi may mắn là những nhà khảo cổ học đầu tiên chứng kiến hiện tượng này ở Việt Nam. Đông Xuân năm 1975 -1976, mùa đào khảo cổ! Khi đó tôi vừa chuyển ngành từ Bộ Tư lệnh Hải quân về Viện Khảo cổ học, được phân công về Phòng Kim khí. Mùa đó, cả Viện đang tập trung cho đề tài nghiên cứu lớn: Khảo cổ học Thanh Hóa (1975 - 1980). Chuyến tàu đêm Đông tháng 12/1975 chở đám thanh niên trẻ vừa mới về Viện như Trịnh Dương, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Kim Dung và tôi tăng cường cho Thanh Hóa.

Khu mộ cổ dưới rìa "Vọng phu" núi Nhồi

Các cuộc khai quật khảo cổ tại Bái Man, Cồn Cấu, Mả Chùa đã bắt đầu từ tháng 10/1975, tập trung ở hai xã Đông Lĩnh. Khi chúng tôi vào tăng cường, trưởng đoàn Nguyễn Văn Hảo cử Trịnh Dương và tôi đi cùng cán bộ Bảo tàng Thanh Hóa là Phạm Hổ Đấu đến khảo sát địa điểm Núi Nấp, địa điểm đã được Đội Khảo cổ (Bộ Văn hóa) phát hiện từ hơn mười năm trước.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 3): Những hài cốt táng chồng lên nhau trong cùng huyệt mộ - Ảnh 1.

Tảng đá "Vọng phu" trên đỉnh núi Nhồi (Thanh Hóa). Ảnh: Internet

Tại đây, chúng tôi phát hiện một ngôi mộ Đông Sơn đang xuất lộ do nông dân làm cỏ bờ ruộng. Một số đồ gốm tùy táng bị cuốc văng ra. Rất may, chúng tôi đã kịp giữ nguyên bộ hài cốt, hơn nữa còn ghi nhận một huyệt mộ với 4 cá thể nằm chồng lên nhau. Khu mộ Núi Nấp sau này được khai quật mở rộng vào năm 1980,  chính dựa vào phát hiện của chúng tôi năm đó.

Khu mộ cổ Đông Sơn ở Núi Nấp (tên chữ là Quảng Nạp) nằm ngay dưới rìa thoai thoải về phía nam của cụm núi Nhồi. Khu vực này quần tụ mấy khối núi đá vôi tạo thành khối núi Nhồi - một quần thể đá vôi lớn bên trên có đá hình nàng "Vọng phu" ngóng chồng từ biển về, nay gối giữa hai xã Đông Tân và Đông Hưng thuộc thành phố Thanh Hóa.

Nơi đây hiện có làng nghề đẽo đá rất cổ của xứ Thanh. Nhưng cổ nhất ở đây chính là làng Đông Sơn và chủ nhân chết được chôn trong khu mộ chân rìa núi. Viện Khảo cổ còn lưu trữ báo cáo khai quật về khu mộ này, được chị Phạm Minh Huyền cùng đồng nghiệp khai quật năm 1980.

Trong bài viết này tôi muốn kể về ngôi mộ mà tôi, Trịnh Dương, Phạm Hổ Đấu khai quật năm 1975 sau đó được báo cáo tại Hội nghị Những phát hiện mới Khảo cổ học 1976 (họp ở Hà Nội) vì tính độc đáo, lạ kỳ của nó.

Ngôi mộ nằm ở bờ ruộng đã bị san canh tác. Phần bờ còn lại cao 80cm trên nền ruộng đã giúp việc quan sát mặt cắt biên mộ rất dễ dàng.

Tuy nhiên, do bờ ruộng dốc thoải, nên ngay từ đầu, chúng tôi không nhận ra đó là một huyệt mộ chôn chồng tới bốn cá thể. Vì vậy, sau khi làm xuất lộ, đo vẽ bộ xương trên cùng - một thi thể người lớn - khi dỡ xương để xem nền đáy huyệt, chúng tôi hết sức bất ngờ khi nhận ra những đồ tùy táng minh khí bằng đồng, gồm rìu, giáo và thạp nhỏ (miniatures) kiểu cách Đông Sơn lộ ra dưới lưng người chết. Thực chất, đó chính là tùy táng trên bụng của bộ xương bên dưới đó. Đây là hiện tượng táng chồng lần đầu tiên xuất hiện trong khảo cổ học Việt Nam.

