'Thời kỳ huy hoàng' của Đề Thám qua góc nhìn của người Pháp
Sách Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng (NXB Tổng hợp TP.HCM, Nhã Nam) là tập hợp các bức điện báo, các thông tin báo chí và bài phân tích về chiến dịch hành quân chống Đề Thám của quân Pháp từ tháng 1 đến tháng 3/1909. Đây được đánh giá là nguồn tư liệu lịch sử đáng quý, cung cấp những thông tin và góc nhìn đa chiều hơn về "hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám.
Ít ngày trước, nhân dịp 110 năm ngày mất của Hoàng Hoa Thám, Nhã Nam và Viện Pháp phối hợp tổ chức tọa đàm ra mắt tác phẩm Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng. Tọa đàm có sự tham gia của TS sử học Vũ Đức Liêm và TS văn học Mai Anh Tuấn.
Góc nhìn của người Pháp
Từ khi Đề Thám còn sống và kể cả sau đó, khi dư âm khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) vẫn còn hằn sâu trên đất Việt Nam, người Pháp đã dành nhiều bút mực, báo chí, sách vở để đưa tin, giới thiệu, đánh giá, và nhận định về "hùm thiêng Yên Thế". Trong đó, Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng là 1 trong những tài liệu ra đời sớm, có tính thời sự về Đề Thám, về các cuộc đối kháng quân sự giữa chính quyền Pháp và đội quân Yên Thế.
Ban đầu, cuốn sách có nhan đề gốc là L'homme Du Jour. Le De Tham (tức Người đương thời. Đề Thám), được xuất bản năm 1909 tại Hà Nội. Được Maliverney, chủ bút báo Tương lai Bắc Kỳ (L'Avenir du Tonkin) biên soạn, cuốn sách gồm 3 nội dung chính: Giới thiệu nguồn gốc, tiểu sử Đề Thám và các hoạt động của ông trước 1909; các bài báo, điện tín của phóng viên báo Tương lai Bắc Kỳ gửi về từ Yên Thế; một số bài phóng sự, ký sự trận chiến năm 1909 tại Yên Thế.
Các văn bản này ghi lại chi tiết quá trình chuẩn bị chiến dịch hành quân chống Đề Thám của quân Pháp từ tháng 1 đến tháng 3/1909, từ quân nhu, đạn dược, đồ ăn, đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần quân lính, số lượng lính bị thương hoặc thiệt mạng. Ở đây, trong mắt quân Pháp, Yên Thế là một vùng không dễ tiếp cận, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Nghĩa quân cũng như người dân Yên Thế là những con người khó quy hàng. Còn Đề Thám thực sự là một "hùm thiêng", thoắt ẩn, thoắt hiện, không sao khuất phục nổi, khiến người Pháp vừa căm giận lại vừa hết sức nể sợ.
Như TS sử học Vũ Đức Liêm (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, ngay phần mở đầu trong sách, quân Pháp đã cho thấy sự tuyệt vọng vì không biết phải xử lý Đề Thám thế nào. Đề Thám chiếm giữ một vùng đất mà mỗi chiều chỉ có khoảng 20km. Người Pháp liên tục mở các cuộc chinh phạt, có lần gần 3.000 quân gồm có cả pháo, tàu chiến dọc theo sông Thương, sông Sỏi… mà vẫn không thể đánh dẹp. Cho nên người Pháp đã phải giảng hòa nhiều lần với Đề Thám dù coi ông là cái gai trong mắt.
Ông Liêm cho biết thêm, khi tin rằng Đề Thám là người đứng sau vụ Hà Thành đầu độc, như "giọt nước tràn ly", ngay lập tức người Pháp tổ chức cuộc tấn công quy mô lên Yên Thế năm 1909. Đây là cuộc tấn công lớn nhất cuối cùng của người Pháp vào Yên Thế, và rồi sau cuộc tấn công này, phong trào của Đề Thám gần như suy tàn cho đến 1913.
"Thời điểm này, người Pháp cũng đã nhìn ra dấu hiệu Đề Thám có những liên kết với những thủ lĩnh yêu nước khác. Thực tế, chúng ta không có nhiều tư liệu về chuyện này. Tuy nhiên, trong sách, người Pháp nói rằng, Đề Thám "đi theo Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…" - ông Liêm chia sẻ.
Vai trò đặc biệt
Những tư liệu trong sách cho thấy Đề Thám đã bắt đầu có liên hệ, liên kết với các phong trào yêu nước khác ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Và, ông đóng một vai trò trong các dự án chính trị và quân sự vượt ra khỏi vùng Yên Thế. Với việc hình dung Đề Thám là một mắt xích quan trọng kết nối mạng lưới các phong trào chống Pháp đầu thế kỷ 20, người Pháp vào năm 1909 đã bằng mọi giá tìm cách dập tắt cuộc khởi nghĩa này.
Nỗ lực ứng phó với quá trình thuộc địa hóa
Theo TS Vũ Đức Liêm, đã có nhiều sách nghiên cứu viết về Đề Thám, tuy nhiên những công trình ở thời kỳ đầu chủ yếu mang tính huyền thoại, vì không có nhiều tư liệu. Trong khi phần lớn các tư liệu mà chúng ta có về Đề Thám và khởi nghĩa Yên Thế là từ người Pháp.
