Nhớ GS.TSKH Tô Ngọc Thanh: Làm khoa học là sự tự học và sáng tạo
(LTS) GS-TSKH Tô Ngọc Thanh đã qua đời hôm 24/4, hưởng thọ 90 tuổi. Cuộc đời của ông gắn liền với hoạt động nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là âm nhạc, ông từng đảm nhận cương vị lãnh đạo Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trong nhiều năm. Trước sự ra đi của ông, TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó chủ tịch Hội này đã có bài viết dành riêng cho Thể thao và Văn hóa:
Tôi quen GS Tô Ngọc Thanh hơn 40 năm. Ông tự nhận là người tự học. Suốt cuộc đời từ khi là sinh viên đến lứa tuổi U90, ông vẫn đam mê học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn.
Chàng thanh niên và cụ già U90 miệt mài với sự tự học
Trong một cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật năm 1982 khi diễn giả đang "chém gió" say sưa, ông Tô Ngọc Thanh - khi đó là Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm của Viện Văn hoá - lẳng lặng ra một góc phòng giở sách tiếng Nga mải mê đọc. Biết tôi ở "tỉnh lẻ", từ Hoàng Liên Sơn xa xôi về dự hội thảo, ông tâm sự: "Mình chuẩn bị đi Bulgaria làm nghiên cứu sinh nên phải đọc nhiều tài liệu. Mình cũng ở Tây Bắc về, mình khuyên cậu muốn làm khoa học thì phải tự học".
Bài học tự học của ông như một kim chỉ nam cho cuộc đời làm khoa học của ông.
Sau này ông thường kể cho tôi nghe, chưa đầy 30 tuổi, là con trai của hoạ sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân nhưng ông vẫn mong muốn được đi thực tế. May sao, dịp đó Bộ Văn hoá có chủ trương tăng cường các cán bộ nghiên cứu về các địa phương thâm nhập thực tế. Nhạc sĩ Hồng Thao đi Hà Giang, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đi Lào Cai. Còn ông lại chọn Tây Bắc, nơi có nhiều tộc người để nghiên cứu âm nhạc. Vác ba lô đến Sở Văn hoá khu tự trị Tây Bắc thời đó chỉ một thời gian ngắn, ông đã xin đi cơ sở - những trung tâm Mường lớn ở người Thái: Mường Lò Nghĩa Lộ, Mường Tác Phù Yên, Mường So Phong Thổ (Lai Châu),...
Dấu chân của ông in đậm "Thập Châu" người Thái Tây Bắc, đến đâu ông cũng học tiếng Thái. Ông không chỉ thạo tiếng Thái Đen ở Mường trung tâm mà còn am hiểu cả tiếng Thái Trắng, tiếng Thái Phù Yên,… Ông học tiếng Thái, ông học luôn âm nhạc Thái từ các nghệ nhân, thầy cúng và cả các em gái trong các độ xoè.
Ông còn kể, người yêu đầu tiên của ông là người Thái. Bà vừa dạy tiếng Thái cho ông, vừa hát các bài dân ca, nhưng đồng thời cũng hướng dẫn ông cách làm "bùa yêu".
Tình yêu lỡ dở do nhiều nguyên nhân nhưng trình độ tiếng Thái, trình độ am hiểu văn hoá Thái của ông ngày càng được bồi đắp.
Thời đó, tài liệu nghiên cứu về người Thái rất hiếm, ông đọc được các tài liệu tiếng Pháp của các sĩ quan, linh mục, các nhà khoa học Pháp viết về người Thái. Đặc biệt các tác phẩm của các nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng, Bùi Tịnh,… ông đều đọc mải miết. Sau này nhà nghiên cứu, chuyên gia Thái học Cầm Trọng viết cuốn Người Thái ở Tây Bắc cũng phải sử dụng toàn bộ chương nghệ thuật là tài liệu của Tô Ngọc Thanh.
