Ra mắt bản dịch tác phẩm nói về nghi thức tang lễ trong tâm thức người Việt xưa
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm khảo cứu Biên khảo Tang lễ của người An Nam của Gustave Dumoutier, một học giả hàng đầu về Việt Nam học sẽ ra mắt sáng 12/11, tại Hà Nội.
Sự kiện do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức với sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đính, nhà nghiên cứu dân tộc học; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam cùng Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn. Tác phẩm được coi là công trình khảo cứu công phu, toàn diện nhất về tang lễ của người Việt vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Tập khảo cứu được chia làm nhiều phần. Phần đầu tiên, học giả Dumoutier dành để nói về các nghi thức chuẩn bị trước và sau khi có người mất, trong đó có các bài kinh, thần chú, ... được đọc trước và trong nghi thức tang lễ; các loại bùa mai táng, ý nghĩa; nghi thức cần thực hiện; nghi lễ để tiến hành chôn cất; thuật phong thuỷ trong việc làm mộ phần, buổi tang lễ. Phần thứ hai tập trung vào linh hồn sau cái chết và luân hồi, tái hiện lại tín ngưỡng cổ truyền về linh hồn sau cái chết, luân hồi,.... Cuối cùng là phần phụ lục với những thông tin phong phú về tang phục, danh mục thuật ngữ, phụ lục ảnh để độc giả có thể nghiên cứu sâu.
Trong cuốn sách, nhiều nguồn tư liệu đã được sử dụng trong quá trình hiệu khảo, có thể kể đến như: Tam giáo chính độ thực lục, Tam giáo chính độ tập yếu, Thích Ca chính độ thực lục, Văn bia Thân cấm khử tệ, Hồi dương nhân quả lục, Hoàng Việt luật lệ, Ngọc lịch chí bảo biên, Công dư tiệp ký, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Kinh Bách Duyên, Phật Quang đại từ điển...
Gustave Dumoutier là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian. Trong mảng khảo cứu về Bắc kỳ, Dumoutier được xem là nhân vật tiên phong, ghi dấu ấn bằng nhiều khảo cứu có giá trị trên các phương diện. Đó là quan hệ thương mại cổ giữa Đông Dương với Nhật, về chùa chiền ở Hà Nội, Trấn Vũ quán, thành Cổ Loa, thành nhà Mạc, Phố Khách ở Hưng Yên, về những truyền thuyết lịch sử liên quan đến xứ Bắc kỳ, về bản đồ hải cảng An Nam thế kỷ XV...
Trong đời sống tâm linh, người Việt xưa cảm thấy an lòng, khi người ta sống - chết bình an trong gia đình và hết tuổi trời cho, đó là một cái chết bình thường, tiếc thương nhưng long trọng, không hẳn là một bi kịch; thậm chí từ 70 tuổi trở lên chết lại là điểm mừng (tuổi thọ thế kỷ XIX). Trong công trình khảo cứu, học giả Dumoutier không chỉ ghi chép toàn bộ chương trình tang lễ, còn chọn lọc để đi sâu vào một số bước quan trọng trong tang ma. Độc giả dễ dàng trông thấy những tập tục trong tang lễ mà người Việt vẫn còn giữ đến tận ngày nay; trong đó có thêm những phần giải thích về quan niệm, ý nghĩa, nhằm tái hiện một cách đầy đủ tâm thức của người Việt xưa trong các nghi thức ma chay…