Với bối cảnh các nguồn tư liệu hiếm như vậy, Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng là một công trình rất đặc biệt, có vai trò quan trọng giúp chúng ta từng bước hình dung về quy mô, trình độ, khả năng tổ chức quân sự của Đề Thám.
Chẳng hạn, viên đạn mà Đề Thám và nghĩa quân bắn ra được người Pháp xác định có dấu vết làm thủ công từ Vân Nam (Trung Quốc), qua đó cho biết, nguồn vũ khí chủ yếu của Đề Thám là đến từ các nhóm người Hoa. Cùng với đó là nhiều chi tiết thú vị khác về tiền bạc, thóc gạo của Đề Thám. Trong sách, có các tuyên bố của Do-Duy-An, thư ký quản lý quỹ của Đề Thám ra đầu hàng quân Pháp nêu: "Đề Thám có 3 sĩ phu: Điển Ân đảm nhận việc trao đổi thư từ chính thức, Do-Nuu đưa ra lệnh triệu tập, lời kêu gọi góp quỹ tại các làng v.v… còn tôi giữ sổ sách thóc gạo và tiền bạc".
Với những tư liệu sống động này, TS Mai Anh Tuấn đánh giá, cuốn sách Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng giúp chúng ta quan sát một cách tổng thể về Đề Thám và khởi nghĩa Yên Thế trong một mạng lưới các hoạt động xây dựng với sự tự chủ rất cao về lương thực, đạn dược, tổ chức quân sự… để có thể đối đầu trực tiếp với người Pháp trong khoảng thời gian rất lâu dài.
Đặc biệt, trong sách còn có những chi tiết cho hình dung về cách thức, ý tưởng của Đề Thám khi chống Pháp. Đó là quan hệ của Đề Thám với người Pháp trong những lần hòa ước có sự giao lưu rất chặt chẽ.
"Một cách chính thức, không lúc nào Đề Thám ngừng giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp nhất với các nhà chức trách Pháp. Vào dịp Tết, lễ cơm mới, Tết Đoan ngọ… như chúng tôi đã kể, ông ta đều không quên gửi thư cùng những món quà nhỏ (khi thì mật ong, khi thì quýt hay chim ngói mà người của ông ta lúc tới Hà Nội đã ra chợ mua) cho các quan chức địa phương, trong đó, bằng những từ ngữ cảm động biết ơn, ông ta khẳng định một cách mãnh liệt lòng biết ơn đối với chính quyền, tuy nhiên không bao giờ chấp nhận tới chào hỏi các nhà cầm quyền ở Hà Nội dẫu khẳng định tôn sùng họ" (trích Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng).
Theo TS Vũ Đức Liêm: "Rõ ràng, Đề Thám có những phương pháp để duy trì hòa bình với người Pháp. Nhưng, ông cũng có nỗ lực để chuẩn bị lực lượng, đặc biệt là khi biết người Pháp tấn công. Cho nên, đầu năm 1909, khi người Pháp đánh vào Phồn Xương, thấy một loạt công sự mới vừa được xây xong, có những công sự đang xây dở. Như vậy, tình báo của Đề Thám đã biết trước người Pháp sẽ tấn công và ông đã có sự chuẩn bị lực lượng, căn cứ từ trước".
Ông Liêm cho rằng, những chi tiết này trong Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng càng cho thấy rõ nét hơn về một nhân vật lịch sử đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mà xưa nay chủ yếu được nhìn ở góc độ huyền thoại. Nó cho chúng ta nhìn nhận thực sự về cuộc đấu tranh này, về ý đồ, tư tưởng, trình độ và tài năng của Đề Thám.
Nói rộng ra, TS Vũ Đức Liêm nhấn mạnh, nhờ những tài liệu như Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng mà chúng ta hiểu biết thêm về xã hội Việt Nam và con người Việt Nam trong cách thức tương tác với phương Tây.
"Có rất nhiều nhóm người Việt khác nhau chống lại ảnh hưởng của phương Tây. Có nhóm theo vua nhà Nguyễn, có nhóm Cần Vương, có nhóm mở các hội kín, phong trào huyền bí và tôn giáo… Nhưng có những nhóm đơn thuần xây dựng các căn cứ tại khu vực, địa phương của họ và duy trì các truyền thống theo phương thức của các cuộc khởi nghĩa nông dân. Tuy không có một ý tưởng gì đao to, búa lớn, nhưng đó là nỗ lực của họ nhằm chống lại quá trình thực dân hóa từ bên ngoài" - ông Liêm nói.
Như trường hợp của Đề Thám, cuốn sách cho chúng ta hình dung về khả năng vận hành các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội và quyền lực của một nhóm cư dân Việt Nam đầu thế kỷ 20 ứng phó với quá trình thuộc địa hóa.
Các căn cứ chống Pháp của Đề Thám
Sách Đề Thám - Thời kỳ huy hoàng còn mô tả các căn cứ của Đề Thám: "Quần thể các thôn làng tạo thành các cộng đồng… bao gồm các hang ổ bằng đất nện, khuất trong rừng và được kết nối với nhau bằng một đường mòn duy nhất. Mỗi hang ổ đều có nơi ở, nhà kho, tháp canh, được bao quanh bằng những con đường có mái che, những nơi trú ẩn, những lối ra bí mật. Các công sự này nằm trên các gò, song được rừng che chắn khuất tầm nhìn người ngoài. Phải từ phía trên mới phát hiện ra".