Suốt 11 năm ở Tây Bắc, ông chỉ có một đam mê - ham mê đi điền dã. Nhà nghiên cứu, nhà văn Vương Trung có nói với chúng tôi khi cùng học ở mái trường Đại học Tổng hợp: "Anh Tô Ngọc Thanh là tấm gương tự học cho một số trí thức Thái chúng tôi".
Sự tự học của ông đã giúp ông làm nghiên cứu sinh ở một nước Đông Âu khác xa Việt Nam nhưng lại gặt hái thành công. Thành công nổi bật đó là do ông am hiểu tiếng Nga, tiếng Bulgaria và tiếng Pháp. Ông sử dụng được tài liệu tham khảo phong phú của tiếng Nga và tiếng Pháp. Từ đó soi rọi vào thực tế vùng Tây Bắc, để đề ra các luận điểm khoa học. Thậm chí khi gặp khó khăn, học bổng giảm sút do điều kiện kinh tế của nước bạn, ông đã xin làm công nhân lái máy xúc để có tiền hoàn thành chương trình Tiến sĩ Khoa học. Mỗi khi học xong phải ra công trường làm tám tiếng mới về nghỉ.
Đến những năm 2015 - 2020, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam có chủ trương mời các chuyên gia tập huấn bồi dưỡng các kiến thức về lí thuyết, phương pháp nghiên cứu Nhân học, Văn hoá học và Văn hoá Dân gian.
Được sự uỷ quyển của giáo sư, tôi đã liên hệ với các nhà khoa học ở nước ngoài về công tác ở Việt Nam và các nhà khoa học Việt Nam giảng dạy về phương pháp nghiên cứu. Các giảng viên là những nhà khoa học nổi tiếng như Lương Văn Hy ở Đại học Toronto(Canada), tiến sĩ Prank Proschan ở UNESCO, tiến sĩ Tan-TangBau ở Đại học Quốc gia Singapore, tiến sĩ Emmanuel Pannier thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp, GS-TS Nguyễn Văn Chính ở Đại học Khoa học Nhân văn, PGS-TS Phạm Quỳnh Phương ở Viên Nghiên cứu Văn hoá, Tiến sĩ Hà Hữu Nga ở Viện Nghiên cứu Vùng,… Tiêu chí lựa chọn các giảng viên là các nhà khoa học, các chuyên gia am hiểu về các lí thuyết Nhân học, Văn hoá Dân gian. Không kể tuổi tác già trẻ khác nhau, trong một buổi giảng, tiến sĩ Tan-TangBau (Đại học Quốc gia Singapore) còn trẻ rất ngạc nhiên thấy một cụ già gần 90 tuổi chăm chú nghe giảng và đặt nhiều câu hỏi hay trong các buổi thảo luận. Anh càng cảm động hơn khi biết đó là GS-TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội nhưng là một cụ già chăm học. Không chỉ nghe các giáo sư, tiến sĩ giảng bài, ông còn trao đổi tài liệu với các nhà khoa học.
Khi 60 tuổi giáo sư mới học tiếng Anh, nhưng chỉ một vài năm giáo sư có thể trao đổi giao tiếp với các nhà khoa học. Ông biết tôi có nhiều tài liệu Nhân học bằng tiếng Anh, ông thường xuyên mượn đọc, dịch tóm tắt. Nhờ đọc thông viết thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga nên kiến thức chuyên môn của ông luôn được cập nhật. Đồng thời có bất cứ một cuốn sách chuyên khảo nào về Văn hoá dân gian về Nhân học ông đều tìm mua bằng được. Do đó các bài giảng trong các lớp tập huấn, một số bài nghiên cứu chuyên sâu của ông có giá trị về mặt học thuật, đặc biệt là các chuyên đề, các sách viết về âm nhạc dân tộc học, về người Thái, về người Ba Na,…
Những sáng kiến đi điền dã
Thời trai trẻ, ông mải mê đi điền dã, ông thường tâm sự với lớp hậu sinh chúng tôi, ngành Văn hoá Thông tin là ngành "cờ đèn kèn trống, đóng đinh leo thang". Ông rất ngại những công việc như vậy vì ông là cán bộ nghiên cứu, muốn có nhiều thời gian đi nghiên cứu và học tập.
