Góc nhìn 365: Tuổi 110 của chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành (TP.HCM) vừa bước vào tuổi 110. Như một người già điềm nhiên tự tại, chợ Bến Thành đã ở nằm yên ở đây, vắt mình qua hai thế kỷ, chứng kiến biết bao đổi thay của thành phố.
Chẳng hạn, non chục năm trước, đứng trước cổng chính chợ Bến Thành nhìn sang đường là bến xe buýt tấp nập dòng người xuôi ngược. Vẫn thấy bức tượng Trần Nguyên Hãn phi ngựa, vươn tay thả chú bồ câu lên bầu trời trong xanh thoáng rộng. Giờ đây, những công trình ấy đang tạm được di dời để nhường chỗ cho ga metro đang hình thành.
Trong một thành phố thay đổi từng ngày, mới hay sự hiện hữu bền bỉ của một địa danh như chợ Bến Thành quả là đáng nể.
Khu chợ đã trở thành 1 trong những biểu tượng của thành phố, không chỉ là nơi buôn bán thông thường mà còn là địa điểm du lịch có bề dày văn hóa và mang giá trị kiến trúc. Hình ảnh chợ Bến Thành được cách điệu hóa đã trở thành biểu tưởng cho thương hiệu của nhiều doanh nghiệp.
Vào thời hưng thịnh, du khách phương xa hay người bản xứ tìm đến chợ Bến Thành có thể thấy một không khí mua bán sầm uất, các hàng ăn san sát, sực nức hương thơm.
Không thiếu những chương trình thực tế, các ngôi sao nổi tiếng đã chọn lựa chợ Bến Thành như một điểm nhất định phải đến khi ghé TP.HCM. Sự nhộn nhịp của chợ đã thể hiện tinh thần giao thương năng động - điều đã làm nên sự phát triển của thành phố này.
Tuy nhiên, dịch bệnh đến, cùng với nó là làn sóng mua bán trực tuyến thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Chợ Bến Thành cũng như bao chợ truyền thống khác đã đứng trước những thách thức mới của thời đại.
Chợ Bến Thành không chịu "bó gối" chờ thời mà đã kết hợp cùng người nổi tiếng tổ chức những buổi livestream bán hàng hồi cuối năm 2023. Sau 5 ngày với 77 phiên, các tiểu thương trong chợ đã tạo ra 18.200 đơn hàng, tiếp cận 81,6 triệu người. Con số này hứa hẹn những tín hiệu tích cực nhưng đồng thời cũng đòi hỏi những thay đổi để thích nghi của các tiểu thương trong chợ.
Nói gì thì nói, chợ Bến Thành đã ở đó 110 năm. Trong suốt hơn trăm năm nó, hẳn bao nhiêu thế hệ thương nhân đã tự có những điều chỉnh về cách sống, cách bán hàng cho phù hợp với bối cảnh xã hội trong từng giai đoạn.
Nhìn qua lịch sử của một ngôi chợ, ta cũng có thể thấy được phần nào diện mạo của một nhịp sống của nền kinh tế cũng như đời sống của người dân.
Trên thế giới, không hiếm khu chợ có tuổi đời trăm năm. Như khu chợ Grand Bazaar ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ có từ thế kỷ 15. Chợ Borough ở Vương quốc Anh cũng đã hơn 250 tuổi.
Chuyện một ngôi chợ tồn tại qua hàng thế kỷ không có gì là bất khả. Những ngôi chợ ấy đã trở thành 1 trong những biểu tượng của địa bàn nơi nó tồn tại. Điều cần quan tâm, là làm sao cho biểu tượng ấy được nhiều người biết hơn nữa, cũng như được gìn giữ bảo tồn với những giải pháp thích hợp.
Với Bến Thành, trên nền tảng được bồi đắp suốt 110 năm qua, nókhông chỉ là một ngôi chợ mà còn là một địa điểm văn hóa, vừa bảo lưu ký ức lịch sử vừa bắt kịp cùng thời đại.