Thư robot: Phim, truyện giả tưởng và thị hiếu thẩm mỹ

Sophia thân mến! Nhân cơn sốt phim Guardians of the Galaxy Vol. 3 (tựa Việt: Vệ binh dải ngân hà 3), chúng ta hãy bàn về phim, truyện giả tưởng.

Còn nhớ, năm 2005, kênh truyền hình Channel 4 của nước Anh tiến hành một cuộc bình chọn bộ phim phù hợp nhất cho cả gia đình thưởng thức. Kết quả là trong 20 bộ phim được bình chọn, có quá nửa là các bộ phim hoạt hình, giả tưởng, siêu anh hùng như: ET Sinh vật ngoài không gian (ET the Extra-Terrestrial), Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars), Công viên kỷ Jura (Jurassic Park), Phù thuỷ xứ Oz (Wizard of Oz), Gia đình siêu nhân (The Incredibles), Trở về tương lai (Back to the Future), Chúa Nhẫn (Lord Of The Rings)...

Tỷ lệ thiết nghĩ "không bình thường" này có lẽ đã chuyển tải và biểu hiện một đặc điểm của người xem vào thời hiện đại (dù ở gia đình) trong việc thỏa mãn nhu cầu điện ảnh. Nhìn rộng ra, còn có thể nhận ra đặc điểm tương tự qua các bộ phim như Robot đại chiến (Transformers), Người nhện (Spiderman),... rồi sự lên ngôi của siêu phẩm điện ảnh "Avatar" (đạo diễn James Cameron).

Thư robot: Phim, truyện giả tưởng và thị hiếu thẩm mỹ - Ảnh 1.

Cảnh trong phim "Guardians of the Galaxy Vol."

Đặt sang một bên việc sử dụng công nghệ hiện đại để thực hiện các kỹ xảo có thể tạo dựng đại cảnh hoành tráng, lộng lẫy với người bay, với mãnh thú, với người máy có sức mạnh siêu phàm, với biển trời mênh mông, vũ trụ kỳ ảo,... dường như các bộ phim này đã hướng tới việc trực tiếp thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng về những điều phi thường, về người anh hùng siêu phàm; tương tự như trước đây, thần thoại, truyền thuyết, sử thi đã thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ đi trước.

Sophia thân mến!

Thử nhìn sang tác phẩm thuộc các lĩnh vực khác, như Mật mã Da Vinci (The Da Vinci code) của Dan Brow, hay Harry Potter của J.K. Rowling trong văn học, vẫn thấy tính chất giả tưởng, hư cấu, kịch tính được đẩy tới mức cao. Vì thế khó có thể thể bỏ qua các con số như: Trong năm 2009, cuốn sách Biểu tượng thất truyền (The Lost Symbol) của Dan Brow in 6 triệu bản trong lần xuất bản thứ nhất, trong buổi phát hành đầu tiên đã bán được 1 triệu bản; bộ phim Cuộc chiến giữa các vị thần (Clash of the Titans) cũng làm nên một "cơn sốt" trong người xem và đã đạt doanh thu 61,4 triệu USD ngay trong tuần đầu phát hành.

Điều gì làm nên các sự kiện như thế? Thiết nghĩ, ngoài kỹ xảo điện ảnh, ngoài kỹ năng viết văn, tiếng tăm của dòng phim và tiểu thuyết, các tác phẩm này đã "bắt mạch" được nhu cầu của công chúng thời hiện đại.

Tác giả của chúng đã nắm bắt được các biến động, xu hướng phát triển của thị hiếu nghệ thuật. Trong quan hệ biện chứng, thị hiếu nghệ thuật luôn là sự cụ thể hóa nhu cầu thẩm mỹ, mà nhu cầu thẩm mỹ lại luôn nằm trong trạng thái động, làm cho thị hiếu nghệ thuật tự thân luôn không chỉ thỏa mãn với (bằng) các giá trị tư tưởng - thẩm mỹ "nhất thành bất biến", mà đòi hỏi các giá trị đó phải luôn trong trạng thái động, chuyển dịch cùng thời gian, điều kiện sống, đặc biệt là luôn thâu nạp các kết quả mới của quá trình nhận thức thẩm mỹ...

Nhưng Sophia biết không, vấn đề còn ở chỗ những người làm nghệ thuật nắm bắt nhu cầu và thị hiếu như thế nào, đáp ứng ra sao!

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!      

Nguyễn Hòa

Link gốc: TTVH