Khi chiến tranh phá hoại của người Mỹ lan sang miền Bắc, vùng Tây Bắc heo hút cũng bị máy bay bắn phá. Cơ quan đi sơ tán, ông đề nghị lãnh đạo cho đi điền dã với thời gian dài. Ông ở Mường Lò Nghĩa Lộ có khi đến 3 tháng mới về cơ quan lĩnh lương. Ông nghiên cứu về các điệu khắp của người Thái từ hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên đến khắp lông tông, khắp trong đám tang,… Ông cũng nghiên cứu và biết sử dụng các loại nhạc cụ của người Thái.
Ông thường dạy lớp trẻ trong các buổi tập huấn: "Đi điền dã là đi học dân, khi xuống bản đừng đóng vai cán bộ mà phải đóng vai người học trò nhỏ của dân". Khi đi điền dã, dù ông là người Kinh nhưng nhờ biết tiếng Thái, hát dân ca Thái nên ông sưu tầm được rất nhiều tư liệu phong phú về người Thái. Cách phỏng vấn của ông với nghệ nhân cũng tỉ mỉ nhưng rất sâu và cụ thể. Câu hỏi A lại móc nối câu hỏi B, câu hỏi C. Sau đó ông lại trở về câu hỏi A để kiểm chứng. Chúng tôi nói với ông: "Giáo sư nên dành thời gian viết cuốn Cẩm nang khi đi điền dã - tổng kết những kinh nghiệm của giáo sư rất bổ ích cho các hội viên trẻ". Ông chỉ cười: "Mình ít thời gian quá".
Đến khi ông trở thành ông lão U80, ông đã chọn cách điền dã khác gắn liền với các địa phương ông đến làm việc, mở lớp tập huấn. Ông đi điền dã "xuyên Việt", từ Hà Nội vào các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, chọn ở mỗi tỉnh ở vài ba ngày tập huấn và phỏng vấn các nhà nghiên cứu địa phương về các vấn đề ông quan tâm. Ông có cuốn sổ tay đến tỉnh nào ông cũng ghi đặc sản của vùng quê đó và dành thời gian gặp gỡ các nghệ nhân tìm hiểu về nguyên liệu cách chế biến, các bí quyết về các đặc sản. Sau này nhiều đặc sản trong sổ tay của ông đã được phát triển thành hàng OCOP (hàng hóa của chương trình "Mỗi xã một sản phẩm").
Tôi nhớ, khi vào Huế ông mời mấy người chúng tôi đi ăn các loại bánh của nghệ nhân làm bánh ở Huế. Khi đến TP.HCM, ông lại mời chúng tôi thưởng thức các món ẩm thực với gỏi cá, các loại rau ăn trong bữa ăn.
Về sau, ông đã viết một chuyên khảo rất hay về ẩm thực Việt Nam. Tôi nhớ chuyên khảo đó khoảng gần 100 trang, ông áp dụng lí thuyết cấu trúc và chức năng để phân loại các món ăn, phân tích các món ăn. Đọc chuyên khảo của ông, tôi cảm nhận được màu sắc vẻ đẹp của món ăn các miền quê, các hương vị của món ăn cũng như các lí thuyết cấu trúc về các mặt đối lập âm dương chi phối hầu hết các món ăn.
Ông cũng tìm ra các biểu tượng điển hình trong các món ăn dâng cúng, món ăn trong lễ hội. Đây là chuyên khảo đăng mấy số liền trong tạp chí Nguồn sáng (tiền thân của tạp chí Nguồn sáng dân gian).
Nhưng kỉ niệm hay nhất là ông kể về ẩm thực Thái trong một sốt ngày đi điền dã, giảng bài ở Sơn La. Chúng tôi được trải nghiệm những món ăn Thái. Tôi nhớ hôm đó là khoảng cuối tháng Tư mùa gió phơn tràn về cả Sơn La oi bức, nóng nực nhưng các bạn người Thái Sơn La đã chiêu đãi chúng tôi các món ăn chống nóng, tạo cảm giác mát mẻ. Ông giảng giải cho chúng tôi về kĩ năng làm các món ẩm thực này, ông nói hay đến nỗi các hội viên người Thái cũng phải lấy sổ ghi chép, lấy máy ghi âm.
