Cà phê đầu tuần: Đừng tất tay theo ông Troussier

Tony Robbins, một huấn luyện viên và diễn giả động lực rất nổi tiếng người Mỹ, từng kể lại một trường hợp đặc biệt trong một buổi diễn thuyết của ông: Một khán giả đứng lên và nói với Tony rằng anh ta muốn… tự sát.

1. Anh ta kể rằng mình là dân tài chính, một chuyên gia rất giỏi. Anh từng kiếm rất nhiều tiền cho bản thân, và khi bạn bè rồi các thành viên gia đình giao tiền tiết kiệm của mình cho anh quản lý, họ cũng nhận được những khoản lãi khổng lồ. Từ trước đến giờ, anh vô cùng thành công trong việc kiếm tiền từ thị trường tài chính.

Rồi một ngày kinh tế khủng hoảng, thị trường sập mạnh, và anh mất tất cả. Gia đình đang sung túc thì rơi vào cảnh nợ nần. Anh bảo mình không còn động lực để sống nữa.

Khi được Robbins hỏi sâu hơn, anh ta thú nhận rằng nếu anh ta chết đi, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể chi trả cho vợ con anh sau khi anh ra đi, còn nếu anh ta sống, gia đình sẽ rơi vào vòng xoáy tài chính không lối thoát.

Khi Robbins khỏi anh ta rằng vậy anh muốn những đứa con của mình lớn lên với sự ổn định về tài chính, nhưng lại không có cha, người đàn ông bình tĩnh trả lời: "Đúng, chính xác là điều tôi muốn".

Bạn có thể cảm thấy vô lý với ý tưởng này: Sao có người lại muốn đánh đổi cuộc sống của một người cha vì cho rằng con họ sẽ sống tốt hơn nhờ những đồng tiền bảo hiểm chi trả?

Nhưng Robbins nhanh chóng hiểu ra điều gì diễn ra sau quyết định điên rồ ấy. Với người đàn ông ấy, ngoài tài chính ra, không còn điều gì quan trọng. Anh ta chưa bao giờ định vị nghiêm túc vào thứ gì khác ngoài một chuyên gia tài chính của mọi người. Với anh ta, khả năng kiếm tiền là tất cả, và khi chúng mất đi, anh không còn cảm thấy bản thân có giá trị.

Robbins phân tích rằng đó là một cuộc đầu tư danh tính tất tay vào việc kiếm tiền và trở nên giàu có, để rồi khi sự giàu có biến mất, toàn bộ ý thức của anh ta về bản thân cũng vậy. Cũng như chuyện đầu tư: Ngay cả về vấn đề danh tính, bạn cũng không nên bỏ hết trứng vào một giỏ.

2. Một tuần trước, khi đội U23 Việt Nam chuẩn bị cho trận cuối tại giải quốc tế diễn ra ở Doha (Qatar), HLV Philippe Troussier có đề cập đến một quan điểm đáng chú ý: Ông muốn sau này, các cầu thủ Việt Nam có khả năng cầm bóng ngang ngửa với những đội mạnh hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, hay Nhật Bản.

Cà phê đầu tuần: Đừng tất tay theo ông Troussier - Ảnh 1.

Đừng nên tạo quá nhiều áp lực cho HLV Philippe Troussier vào lúc này

"Ở thời điểm hiện tại, nếu thi đấu với Nhật Bản hay Hàn Quốc thì tỷ lệ kiểm soát bóng của chúng ta chỉ ở khoảng 30-40%. Do vậy, nếu muốn chơi bóng ở trình độ cao hơn, chúng ta bắt buộc phải nâng tỷ lệ kiểm soát bóng lên ngang tầm với đối thủ. Đây là điều không hề đơn giản và cũng không phải muốn là có thể thực hiện ngay được. Chúng ta sẽ cố gắng cải thiện từng bước một" – Ông Troussier tuyên bố.

Ý tưởng của HLV người Pháp rất rõ ràng: Ông đo sự tiến bộ của các đội tuyển Việt Nam bằng khả năng kiểm soát bóng. Và mục tiêu lớn nhất là nâng thời lượng kiểm soát bóng ngang với các đội tuyển mạnh về cầm bóng hàng đầu khu vực". Danh tính của đội tuyển đã được xác định: Chơi kiểm soát bóng, và không có con đường khác.

Bạn có thể hiểu đây là sự cực đoan của một HLV giàu triết lý và tin tưởng đến cùng vào con đường mình đã chọn. Nhưng quá trình định danh này sẽ chỉ thành công nếu đội bóng của ông Troussier chiến thắng. Ở đây không chỉ là câu chuyện thắng bại, mà còn là việc đầu tư danh tính của mình vào đâu.

Với tuyên bố của mình, chúng ta có thể hiểu đây là một canh bạc tất tay. Dù đá với đối thủ mạnh hơn mình thế nào, thì đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ cố cầm bóng. Đây không phải là đội bóng sẽ tùy biến hình dạng theo đối thủ của mình như dưới thời HLV Park Hang Seo.

3. Nhưng chúng ta cũng đã hiểu rõ việc tất tay vào một danh tính nào đó là việc nguy hiểm đến mức nào. Người đàn ông trong câu chuyện của Robbins đã nghĩ quẩn sau khi đầu tư hoàn toàn thời gian và công sức vào một danh tính, và cho rằng đó là toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống.

Một tập thể mạnh không nhất thiết phải đo chất lượng tiến bộ của mình bằng thời lượng kiểm soát bóng. Đến đội tuyển Pháp, quê hương ông Troussier, hay đương kim vô địch World Cup Argentina mạnh hàng đầu thế giới cũng chưa bao giờ tuyên bố họ sẽ dùng đấy làm thước đo cho sức mạnh tập thể. Đôi khi họ sẽ chơi phản công. Đôi khi tấn công toàn diện. Và có lúc dựa hoàn toàn vào những quả tạt. Kiểm soát bóng không phải là điều quan trọng nhất trong bóng đá, cũng như "chuyên gia tài chính" chưa bao giờ là danh tính duy nhất của một con người.


Phạm An

Link gốc: TTVH