Chúng tôi thận trọng làm sạch đất. Bộ xương bên dưới cũng là một thi thể người lớn và đặt cùng hướng nằm với bộ xương bên trên và rõ ràng trong cùng một huyệt mộ. Bên dưới bộ xương có đồ tùy táng bằng đồng kích thước nhỏ, vẫn còn hai bộ hài cốt nữa: một người lớn nằm dưới và một trẻ em nằm bên trên. Cả hai đều nằm cùng hướng với hai bộ xương ở trên.

Dựa vào vị trí của bốn bộ xương chúng tôi cho rằng họ được chôn cùng một lúc và trong cùng một huyệt mộ. Đồ tùy táng chủ yếu gồm gốm ở trên cùng và một số hiện vật đồng minh khí. Niên đại của toàn khu mộ được khai quật vào năm 1980 vào khoảng thế kỷ 5 - 6 trước Công nguyên đến thế kỷ 2 sau Công nguyên. Những mộ chôn theo đồ tùy táng minh khí nhỏ như ngôi mộ tôi đang nói đến thuộc lớp mộ táng có niên đại sau Công nguyên.

"Do bờ ruộng dốc thoải nên ngay từ đầu, chúng tôi không nhận ra đó là một huyệt mộ chôn chồng tới bốn cá thể" - TS Nguyễn Việt.

 Khu mộ cổ Quỳ Chử: mộ táng chồng sớm nhất

Điều may mắn đến với tôi khi phát hiện liên tiếp trong cuộc khai quật khu mộ Đông Sơn sớm ở Quỳ Chử (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) năm 1978 mấy ngôi mộ chôn chồng như vậy, và năm 2007 tại khu mộ Đông Sơn ở Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là một ngôi mộ cha mẹ song táng bên trên và một em bé bên dưới…

Tôi được phân công về đào thám sát phúc tra địa điểm Quỳ Chử năm 1976. Đây cũng là một địa điểm khảo cổ học được Đội Khảo cổ (Bộ Văn hóa) phát hiện từ những năm 1960. Hai hố thám sát tôi mở năm 1976 cho thông tin rất đáng chú ý ở địa điểm này báo hiệu đây là một làng trồng lúa trù phú từ khoảng 3.000 năm trước ở phía tả ngạn sông Mã.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 3): Những hài cốt táng chồng lên nhau trong cùng huyệt mộ - Ảnh 3.

Hố khai quật mộ táng chồng Đông Sơn ở Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), 2007

Năm 1978, Viện quyết định cử nhóm khảo cổ do tôi phụ trách về khai quật Quỳ Chử. Khi này tôi đang làm Trưởng Trị sự, tạp chí Khảo cổ học. Tôi cho mở hai hố 5mx10m, ký hiệu H1 và H2. Tôi phụ trách H1 và Phạm Đức Mạnh H2.

Khu mộ táng nằm sát rìa phía bắc của làng cổ, thậm chí huyệt mộ đào xuyên tầng văn hóa làng cổ. Điều này chứng tỏ sau một thời gian cư trú sớm, khoảng 3.200 năm - 2.800 năm, phần đất này được dùng cho nơi chôn cất, dân cư trong làng mở rộng dần về phía nam, nơi xuất hiện từ 2.500 năm khu mộ vò chôn các em nhỏ rất nông trên bề mặt.

Hố H1 có ranh giới rất rõ của "làng người sống" và "làng người chết". Tại ranh giới này, tôi phát hiện một hố đất đen, bên trong có hai nồi đất chứa xương trẻ sơ sinh niên đại sớm, khoảng 3.200 năm -2.800 năm và một bộ xương đầu bò còn khá nguyên vẹn. Rất có thể đây là nơi nghi lễ khi biến thành khu mộ táng mới của làng.