Ngọn lửa đam mê lan toả
Thời gian đã trôi qua hàng vài thập kỉ nhưng nhiều hội viên vẫn gọi Đại hội II của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam là Đại hội "Hồi sinh". Từ hơn 100 hội viên còn hoạt động của Hội Văn nghệ Dân gian khoá I, sau Đại hội II đến Đại hội III, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã có đến 61 chi hội, hội cơ sở với gần 900 hội viên. Nhiều tỉnh khó khăn ở miền núi phía Bắc như Lai Châu, Bắc Kạn,… đều được thành lập các chi hội. Có chi hội sau Đại hội II đến năm 2000 đã phát triển vài chục hội viên. Không ít chi hội đều có sự tham gia của lãnh đạo Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao, lãnh đạo của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh,… Năm 1999, mạng lưới các chi hội được mở rộng trên toàn quốc.
Có được thành tựu như vậy là nhờ các sáng kiến bám sát thực tế của Tổng thư kí Hội Văn nghệ Dân gian Tô Ngọc Thanh và Phó tổng thư kí Trần Quốc Vượng. Mỗi chuyến đi GS Tô Ngọc Thanh đều đăng kí lịch làm việc với lãnh đạo các tỉnh chưa có chi hội để vận động thành lập các chi hội ở địa phương. Đặc biệt giáo sư còn gặp gỡ hầu hết những hội viên và cộng tác viên, những người đã có một vài công trình nghiên cứu văn hoá dân gian nhắm "truyền lửa" đến mỗi hội viên ở xa xôi.
Các chị Đặng Thị Oanh, Chu Thuỳ Liên ở Điện Biên còn kể về kỉ niệm buổi gặp gỡ đầu tiên với GS Tô Ngọc Thanh. Nhờ có buổi gặp gỡ với giáo sư cũng như lòng yêu nghề, hai chị đã tham gia vận động thành lập chi hội, phát triển hội viên mới. TS Dương Tuấn Nghĩa - Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Lào Cai còn cho biết buổi nghe giáo sư giảng bài tập huấn, trao đổi về chuyên môn đã định hướng cho anh đi theo nghề nghiên cứu văn hoá dân gian. Luận án Tiến sĩ của anh sau này cũng là luận án văn hoá dân gian. Anh có bốn công trình nghiên cứu về người Hà Nhì đều được giáo sư và một số lãnh đạo Hội tận tình góp ý bản thảo.
GS Tô Ngọc Thanh có sáng kiến liên kết với các địa phương, các tỉnh xa xôi như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng,… mở hội thảo khoa học gắn với vùng miền, gắn với địa phương. Mỗi hội thảo không chỉ có tác động lan toả niềm đam mê nghiên cứu văn hoá dân gian của các hội viên, hội thảo còn là một hình thức "truyền lửa" trân quý di sản văn hoá dân gian của cha ông đến với cán bộ lãnh đạo tỉnh và đông đảo hội viên. Nhờ vậy ngay sau hội thảo các tỉnh tham gia hội thảo đều phát triển được hội viên mới. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban hoặc Chi hội Văn nghệ Dân gian trực thuộc Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh. Các hội viên, các tổ chức cơ sở hội đều có nguồn kinh phí hỗ trợ.
Đặc biệt, GS Tô Ngọc Thanh cùng với Ban chấp hành nhận thấy các hội viên ở xa trung tâm văn hoá, xa các thành phố lớn điều kiện nâng cao chất lượng tác phẩm còn nhiều khó khăn. Nhiều hội viên chỉ có lòng đam mê và ngọn lửa nhiệt tình nhưng phương pháp cấu tạo một công trình khoa học chưa có, thậm chí phương pháp đi điền dã, các hội đều phải tự mày mò. Vì nhiều hội viên từ nhiều nguồn khác nhau, chứ ít người được đào tạo cơ bản ở các ngành văn hoá, văn học dân gian. Trước thực trạng như vậy, GS Tô Ngọc Thanh có sáng kiến mở các trại viết văn nghệ dân gian gắn với các lớp tập huấn ở các địa phương. Dù kinh phí còn khó khăn nhưng Hội Văn nghệ Dân gian là hội duy nhất cấp tiền tàu xe và nhuận bút 10 triệu đồng cho mỗi hội viên tham gia trại viết.
Giáo sư thường nói vui: "Các hội viên xa nhà chục ngày thì khi về cũng phải có quà cho vợ con".
Nhưng điều quan trọng hơn là các hội viên rất hăng hái đi trại viết là việc tham gia các lớp tập huấn. Các lớp tập huấn ngắn chỉ từ hai đến ba ngày nhưng khá chất lượng. Vì nội dung tập huấn đều được các hội viên đề xuất và đi vào những vấn đề thiết thực của hội như kinh nghiệm chọn đề tài, kinh nghiệm đi điền dã, kinh nghiệm xây dựng đề cương công trình… hoặc các lí thuyết nghiên cứu mới, phương pháp nghiên cứu mới dễ vận dụng với các địa phương. Mỗi một hội viên đi dự trại viết đều có một giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hướng dẫn chi tiết về phương pháp thực hiện công trình tham dự trại viết.
GS-TSKH Tô Ngọc Thanh có năm dù bận, cũng hướng dẫn từ 4 - 5 hội viên tham gia trại viết. Trại viết và tập huấn còn là nơi gặp gỡ trao đổi chuyên môn. Thậm chí về sau rất nhiều hội viên còn trao đổi qua điện thoại, thư từ với GS Tô Ngọc Thanh và các thầy hướng dẫn. Có anh hội viên trẻ người Mông ở Lào Cai lần đầu dự trại viết rất cảm động hát một bài dân ca Mông:
"Trại viết tan nhưng nỗi nhớ không tan
Thầy vẫn đợi và em vẫn đợi
Em mong ngày trại mở
Em mong về hội vui"
Nhờ có trại viết văn nghệ dân gian gắn liền với tập huấn, các hội viên ở vùng xa được gặp gỡ trao đổi thông tin với các thầy hướng dẫn. Hầu như tuần nào GS Tô Ngọc Thanh cũng phải dành thời gian viết thư, điện thoại trao đổi tận tình với các hội viên. Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của giáo sư, nhiều hội viên khi đi trại viết đã trưởng thành. Có người học ở một ngành khác nhưng cuối đời lại gặt hái thành công ở các tác phẩm văn nghệ dân gian được xuất bản. Có người đem ngọn lửa đam mê của giáo sư truyền qua các lớp học, các câu lạc bộ, các buổi trò chuyện để trở thành tiến sĩ. Có người dân tộc Thái như chị Lường Thị Đại, chỉ trong dăm bảy năm đã viết chung và riêng được 8 cuốn sách. Trong đó có nhiều cuốn được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2017.
***
Giáo sư đã về với thế giới người hiền nhưng ngọn lửa đam mê di sản Văn hoá Dân tộc đã trao truyền cho nhiều thế hệ học trò, hội viên ở 63 tỉnh thành. Một số sáng kiến của giáo sư về chính sách cho nghệ nhân, về đầu tư chiều sâu cho các tác phẩm nghiên cứu sưu tầm và được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát huy. Ngày mùng 6/5 tới đây, các hội viên đều muốn về Nhà tang lễ Trần Thánh Tông thắp nén nhang tiễn biệt giáo sư.
Ngay đến sau này, bước vào tuổi U90, GS Tô Ngọc Thanh vẫn còn trao đổi với chúng tôi muốn đi xuyên vùng sáu tỉnh Tây Bắc. Nhưng rồi những trận ốm, cơn đau chân, đau khớp đã ngăn cản ông về với quê hương thứ hai của mình. Ông đành biến nỗi nhớ Tây Bắc thành những bài giảng trong lớp tập huấn.