Ngôi mộ táng chồng đầu tiên ở Quỳ Chử là M8 và M9. Nhờ việc dùng đất sét trắng và sét vàng lấp mộ nên huyệt mộ hình chữ nhật dễ dàng được nhận ra với chiều dài 230cm rộng 80cm đào sâu trong đất đen tầng văn hóa cổ hơn.

Phía trên huyệt mộ đã bị người đời sau làm đất gạt mất một phần khiến phần xương từ hông lên đầu của bộ xương bên trên đã bị mất, chỉ còn phần hông và hai chi dưới. Dưới chân người chết có một nồi gốm đã bị đất nén đè vỡ.

Thi thể phía dưới xương cốt còn nguyên vẹn, nằm cách bộ xương bên trên gần 10cm, hai tay ôm ngực, chân duỗi thẳng, hơi quay nhẹ sang bên trái, cùng hướng nghiêng của sọ.

Đây là thi hài một người đã trưởng thành. Ở phần bụng có một công cụ chặt bổ hình lưỡi cày cánh bướm đúc bằng đồng, dưới chân cũng có một chiếc bình gốm đã bị đất nén vỡ.

Điều đáng chú ý là người chết phía dưới được chôn trong đất sét trắng, trong khi đó người chết bên trên được chôn trong đất sét vàng. Dựa vào đồ gốm và "lưỡi cày cánh bướm" tùy táng có thể định tuổi ngôi mộ khoảng 2.300 năm trước.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 3): Những hài cốt táng chồng lên nhau trong cùng huyệt mộ - Ảnh 4.

Mộ táng Đông Sơn nhiều tầng khai quật ở Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) 2007

Xung quanh mộ này có hơn chục ngôi mộ táng đơn khác cùng thời hoặc sớm muộn hơn vài ba trăm năm.

Cách ngôi mộ táng chồng này gần khoảng 8m về phía bắc có một mộ chồng đôi khác. Huyệt mộ nằm trong vách hố đào nên rất dễ nhận ra khoảng cách 15 - 18cm giữa hai bộ xương cùng đặt chiều và nằm thẳng. Ngôi mộ này bị một mộ khác chôn vào khoảng 2.400 năm trước đào cắt qua, xương cẳng của mộ táng đôi được phát hiện trong khi đào huyệt đã được đặt lên ngực người chết mới chôn.

Điều đó chứng tỏ mộ táng chồng có tuổi cổ hơn, khoảng 2.500 năm trước và là mộ táng chồng sớm nhất được biết đến trong khung cảnh khảo cổ học Việt Nam.

Mộ tứ táng ở Vĩnh Hùng

Hiện tượng táng chồng nhiều thi thể trong một huyệt mộ không phải là đơn điệu trong thời Đông Sơn. Năm 2007, khi tham dự cuộc khai quật ở Vĩnh Hùng do trường Đại học Quốc gia tiến hành, tôi chứng kiến một mộ táng chồng nữa có niên đại tương đương mộ táng chồng ở Núi Nấp năm 1976.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 3): Những hài cốt táng chồng lên nhau trong cùng huyệt mộ - Ảnh 6.

Những đồng tiền ngũ thù Tây Hán bên cạnh mũi lao Đông Sơn bằng chì ở phần bụng bên phải chủ nhân chính xác nhận niên đại mộ trong khoảng nửa sau thế kỷ I trước Công nguyên

Đó là một ngôi mộ tứ táng. Phía trên cùng là hài cốt một người lớn, mang theo kiếm sắt, giáo đồng, giáo chì, tiền ngũ thù Tây Hán và vòng tai đá. Bên cạnh hơi sâu hơn một chút là hai bộ xương người lớn khác và hơi chếch về phía trên đầu là thi thể một em nhỏ chừng 6 tuổi, gối đầu trong một đĩa đồng, hai tai đeo 4 chiếc vòng đá. Ngôi mộ này đã được tôi kể trong chuyên mục "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" tháng trước  (với chút nhầm lẫn là mộ tam táng). Có lẽ đây là một gia đình cùng chết do một tai họa hay dịch bệnh nào đó. Đáng tiếc xương mủn nát quá. Tôi đã được phép bứng đưa cả bốn chiếc sọ về phòng thí nghiệm của Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á ở Quảng Yên để nghiên cứu. 

                                                                    (Còn nữa)

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH